Khám phá miền Tây xứ Thanh và xứ Nghệ

PHẠM NGÂN

VHO - Hành trình 6 ngày 5 đêm đoàn Famtrip do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức đã khép lại với những ấn tượng tốt đẹp trong lòng hơn 50 doanh nghiệp lữ hành và cơ quan báo chí tham gia, khẳng định sức hút của các điểm đến tại Thanh Hóa và Nghệ An. Sự kết hợp giữa lịch sử, văn hóa và thiên nhiên đã tạo nên một bức tranh du lịch cộng đồng đầy hứa hẹn, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần bảo tồn bản sắc dân tộc.

 Khám phá miền Tây xứ Thanh và xứ Nghệ - ảnh 1
Thưởng thức nhảy sạp truyền thống của các cô gái Thái tại Pù Luông

 Chuyến đi nhằm khảo sát tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời xây dựng kế hoạch quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ và kết nối các tuyến điểm du lịch mang nét đặc trưng của vùng. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.

Khám phá tiềm năng

Chuyến đi bắt đầu từ Thanh Hóa, với điểm dừng chân đầu tiên là Thành nhà Hồ - di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Tiếp tục hành trình, đoàn tham quan Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, một điểm đến lý tưởng cho du lịch sinh thái và cộng đồng. Với những thửa ruộng bậc thang trải dài, các bản làng mộc mạc và không gian xanh mướt, Pù Luông mang đến cho du khách trải nghiệm yên bình và gần gũi với thiên nhiên. Ngoài ra, việc kết hợp các dịch vụ homestay tại đây tạo điều kiện cho du khách hòa mình vào cuộc sống thường nhật của người dân tộc Thái, Khơ Mú...

Trong khuôn khổ chuyến đi, đoàn cũng ghé thăm khu di tích Lam Kinh, nơi gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và các vị vua triều Lê. Đây không chỉ là điểm tham quan mà còn là nơi để thế hệ sau ôn lại và nhớ về những trang sử hào hùng của dân tộc. Bản Mạ, một làng du lịch cộng đồng nằm gần Lam Kinh, đã để lại ấn tượng sâu sắc bởi sự mộc mạc và lòng hiếu khách của người dân địa phương. Đây là nơi du khách có thể trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc, từ các điệu múa truyền thống đến những món ăn dân dã.

Khu vực miền Tây xứ Thanh có đến 11 huyện miền núi, chiếm hơn 3⁄4 diện tích của tỉnh. Đây là vùng có ưu thế về tài nguyên thiên nhiên với rừng, hồ, núi, hang động, thác nước và nhiều cảnh quan, danh thắng. Theo báo cáo của Sở VHTTDL Thanh Hóa, trong 2 năm 2023 và 2024, các huyện miền núi của tỉnh đón gần 4 triệu lượt khách, chiếm 14,2% tổng lượng khách cả tỉnh. Trong đó, tổng thu du lịch ước đạt gần 5,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng thu du lịch cả tỉnh.

Tiếp tục hành trình, đoàn Famtrip đặt chân đến Nghệ An, với điểm dừng đầu tiên là bản Hoa Tiến, một điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu của huyện Quỳ Châu. Nổi bật với nghề dệt thổ cẩm truyền thống, bản Hoa Tiến không chỉ mang lại trải nghiệm văn hóa thú vị mà còn giúp du khách hiểu hơn về cuộc sống và nghệ thuật thủ công của người Thái. Du khách có thể tự tay học dệt hoặc thưởng thức những món ăn đặc sản địa phương trong không gian yên bình của núi rừng.

Vườn quốc gia Pù Mát, một trong những khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất Việt Nam, là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích du lịch khám phá. Tại đây, du khách có thể tham gia các hoạt động như trekking xuyên rừng, ngắm thác Khe Kèm hùng vĩ hoặc tìm hiểu hệ sinh thái phong phú. Con Cuông là nơi lý tưởng để trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa. Các dịch vụ homestay tại đây đã được đầu tư, mang đến cơ hội giao lưu văn hóa và khám phá những giá trị truyền thống của địa phương.

Kết nối và phát triển bền vững

Thông qua các chương trình khảo sát, đại diện một số doanh nghiệp du lịch nhận định, các điểm du lịch của tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên, nguyên sơ. Điều đó rất cần thiết và quan trọng để phát triển du lịch bền vững trong tương lai. Tỉnh cần phát triển du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn cảnh quan tự nhiên và các giá trị văn hóa truyền thống bản địa. Cần tăng cường thu hút đầu tư về cơ sở hạ tầng, thu hút doanh nghiệp phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương làm công tác du lịch.

Chuyến Famtrip không chỉ là dịp để khảo sát các điểm đến mà còn mở ra những cơ hội hợp tác giữa các đơn vị lữ hành và cộng đồng địa phương. Các doanh nghiệp lữ hành đều nhận định rằng Thanh Hóa và Nghệ An sở hữu tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả, cần có sự đầu tư bài bản vào cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và đẩy mạnh quảng bá.

Từ trải nghiệm thực tế, các đơn vị lữ hành đã có nhiều trăn trở cho sự phát triển du lịch địa phương: “Trải qua hành trình từ Pù Luông - Lam Kinh - Bản Mạ - Quỳ Châu - Đô Lương - Con Cuông, giúp khám phá sự đa dạng của thiên nhiên và văn hóa các vùng miền. Đó là sự kết hợp tuyệt vời giữa cảnh đẹp hoang sơ, sự giao thoa giữa các nền văn hóa dân tộc thiểu số và các di tích lịch sử quan trọng. Mỗi địa phương trên hành trình đều mang một vẻ đẹp và đặc trưng riêng. Chúng tôi hy vọng mỗi điểm sẽ tô đậm sự đặc trưng, hoàn thiện về cơ sở hạ tầng chuẩn hóa tiêu chí dịch vụ. Đó là những điều tiên quyết giúp cho sự phát triển du lịch bền vững”, Giám đốc công ty Viettadi Travel Ali Linh Nguyễn chia sẻ.

Trao đổi về tiềm năng phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bà Phạm Lê Thảo, Phó Trưởng phòng truyền thông Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết: “Đây là đoàn Famtrip tham gia khảo sát đầu tiên trong sáu đoàn của Dự án 6 xây dựng sản phẩm du lịch gắn với phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua khảo sát thực tế, các đơn vị lữ hành thấu hiểu những khó khăn của đồng bào vùng sâu vùng xa trong phát triển du lịch, từ đó sẽ có những “hiến kế” giúp cho địa phương phát triển. Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành trong việc xây dựng sản phẩm, kết nối du lịch với tuyến điểm du lịch khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Câu chuyện xúc tiến du lịch cần được nhân rộng hơn nữa, để các điểm đến thú vị tiếp cận được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước”. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc