Cần định vị rõ nét thương hiệu du lịch Hà Giang

VHO - Nhận diện rõ thương hiệu du lịch và giải pháp nhằm tháo gỡ điểm nghẽn để phát triển du lịch Hà Giang thời gian tới cũng như định vị thương hiệu trong tương lai, UBND tỉnh Hà Giang phối hợp với Bộ VHTTDL, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Hội thảo “Định vị và xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang trong giai đoạn mới”. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông dự và phát biểu chỉ đạo.

Cần định vị rõ nét thương hiệu du lịch Hà Giang - Anh 1

 Khách quốc tế thích thú khám phá Hà Giang

 Thương hiệu được xây dựng từ Cao nguyên đá Đồng Văn 
Hà Giang là tỉnh cực Bắc của Việt Nam, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Tỉnh này đặt mục tiêu đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm, thu hút trên 3 triệu lượt khách. Định hướng đến năm 2030, Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Khu du lịch quốc gia, thu hút 5 triệu lượt khách du lịch; tổng thu từ du lịch ước đạt 20.600 tỉ đồng, đóng góp 14,34% giá trị du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn; tạo việc làm cho trên 20.000 lao động trực tiếp.
Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: “Năm 2010, Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là thành viên mạng lưới công viên địa chất UNESCO toàn cầu. Đây là cơ sở nền tảng hình thành nên thương hiệu du lịch của Hà Giang, thông qua việc khai thác giá trị di sản quốc tế, gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa 19 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn. Để xây dựng được thương hiệu đã khó, việc giữ vững được thương hiệu thì càng khó hơn. Qua hội thảo này, chúng tôi mong muốn được lắng nghe các ý kiến, góp ý, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà quản lý, đại biểu nhằm hỗ trợ địa phương nghiên cứu, đưa ra các giải pháp căn cơ, khắc phục điểm nghẽn, làm nền tảng cơ sở vững chắc, phát huy tối đa thế mạnh về tài nguyên du lịch để Hà Giang phát triển xanh và bền vững”.
Nhất trí với định hướng phát triển du lịch Hà Giang trong Quy hoạch phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2050, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh việc Hà Giang đã xác định đúng khi lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để phát triển văn hóa; phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, xanh và bền vững; tăng cường mở rộng hợp tác phát triển trong liên kết vùng. Thứ trưởng đề nghị Ban chỉ đạo phát triển du lịch địa phương chỉ đạo và chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động sát thực tiễn, đảm bảo giải quyết, tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy lợi thế phát triển du lịch. Ngành du lịch Hà Giang phối hợp, liên kết với các đơn vị liên quan đề xuất các chính sách mới phù hợp với thực tiễn, xu hướng phát triển của đất nước và thế giới. 
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị HHDL Việt Nam, HHDL các địa phương phát huy mạnh mẽ vai trò kết nối cộng đồng doanh nghiệp du lịch với các hiệp hội, hội ngành nghề khác liên quan, tham vấn với các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời phát huy vai trò chủ động trong việc tham gia, tổ chức các hoạt động xây dựng sản phẩm du lịch, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao kỹ năng nghề của đội ngũ lao động du lịch và các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, để phát triển thì các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ du lịch và cộng đồng doanh nghiệp du lịch phát huy tính năng động, sáng tạo, vai trò động lực, chủ động tham vấn trong phục hồi du lịch. Đẩy mạnh kết nối, hợp tác hỗ trợ, cùng nhau vượt qua khó khăn, đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo. 

Cần định vị rõ nét thương hiệu du lịch Hà Giang - Anh 2

 Hà Giang lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để phát triển văn hóa

Cần mạnh bằng du lịch
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho rằng, với việc khai thác các giá trị cốt lõi, sản phẩm du lịch đặc sắc, theo hướng xanh và bền vững, những gì diễn ra đang chứng minh Hà Giang là điểm đến mới nổi châu Á, từ đó định vị du lịch Hà Giang trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong 63 điểm được quy hoạch và sẽ được công nhận là Khu du lịch quốc gia thời gian tới. Hà Giang cũng hướng tới là trọng điểm du lịch phía Bắc trong tương lai.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch HHDL Việt Nam đánh giá, sự tiến bộ vượt bậc của Hà Giang 15 năm qua đã khẳng định vị thế của du lịch Hà Giang trên bản đồ du lịch cả nước. “Tuy nhiên, tôi cho rằng việc định vị vị thế của du lịch Hà Giang cần được khẳng định rõ nét hơn trong nền kinh tế của tỉnh. Hà Giang xác định du lịch là mũi nhọn kinh tế nhưng công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp đang chiếm tỷ trọng cao. Hiện nay, du lịch mới đạt 8-9% GRDP, nếu xác định du lịch là mũi nhọn thì phải có những đầu tư, quan tâm xứng đáng để trở thành ngành kinh tế chủ lực trong tương lai gần của Hà Giang, du lịch đạt khoảng 15-20% GRDP”, ông Bình nói. 
Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Võ Trí Thành nhấn mạnh rằng, Hà Giang cần khẳng định thương hiệu và không chỉ mạnh về du lịch mà phải mạnh bằng du lịch. Phải làm thế nào để du khách sẵn sàng trả thêm tiền cho du lịch Hà Giang. Lớn hơn, thương hiệu là độ hấp dẫn để thu hút nguồn lực để phát triển du lịch Hà Giang. Ông Võ Trí Thành cho rằng, cách tiếp cận, kết nối, hợp tác giữa các địa phương còn nhiều vấn đề cần điều chỉnh. Về nguồn lực, tiềm lực phải giải quyết được việc cạnh tranh hay bổ sung cho nhau. Có 3 chiều cạnh mà Hà Giang và các tỉnh nên suy nghĩ, đó là: Hợp tác để tạo nên một không gian “chơi” lành mạnh; phối hợp đi đôi với cạnh tranh; tạo không gian mới. Bên cạnh đó, thông tin và dữ liệu cần phải được cập nhật liên tục để có những nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp hợp lý. 
Theo ông Thành, sản phẩm du lịch và các giá trị độc đáo của công viên địa chất UNESCO đang được bán với giá quá rẻ. Tại sao không phối hợp để tổ chức các sự kiện lớn của thế giới? Giới trẻ Việt Nam sẵn sàng bỏ ra 50 triệu đồng sang Singapore, nhưng lại cân nhắc việc bỏ ra 10 triệu để đi Hà Giang. Vì thế, cần phải khai thác các yếu tố đặc sắc riêng, sự sáng tạo, sản phẩm và dịch vụ đẳng cấp. “Phục vụ phát triển nhưng không phải hạ thấp giá trị của mình. Muốn định vị thương hiệu Hà Giang là nền tảng phát triển trong tương lai, cần phải có chính sách phát triển tương xứng: Nguồn lực, truyền thông, hỗ trợ từ trung ương….”, ông Võ Trí Thành nói. 

 NGUYỄN ANH

Ý kiến bạn đọc