Đi tắt đón đầu

NAM VIỆT

VHO - Việc lãnh đạo Bộ GTVT chính thức thông tin về chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khiến nhiều người bất ngờ. Trước đó, có nhiều “đồn đoán”, nhưng xem ra không đúng.

Ví dụ nhiều người nói “chắc như đinh đóng cột” là muốn xây dựng thì phải vay tiền nước ngoài. Nhưng, hóa ra, theo Bộ GTVT để tránh sa vào “bẫy nợ” gần 70 tỉ USD, con “rồng sắt” này sẽ huy động vốn trong nước.

Cụ thể, theo lãnh đạo Bộ GTVT, với tinh thần độc lập, tự lực tự cường và tự chủ, khả năng, Bộ Chính trị quyết định không phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài, bởi vay bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ phải ràng buộc. 

 Đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ góp phần quan trọng trong cơ cấu lại thị phần vận tải hành khách giữa các phương thức theo hướng bền vững Ảnh minh họa 

 Như vậy, sẽ bố trí vốn đầu tư công trong khoảng 12 năm, mỗi năm bình quân khoảng 5,6 tỉ USD (tổng mức đầu tư 67,34 tỉ USD). Dự kiến thời điểm triển khai xây dựng vào năm 2027, hoàn thành dự án toàn tuyến vào năm 2035.

“Trong trường hợp vay nước ngoài, khoản vay đó phải đi kèm điều kiện ưu đãi, ít ràng buộc và điều kiện lớn nhất là phải chuyển giao công nghệ cho Việt Nam”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết. Một bất ngờ nữa là tốc độ của con tàu. Trước đó, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng với thực tế Việt Nam (có tham khảo quốc tế) thì chúng ta chỉ nên, chỉ có thể xây dựng đường sắt tốc độ cao 250 km/h cho toàn tuyến 1.541 km. Nhưng rồi, phương án được chọn là 350 km/h. 

Lý giải, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, hiện tàu tốc độ 250 km/h phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, tốc độ 350 km/h chính là xu thế phát triển mới, được nhiều quốc gia lựa chọn. Đặc biệt, với chiều dài đất nước như Việt Nam thì việc xây dựng đường sắt tốc độ cao 350 km/h sẽ rút ngắn khoảng cách giữa các tỉnh, thành phố, phân bổ lại đô thị dân cư, mở ra không gian phát triển rộng lớn.

Nghiên cứu cho thấy, trên chặng Hà Nội - TP.HCM tốc độ 350 km/h có khả năng thu hút khách cao hơn khoảng 12,5% so với tốc độ 250 km/h. Tương tự, chặng Hà Nội - Đà Nẵng và Hà Nội - Nha Trang khả năng thu hút khách cao hơn lần lượt 26,5% đến 23,8%”. 

Bộ GTVT cũng cho biết tổng mức đầu tư dự án 350 km/h cao hơn dự án có tốc độ chạy tàu 250 km/h khoảng 8-9%. Tuy nhiên, việc đầu tư 250km/h nếu muốn nâng cấp lên 350 km/h là khó khả thi và không hiệu quả. Vì thế, “đi tắt đón đầu” được cho là hợp lý hơn.

Cuối cùng, vấn đề rất được quan tâm là giá vé. Được biết, giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến bằng khoảng 75% giá vé máy bay trung bình của hàng không giá rẻ và hàng không phổ thông (giá vé bình quân của Vietnam Airlines và Vietjet). Vé đường sắt tốc độ cao chia làm 3 mức giá tương ứng với mức độ tiện nghi khác nhau. Sơ bộ tính toán tại thời điểm hiện tại: Vé hạng nhất (khoang VIP) 6,9 triệu đồng. Hạng 2 là 2,9 triệu đồng. Hạng 3 là 1,7 triệu đồng. 

Như vậy, với những dữ liệu kể trên thì có thể coi dự án khổng lồ là đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã tương đối hình hài. Cùng với nhiều hãng hàng không, hệ thống đường bộ cao tốc (dự kiến 5.000 km, hiện đã xây dựng hoàn chỉnh 2.221 km), giao thông của đất nước sẽ ngày càng hiện đại. Đi tắt đón đầu để tăng tốc phát triển cũng chính là nằm trong ý nghĩa đó.