Lan tỏa vẻ đẹp của Hà Giang - miền đá nở hoa tại TP.HCM
VHO - Ngày 3.4, tại TP.HCM, UBND tỉnh Hà Giang phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn quảng bá xúc tiến du lịch tỉnh Hà Giang với chủ đề “Hà Giang - miền đá nở hoa”.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch TP.HCM năm 2025, góp phần lan tỏa vẻ đẹp của mảnh đất địa đầu Tổ quốc đến gần hơn với cộng đồng doanh nghiệp, du khách miền Nam và bạn bè quốc tế.
Tham dự sự kiện có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Vương Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Thị Khánh cùng đại diện các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội trong lĩnh vực du lịch.
Miền đá nở hoa - nơi đất trời giao hòa
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Vương Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang khẳng định: “Hà Giang là tỉnh miền núi phía Đông Bắc của Tổ quốc, được tạo hóa ưu ái ban tặng một vùng thiên nhiên kỳ vĩ, mộng mơ. Miền đá nở hoa này là nơi giao hòa giữa đất và trời, nơi minh chứng cho tinh thần đoàn kết, yêu lao động của cộng đồng 19 dân tộc anh em”.
Trên cao nguyên đá Đồng Văn khô cằn, người dân Hà Giang đã vẽ nên những bức tranh sống động bằng chính bàn tay lao động bền bỉ: Từ ruộng bậc thang xanh mướt mùa lúa chín, đến những cánh đồng hoa tam giác mạch dịu dàng uốn lượn theo triền núi.
Mỗi mùa, Hà Giang lại khoác lên mình một tấm áo mới, làm say lòng du khách từ mọi miền đất nước và quốc tế.
Theo bà Vương Ngọc Hà, những thành quả ngành du lịch Hà Giang đạt được trong thời gian qua là kết quả của sự nỗ lực không ngừng từ chính quyền tỉnh, sự hỗ trợ của các cơ quan trung ương, đặc biệt là Bộ VHTTDL, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng sự đồng hành quý báu của các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Vị thế của du lịch Hà Giang ngày càng được khẳng định rõ nét trên bản đồ du lịch quốc tế.
Năm 2023, Hà Giang được vinh danh là “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” và đến năm 2024, tiếp tục ghi dấu ấn khi giành danh hiệu “Điểm đến du lịch văn hóa hàng đầu châu Á” do Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) trao tặng.

Tiếp tục kiến tạo nền tảng bền vững cho phát triển du lịch
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đánh giá cao những nỗ lực kiên trì và hiệu quả của Hà Giang trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.
Ông nhấn mạnh, việc Hà Giang chủ động tổ chức Diễn đàn tại TP.HCM, trung tâm du lịch lớn nhất cả nước, cho thấy tinh thần cầu thị, năng động và khát vọng vươn lên của ngành Du lịch tỉnh nhà.
Để Hà Giang phát triển du lịch xứng tầm là điểm đến hàng đầu của Việt Nam và khu vực, Phó Cục trưởng đề xuất địa phương cần tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch, đồng thời có các chính sách ưu đãi phù hợp để thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Bên cạnh đó, công tác quảng bá cần đổi mới, sáng tạo hơn, từ việc mời gọi các nhà làm phim, nhà sáng tạo nội dung, cho đến ứng dụng công nghệ số trong tiếp thị điểm đến.
Một hướng đi cần đặc biệt chú trọng là phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh, tăng cường liên kết chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng dịch vụ với các trung tâm du lịch lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng…
Cùng với đó là đẩy mạnh các loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, phát triển sản phẩm đặc trưng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số.
“Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Hà Giang trên chặng đường phát triển du lịch bền vững, hiệu quả, đóng góp nhiều hơn cho kinh tế - xã hội địa phương”, ông Hà Văn Siêu khẳng định.

Doanh nghiệp góp ý, chung tay vì một Hà Giang khác biệt và hấp dẫn
Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến tâm huyết từ cộng đồng doanh nghiệp đã được ghi nhận. Ông Trương Đức Hải, Chủ tịch Hội Lữ hành G7, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông nhấn mạnh: “Hà Giang có phong cảnh hùng vĩ và văn hóa dân tộc đậm đà. Điều hấp dẫn nhất là các cung đường đèo uốn lượn kỳ vĩ, trong đó Cột cờ Lũng Cú- vùng cực Bắc thiêng liêng của Tổ quốc, là nơi bất cứ người Việt nào cũng mong muốn một lần đặt chân đến”.
Từ thực tiễn tổ chức tour lên Hà Giang, ông Hải kiến nghị không nên mở rộng ồ ạt các tuyến đường để tránh phá vỡ sự nguyên sơ và gây áp lực lên các bản làng vốn rất mong manh trước dòng chảy du lịch đại trà.
Bên cạnh đó, các vấn đề về an toàn giao thông, hệ thống biển báo, điểm dừng nghỉ… cần được đầu tư đồng bộ, thuận tiện và hợp lý.
“Hà Giang có nhiều điểm trồng hoa rất đẹp, đặc biệt là vào mùa hoa đào, hoa cải, hoa tam giác mạch. Tuy nhiên, đường nhỏ và dốc khiến du khách thường tự dừng đỗ ở những khúc cua nguy hiểm để chụp ảnh. Tỉnh cần quy hoạch các điểm dừng xe hợp lý tại các vị trí có tầm nhìn đẹp hoặc các khu vực trồng hoa để vừa đảm bảo an toàn, vừa tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm trọn vẹn”, ông Hải chia sẻ.
Ngoài ra, các đại biểu còn đề xuất tăng cường truyền thông, đặc biệt là trên các nền tảng số như: YouTube, TikTok, Instagram…; kết nối sâu rộng với TP.HCM và các thị trường khách lớn.
Đồng thời, chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, gìn giữ cảnh quan thiên nhiên hoang sơ. Đây chính là tài nguyên quý giá, bản sắc riêng có. làm nên thương hiệu du lịch Hà Giang.

Để phát triển du lịch Hà Giang xanh, bền vững và hiệu quả hơn, đóng góp nhiều hơn cho kinh tế địa phương, chúng tôi cho rằng, Hà Giang cần quy hoạch không gian du lịch tổng thể. Trong đó, phân vùng phát triển du lịch phù hợp với sức chứa và năng lực phục vụ, hạn chế quá tải tại các điểm du lịch trọng điểm như: Quản Bạ, Đồng Văn, Lũng Cú, Mèo Vạc…
Xây dựng sản phẩm du lịch xanh với việc đẩy mạnh các tour du lịch sinh thái, trekking, du lịch nông nghiệp, homestay chuẩn xanh và thân thiện với môi trường. Khuyến khích mô hình “làng du lịch không rác thải nhựa”, “bản du lịch không túi nilon”...
Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, tăng cường vai trò người dân địa phương trong phát triển du lịch, đào tạo kỹ năng du lịch, vận hành homestay, bán sản phẩm OCOP, tạo việc làm và thu nhập bền vững từ du lịch.
Tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số qua việc phát triển bản đồ số du lịch, vé điện tử, các app giới thiệu điểm đến và dịch vụ tại Hà Giang. Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nền tảng marketing số để quảng bá hiệu quả hơn.
Thu hút đầu tư có chọn lọc khi kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào dịch vụ lưu trú, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng sinh thái, nhưng có tiêu chí đánh giá chặt chẽ về bảo vệ môi trường và tôn trọng văn hóa bản địa.
Kết nối điểm đến Hà Giang với các địa phương như: TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang, các tỉnh Tây Bắc mở rộng… để tạo chuỗi tour hấp dẫn. Đồng thời, kết nối với các ngành nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, văn hóa - nghệ thuật để làm giàu, làm mới sản phẩm du lịch.
Phát triển nguồn nhân lực du lịch bản địa qua việc hỗ trợ đào tạo nghề, kỹ năng phục vụ du lịch, giao tiếp tiếng Anh cơ bản cho người dân tại các bản làng du lịch.
Với khí chất kiên cường như đá núi, với vẻ đẹp mộc mạc mà lay động lòng người, Hà Giang đang vươn mình trở thành biểu tượng của một điểm đến xanh, bền vững và đậm đà bản sắc văn hóa.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ trong quảng bá, thu hút đầu tư, bảo tồn giá trị truyền thống và làm mới sản phẩm du lịch cho thấy Hà Giang không chỉ chinh phục du khách bằng cảnh sắc, mà còn bằng tâm thế cởi mở, cầu thị và khát vọng phát triển.
Diễn đàn “Hà Giang - Miền đá nở hoa” tại TP.HCM không chỉ là nhịp cầu nối giữa địa đầu Tổ quốc với trung tâm kinh tế, du lịch sôi động phía Nam, mà còn là lời mời gọi tha thiết gửi đến bạn bè khắp muôn phương: “Hãy đến Hà Giang, để một lần lặng nhìn mây trôi trên đỉnh Mã Pí Lèng, để nghe tiếng khèn ngân vang giữa chợ tình Khâu Vai, để cảm nhận nhịp sống bền bỉ giữa núi non trùng điệp - nơi mỗi bước chân lữ khách đều nở hoa và mỗi hành trình đều trở thành ký ức không thể quên”.