Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024:

Tôn vinh, quảng bá những giá trị văn hóa dân tộc Chăm

ĐÌNH TOÁN

VHO - Chiều 9.9 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức họp báo thông tin về Ngày hội Văn hoá dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024. Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng Ban Chỉ đạo Ngày hội Trịnh Thị Thuỷ chủ trì họp báo. Đồng chủ trì có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội Nguyễn Long Biên.

Tôn vinh, quảng bá những giá trị văn hóa dân tộc Chăm - ảnh 1
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên đồng chủ trì họp báo

Thông tin đến báo chí về Ngày hội, Vụ trưởng Vụ Văn hoá dân tộc (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thị Hải Nhung cho biết, Ngày hội Văn hoá dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 sẽ lấy chủ đề Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Chăm trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.

Ngày hội diễn ra từ ngày 27 – 29.9 tại TP Phan Rang – Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận), với sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, VĐV quần chúng đồng bào dân tộc Chăm đến từ 9 tỉnh/thành phố Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, TP Đà Nẵng và TP.HCM.

Ngày hội là dịp tôn vinh, giới thiệu giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào Chăm tới bạn bè trong nước và quốc tế. Qua đó, tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hoá, có sự thống nhất và hoà hợp giữa các dân tộc. Đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tôn vinh, quảng bá những giá trị văn hóa dân tộc Chăm - ảnh 2
Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung thông tin đến báo chí về các hoạt động của Ngày hội

Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ diễn ra các hoạt động như trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc Chăm; trình diễn, giới thiệu nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm, nghề làm gốm của dân tộc Chăm; liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc Chăm; triển lãm Đặc trưng văn hóa đồng bào Chăm trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam; trưng bày ảnh về sắc màu văn hóa dân tộc Chăm, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước; triển lãm tranh mỹ thuật về văn hoá dân tộc Chăm...

Ngoài ra, BTC cũng sẽ tổ chức thi đấu 6 môn thể thao truyền thống như kéo co, đẩy gậy, bóng đá (mini nam), bóng chuyền (nam), đội nước (nữ), việt dã (nam, nữ) và Giải Golf mở rộng tỉnh Ninh Thuận.

Cũng nhân dịp này, BTC sẽ tổ chức Hội thảo về du lịch với chủ đề Phát huy giá trị di sản văn hoá Chăm trong phát triển du lịch; trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch…

Đặc biệt, Lễ khai mạc Ngày hội sẽ diễn ra vào 20h ngày 27.9 tại Quảng trường - Tượng đài 16.4 (TP Phan Rang – Tháp Chàm) và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV8 (Đài Truyền hình Việt Nam) và kênh NTV (Đài PT-TH Ninh Thuận).

Lễ bế mạc sẽ diễn ra vào 20h ngày 29.9 tại Quảng trường - Tượng đài 16.4  và được truyền hình trực tiếp trên kênh NTV và tiếp sóng trên các kênh của Đài PT-TH các tỉnh trong khu vực.

Theo bà Nguyễn Thị Hải Nhung, các hoạt động của Ngày hội được tổ chức trang trọng, quy mô, gắn với các sự kiện chính trị, văn hoá của đất nước, khu vực và của tỉnh Ninh Thuận.

Đảm bảo tính thống nhất, khoa học, linh hoạt trong công tác chỉ đạo giữa Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội.

Các hoạt động đảm bảo hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho đồng bào dân tộc Chăm, nhân dân và du khách.

Cùng với đó, các chương trình trong khuôn khổ Ngày hội được chuẩn bị chu đáo, luyện tập kỹ lưỡng, có nội dung tiêu biểu, phù hợp và mang tính nghệ thuật cao; đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của nhân dân. Các hoạt động mang tính cộng đồng, đề cao vai trò chủ thể văn hoá, phát huy giá trị văn hoá truyền thống gắn với yếu tố tiến bộ của thời đại.

Thông tin thêm về quá trình chuẩn bị cho ngày hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên cho biết, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho Ngày hội, tỉnh Ninh Thuận đã chủ động thành lập thêm BTC ở địa phương. BTC tại địa phương duy trì họp hàng tuần, thường xuyên rà soát tiến độ, chất lượng thực hiện công việc.

“Xác định rõ đây là vinh dự nhưng cũng là trọng trách, tỉnh Ninh Thuận đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn bám sát kế hoạch của Bộ VHTTDL trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tỉnh cũng đã chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để đón đoàn đại biểu, đoàn tham dự”, ông Nguyễn Long Biên cho biết.

Ngoài mang những ý nghĩa đặc biệt về chính trị, văn hoá, ông Nguyễn Long Biên khẳng định tỉnh Ninh Thuận mong muốn Ngày hội còn là dịp gắn hoạt động văn hoá, thể thao với quảng bá tiềm năng, thu hút phát triển du lịch của các tỉnh/ thành phố tham dự Ngày hội và của chính Ninh Thuận.

Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho biết, Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 là sự kiện nhằm cụ thể hoá sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc, công tác phát triển chính sách, văn hoá, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, trong đó có dân tộc Chăm; cũng như tập trung quảng bá tiềm năng, thế mạnh văn hóa, du lịch của dân tộc Chăm.

Tôn vinh, quảng bá những giá trị văn hóa dân tộc Chăm - ảnh 3
Tôn vinh, quảng bá những giá trị văn hóa dân tộc Chăm - ảnh 4
Các phóng viên đặt câu hỏi cho BTC

Trong đó với hội thảo Phát huy giá trị di sản văn hoá Chăm trong phát triển du lịch, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy mong muốn thông qua hội thảo, các địa phương tham dự sẽ nhận diện được những tiềm năng, thế mạnh của văn hóa Chăm trong phát triển du lịch. Từ đó, đưa ra các sản phẩm du lịch phù hợp nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế,

Thông tin ban đầu về chương trình khai mạc, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI sẽ mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc Chăm. BTC đã cố gắng huy động tối đa sự tham gia của các nghệ nhân, diễn viên, VĐV quần chúng dân tộc Chăm; phát huy tinh thần để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về văn hóa dân tộc mình.

 “Chương trình khai mạc bao gồm các tiết mục được chọn lọc kỹ lưỡng sẽ làm nổi bật những giá trị trong tín ngưỡng, tôn giáo, những biểu tượng trong văn hóa của người Chăm. Đặc biệt, ca ngợi truyền thống văn hóa, lịch sử của đồng bào dân tộc Chăm trong quá trình dựng nước, giữ nước; tinh thần đại đoàn kết của đồng bào Chăm với cộng đồng 54 dân tộc anh em trong công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; khẳng định tinh thần đồng bào dân tộc Chăm cùng các dân tộc mãi nguyện đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nêu rõ.

Một trong những thông tin được Thứ trưởng nêu rõ là tại Lễ khai mạc Ngày hội sẽ diễn ra Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, công nhận Bảo vật quốc gia đối với Tượng thờ vua Pô Klong Garai và bia ký Phước Thiện thuộc di sản văn hóa Chăm ở Ninh Thuận.

Nhân dịp này, để Ngày hội tạo được hiệu ứng lan tỏa, Thứ trưởng mong muốn Ngày hội sẽ nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ tuyên truyền từ các cơ quan thông tấn báo chí.

Bên cạnh các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội, Thứ trưởng mong muốn thời gian tới, việc tuyên truyền sẽ được tăng cường, liên quan đến một số vấn đề như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc, trong đó có dân tộc Chăm; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Chăm; tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng dân tộc Chăm trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới; những gương điển hình trong đồng bào Chăm trên khắp mọi miền Tổ quốc với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa…

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc