Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Bài 2):

Hành trình trọn vẹn cho những chuyến đi

QUẢNG XƯƠNG

VHO - Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang được người dân hết sức quan tâm. Theo phương án đề xuất của Tư vấn lập dự án, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ đi qua 20 tỉnh thành, với 23 ga hành khách. Đây sẽ là “cú hích” cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, của các địa phương. Đồng thời, người dân, doanh nghiệp cũng được thụ hưởng những lợi ích của tuyến đường này đem lại.

Hành trình trọn vẹn cho những chuyến đi - ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Hà trải nghiệm tàu cao tốc tại Lào

 Công trình có ý nghĩa chiến lược

Tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính tri, xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Việc đầu tư đường sắt tốc độ cao sẽ là “cú hích” cho phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu vận tải, tái cơ cấu vận tải; mở ra không gian phát triển kinh tế mới, nguồn lực mới thông qua khai thác hiệu quả quỹ đất; phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị; giảm ô nhiễm môi trường, giảm tai nạn giao thông; tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và tạo ra hàng triệu việc làm…

Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty GBest Việt Nam, một người làm du lịch nhiều năm, thường xuyên đưa khách du lịch ra nước ngoài, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc cho biết khách du lịch Việt Nam sang các nước này rất ấn tượng về hệ thống đường sắt cao tốc.

Hầu như khách du lịch Việt Nam nào đi du lịch Nhật Bản đều trải nghiệm shinkansen - mạng lưới tàu cao tốc. Sự tiện lợi và thoải mái giúp shinkansen quen thuộc với khách du lịch khắp nơi trên thế giới và trở thành biểu tượng cho sự hiện đại và tiến bộ công nghệ của Nhật Bản, là niềm tự hào của người Nhật. Hành khách đến với shinkansen được trải nghiệm sự thoải mái, thay vì phải chờ đợi ở các sân bay hay ngồi trên ô tô di chuyển trong thời gian dài.

Theo bà Nguyễn Thị Hà, có rất nhiều lợi ích mà shinkansen cũng như tàu cao tốc tại các quốc gia khác mang lại cho ngành du lịch, đó là tiếp cận dễ dàng, tiện lợi, sự thoải mái, tác động kinh tế và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, các ga thường ở ngay trung tâm thành phố nên rất thuận lợi cho khách, giờ tàu cũng chuẩn không có hoãn, hủy chuyến thuận tiện cho sự chủ động thời gian của khách hàng.

“Thời gian check in khi lên tàu ngắn hơn rất nhiều so với đi máy bay. Điều thuận lợi nữa là tàu cao tốc giữa điểm đi và đến có thể ngắn hơn. Do đó, có thể khai thác những chương trình tour mà chặng đi ngắn máy bay không khai thác được”, bà Nguyễn Thị Hà cho biết.

Nhiều khách du lịch Việt Nam trải nghiệm những chuyến tàu cao tốc ở nước ngoài rất thích thú và ấn tượng. Chị Nguyễn Thị Vân (huyện Bắc Quang, Hà Giang) thích thú khi trải nghiệm tàu cao tốc tại Trung Quốc. Chị cho biết đoàn tàu khá tiện nghi, sạch sẽ. Hành khách đi tàu thoải mái di chuyển chứ không bị bó buộc như máy bay. Một số khoang ghế còn có thể xoay lại (phù hợp với một nhóm người muốn trao đổi, thảo luận).

Nhiều thuận tiện

Kỳ vọng vào sự phát triển của đường sắt tốc độ cao ở Việt Nam thời gian tới, anh Nguyễn Minh Nghĩa (Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, qua tìm hiểu thì biết ở một số nước phát triển, người dân cách nơi làm việc hàng trăm km vẫn có thể đi làm bằng tàu cao tốc.

Khi đường sắt tốc độ cao ở Việt Nam hoàn thành và đi vào hoạt động, người dân có nhà ở Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… có thể sáng đi làm, tối đi về bằng tàu cao tốc và ngược lại. Điều này sẽ góp phần giãn mật độ dân cư cho các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Bà Nguyễn Thị Hà cũng đồng tình với quan điểm này, bởi hiện tại nhà bà ở Thanh Hóa. Công việc hiện tại chủ yếu ở Hà Nội, do đó di chuyển chủ yếu bằng ô tô, thời gian đi về trong ngày mất khá lâu nếu so với tàu tốc độ cao.

Cùng với đó, các tuyến tàu cao tốc làm thay đổi đáng kể việc liên kết vùng trong hành vi của du khách. Khi khả năng di chuyển đến một điểm yêu thích bị hạn chế do hệ thống giao thông kém hiệu quả, các công ty du lịch và khách sẽ tìm điểm đến khác thay thế. Do đó, việc đưa tàu cao tốc vào sử dụng tác động đáng kể đến sự lựa chọn điểm đến của du khách cũng như các công ty du lịch.

Khi có tàu cao tốc, việc di chuyển thuận lợi hơn, do đó một chương trình tour có thể kéo dài qua nhiều tỉnh mà không bị mất quá nhiều thời gian cho check in. Đơn cử như chương trình tour Hà Nội - Đà Nẵng 3- 4 ngày, lâu nay di chuyển bằng máy bay và chỉ tham quan Đà Nẵng - Hội An vì gần như mất ngày đầu và ngày cuối bay.

Nhưng nếu có đường sắt tốc độ cao, khách du lịch có thể đi tàu vào Huế, tham quan Huế xong lên tàu đi Đà Nẵng tham quan Đà Nẵng - Hội An rồi đi tàu về. Tàu có rất nhiều khung giờ nên có thể chọn thời điểm di chuyển, không bị hạn chế như máy bay.

Theo phương án đề xuất của Tư vấn lập dự án, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ đi qua 20 tỉnh thành, với 23 ga hành khách. Sẽ có một số tỉnh có tới 2 ga khách như Hà Tĩnh (ga Hà Tĩnh và Vũng Áng), Bình Định (ga Bồng Sơn và Diêu Trì), Bình Thuận (ga Phan Rí và Mương Mán). Theo Tư vấn lập dự án, vị trí các nhà ga được xác định trên nguyên tắc tiếp cận các đô thị của tỉnh và các trung tâm vùng. Đây là nơi tập trung đông dân cư và là đầu mối giao thông của khu vực.

Cùng với đó, giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dự kiến bằng 75% mức trung bình vé máy bay hàng không giá rẻ và phổ thông. Vé được chia 3 mức để phù hợp khả năng chi trả của người dân, nhu cầu và mức độ tiện nghi khác nhau. Trong đó, mỗi km vé hạng nhất dự kiến là 0,18 USD (khoang VIP), hạng hai 0,074 USD và hạng ba là 0,044 USD. Như vậy, chặng Hà Nội – TP.HCM dài 1.541 km, vé hạng nhất khoảng 6,9 triệu đồng; hạng hai là 2,9 triệu và hạng ba là 1,7 triệu đồng.

Với những lợi thế về thời gian di chuyển, sự thoải mái và tiện nghi trên tàu tốc độ cao, cùng với giá vé thấp hơn so với vé máy bay, hành khách và các công ty du lịch sẽ có nhiều lựa chọn cân nhắc hơn về di chuyển, lựa chọn điểm du lịch, tổ chức chương trình tour… (Còn tiếp)