Gắn câu chuyện sản phẩm OCOP với du lịch nông nghiệp, nông thôn
VHO- Mỗi sản phẩm OCOP đều là “sứ giả văn hóa” của một địa phương cụ thể, thể hiện truyền thống, phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân. Nó có thể có quy mô không lớn, nhưng độc đáo, thấm đẫm giá trị văn hóa, thổ nhưỡng, kỹ năng của người làm ra…
Việc xây dựng câu chuyện cho từng sản phẩm OCOP tạo nên sức mạnh mềm, dấu ấn, mang giá trị truyền thống của mỗi vùng đất và đây cũng là thương hiệu để góp phần phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Suối Giàng là một xã vùng cao thuộc huyện Văn Chấn (Yên Bái), nằm trên độ cao gần 1.400m, được ví như Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt bởi khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Đây là vùng đất nổi tiếng với những cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đặc biệt là cây chè trên 400 năm tuổi, được xếp vào 1 trong 6 cây chè thủy tổ của thế giới. Kết tụ tinh hoa từ đất trời, chè cổ thụ Suối Giàng là một món quà thơm thảo quý giá mà thiên nhiên trao tặng cho Yên Bái.
Chè Suối Giàng chính hiệu để có được phẩm cấp đặc biệt của nó, ngoài yếu tố tự nhiên còn phải phụ thuộc vào trình độ thu hái, sao sấy chế biến của đồng bào Mông ở Suối Giàng. Đầu tiên chè tươi hái về, phải sao ngay bằng chảo gang trên bếp củi, nếu để lâu chè tươi sẽ bị ôi, giảm chất lượng. Sao chè nhất thiết phải dùng củi phơi khô cháy đượm thì nước chè mới xanh. Khi sao chè, phải luôn hơ tay trần vào chảo nóng để ước lượng nhiệt độ vừa đủ. Chè tươi sao chín tái đồng bào đưa chè ra vò bằng tay, vò khéo léo sao cho chè không bị vữa, vừa không mất hương chè. Đó là cả một quá trình cẩn thận, kỹ lưỡng mà người sao chè phải để hết tâm huyết vào. Đây là kinh nghiệm và bí quyết sao chè của người Mông trước đây truyền lại. Sau khi sao, những búp chè săn lại bằng hạt đỗ xanh, tuyết phủ trắng, mang hương thơm độc đáo thanh cao của núi ngàn.
Anh Đào Đức Hiếu HTX, Giám đốc hệ sinh thái du lịch Suối Giàng cho biết: Từ một sản phẩm của vùng đất nghèo, bằng chính chất lượng và giá trị, sản phẩm chè Suối Giàng đã vinh dự được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao và đang trên lộ trình phấn đấu lên 5 sao, có chứng nhận ECOCERT, tiêu chuẩn ORGANIC của châu Âu, có chỉ dẫn địa lý, có mã số vùng trồng, có ISO trong sản xuất… tức là đã có “giấy thông hành” đi ra được 26 nước trên thế giới. Xu hướng của thế giới là hữu cơ, là sản xuất xanh, tiêu chuẩn xanh nên sản phẩm chè Suối Giàng đã đáp ứng tốt các yêu cầu này. HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng còn triển khai những lớp học miễn phí cho trẻ em để những câu chuyện về sản phẩm thấm dần vào những đứa trẻ vùng cao từ khi còn thơ bé. Từ đó, chè sẽ không đơn thuần chỉ là một sản phẩm để thương mại mà nó còn là câu chuyện của văn hóa. Trẻ em ở trên đỉnh núi được học về chè, hiểu về chè và biết được thế mạnh và văn hóa của vùng đất nơi mình sinh ra và trưởng thành.
Để thay đổi tư duy làm chè của người Mông bản địa, cách hay nhất là truyền dạy cho những người trẻ, người trong độ tuổi lao động để sau khi học xong, mỗi học viên là những tuyên truyền viên về cách làm chè sạch, chè hữu cơ cho chính gia đình mình. Cứ như vậy, câu chuyện được kéo dài từ chuyện búp chè, giờ có thêm cả du lịch. Nhiều người đến Suối Giàng để chiêm ngưỡng cây chè cổ thụ, để săn mây và thậm chí chữa lành. Bà con Suối Giàng vừa làm chè, vừa mở cửa đón du khách, ấy cũng là lúc sản phẩm được biết đến nhiều hơn. Bà con có thu nhập nên không còn phải rời bỏ mảnh đất họ sinh sống để đi làm việc khác. Họ có thể có sinh kế ở tại nơi họ sinh ra và lớn lên. Đây là mong muốn và những việc anh Hiếu đang nỗ lực thực hiện.
“Khi một sản phẩm nông nghiệp đồng hành với câu chuyện về du lịch, văn hóa và sức khỏe, tôi nghĩ rằng đây là cơ hội cho sản phẩm để không chỉ đơn thuần là tiêu thụ bằng những kênh thương mại vào hệ thống siêu thị, bán hàng trực tuyến mà còn tiêu thụ bằng chính câu chuyện văn hóa của mình”, anh Hiếu chia sẻ. Theo Giám đốc Sở VHTTDL Yên Bái Lê Thị Thanh Bình, Yên Bái từng bước xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch khác biệt nhằm tạo sức hút, nhất là đối với sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm. Công tác xúc tiến, quảng bá giới thiệu thế mạnh, tiềm năng, thu hút đầu tư phát triển du lịch địa phương cũng được đẩy mạnh. Loại hình du lịch canh nông trên địa bàn Yên Bái đang manh nha phát triển dựa trên các tiềm năng, lợi thế như: Du lịch mùa nước đổ, mùa lúa chín trên ruộng bậc thang ở huyện Mù Cang Chải; du lịch tham quan vườn bưởi đặc sản Đại Minh (Yên Bình), vùng cam sành Lục Yên, nuôi cá lồng hồ Thác Bà, huyện Yên Bình và trải nghiệm công đoạn chế biến (hái, sao) và thưởng thức trà tại vùng chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng, huyện Văn Chấn... Loại hình này đã trở thành mô hình du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách, góp phần nâng cao chất lượng du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Du khách trong quá trình tham quan, mua sắm sản phẩm đóluôn cónhu cầu được thông tin vềnhững điểm đặc biệt của sản phẩm từ nguồn nguyên liệu, quá trình chế biến, sản xuất và cả giá trị sử dụng, giá trị văn hóa tinh thần. Do vậy, khai thác triệt để các yếu tố thể hiện giá trị văn hóa bản địa kết tinh trong sản phẩm OCOP giới thiệu đến du khách là rất cần thiết. Để gắn kết phát triển du lịch với các sản phẩm OCOP, góp phần định vịđiểm đến, tạo nét khác biệt, thu hút du khách, đòi hỏi các cấp, các ngành có sự phối hợp đồng bộ, mỗi chủ thể của điểm đến hay sản phẩm OCOP đều cần chú ý gìn giữ phát huy và chuyển tải các giá trị văn hóa đặc trưng trong phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, trong từng sản phẩm OCOP.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, mang lại thu nhập cho người dân, lợi ích kinh tế cho địa phương, định vị hình ảnh nền nông nghiệp Việt Nam sinh thái bốn mùa hoa trái, nông thôn giàu bản sắc văn hóa, người dân nông thôn đôn hậu, hiền hòa, mến khách. Song, du lịch nông thôn, nông nghiệp không phải chỉ dừng lại đơn giản ở việc xây dựng vài cái chòi, trang trí một vài bông hoa, kê mấy cái bàn là xong mà cần “thổi hồn” vào từng sản phẩm, để du khách cảm nhận chiều sâu văn hóa, niềm tự hào về quê hương của những người dân làm du lịch.
Một trong những giải pháp là mỗi điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn cần có một câu chuyện cảm xúc để không chỉ giúp quảng bá, giới thiệu đến du khách, mà còn tạo động lực khơi dậy sự đoàn kết, hỗ trợ của cộng đồng trong làm du lịch. Người nông dân, thông qua những chuyên gia, được tư vấn biết cách sắp xếp lại sản phẩm mình đang có cho hoàn hảo hơn và biết tiếp thu những điều mới mẻ để tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm du lịch.
NGỌC MINH