Gặp mặt đầu xuân 2025- HATA:

Đẩy mạnh kết nối, phát triển giữa các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội

NGUYỄN ANH

VHO - Ngày 8.3, Chi hội Lữ hành Hà Nội (HATA) tổ chức Gặp mặt đầu xuân 2025 nhằm kết nối các doanh nghiệp thành viên, triển khai kế hoạch hoạt động năm 2025 và công bố bộ nhận diện HATA.

Đẩy mạnh kết nối, phát triển giữa các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội - ảnh 1
Sự kiện Gặp mặt đầu xuân 2025 là dịp để các doanh nghiệp lữ hành Thủ đô đẩy mạnh kết nối, hợp tác, phát triển

Sự kiện này có sự tham gia của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, Chủ tịch Liên chi hội Xanh Việt Nam Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Chi hội Lữ hành Hà Nội Lê Thanh Thảo, đại diện Sở Du lịch Hà Nội, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Du lịch các địa phương lân cận và hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô.

Phát biểu khai mạc, bà Lê Thanh Thảo cho biết: “Sự kiện Gặp mặt đầu xuân 2025, không chỉ để các doanh nghiệp du lịch cùng đón chào một năm mới hứa hẹn nhiều cơ hội, mà còn để nhìn nhận, trao đổi về những thách thức và định hướng phát triển của ngành du lịch Hà Nội trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến chuyển mạnh mẽ”.

“Đây là sự kiện quan trọng để kết nối cộng đồng doanh nghiệp lữ hành Thủ đô, tăng cường hợp tác, thúc đẩy sáng tạo và tìm kiếm những giải pháp bền vững cho ngành du lịch”, bà Thanh Thảo nhấn mạnh.

Đẩy mạnh kết nối, phát triển giữa các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội - ảnh 2
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình phát biểu tại sự kiện

Năm 2024, ngành Du lịch thế giới đã phục hồi mạnh mẽ, với 1,1 tỉ lượt khách quốc tế trong 9 tháng đầu năm, tăng 11% so với năm 2023 và đạt 98% so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19.

Kinh tế toàn cầu đang dần ổn định, nhu cầu du lịch quốc tế ngày càng gia tăng, cùng với đó là sự thay đổi trong xu hướng du lịch, tập trung vào trải nghiệm cá nhân hóa, công nghệ số và du lịch bền vững.

Ở trong nước, du lịch Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu ấn tượng. Cả nước đã đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế năm 2024 (tăng 39,5% so với năm trước) và 110 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu đạt 840 nghìn tỉ đồng (33,6 tỉ USD).

Đặc biệt, lượng khách từ Trung Quốc tăng 214,4%, Hàn Quốc tăng 27,1%, Nhật Bản tăng 20,7%..., khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch Đông Nam Á.

“Riêng tại Hà Nội, tổng lượng khách đạt 30 triệu lượt, trong đó khách quốc tế khoảng 6 triệu lượt, góp phần đưa Thủ đô tiếp tục giữ vững vị thế là trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử và sự kiện quan trọng của cả nước”, bà Thanh Thảo cho biết.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, ngành lữ hành vẫn đối diện nhiều thách thức, từ xu hướng du lịch thay đổi, sức ép cạnh tranh quốc tế đến yêu cầu ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh.

Chính vì vậy, vai trò của Chi hội Lữ hành Hà Nội càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chi hội Lữ hành Hà Nội không chỉ là một tổ chức nghề nghiệp, mà còn là cầu nối vững chắc giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý, giữa ngành lữ hành Hà Nội với thị trường trong nước và quốc tế.

Với sứ mệnh hỗ trợ, kết nối và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp hội viên, Chi hội đã không ngừng nỗ lực trong suốt năm qua để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và giúp các đơn vị thành viên phát triển bền vững.

Đẩy mạnh kết nối, phát triển giữa các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội - ảnh 3
Đại biểu tham quan gian hàng của các doanh nghiệp lữ hành, các nhà tài trợ tại sự kiện

BCH Chi hội Lữ hành Hà Nội nhiệm kỳ 2024 - 2029 đã có một năm 2024 đầy thử thách nhưng cũng rất thành công.
Với tinh thần trách nhiệm cao, tập trung vào những hoạt động mang lại giá trị thiết thực cho hội viên, BCH đã dẫn dắt hội viên hình thành tổ chức và môi trường kinh doanh lành mạnh, đoàn kết.

Chi hội mong muốn trở thành đầu mối tổ chức nghề nghiệp vững chắc cho các doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội, không chỉ hỗ trợ hội viên trong việc phát triển kinh doanh, mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ, chuẩn hóa hoạt động du lịch và đưa ngành lữ hành Thủ đô vươn xa hơn trên bản đồ quốc tế.

Hiện nay, bối cảnh kinh tế, chính trị và xã hội trên thế giới đang biến động mạnh mẽ, ảnh hưởng đến dòng khách du lịch, hành vi tiêu dùng và nhu cầu của thị trường.  
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ số trong du lịch phát triển vượt bậc, đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng để không bị bỏ lại phía sau.

Sự thay đổi trong xu hướng du lịch: Khách hàng ngày càng quan tâm đến trải nghiệm cá nhân hóa, du lịch bền vững, du lịch kết hợp công tác (bleisure), du lịch sức khỏe và mô hình “workcation”…

Đẩy mạnh kết nối, phát triển giữa các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội - ảnh 4
Đại biểu trong nước và quốc tế tham dự sự kiện

Tại buổi Gặp mặt đầu Xuân 2025 các doanh nghiệp đã đẩy mạnh kết nối và tìm kiếm cơ hội hợp tác; cập nhật những thông tin quan trọng về thị trường, công nghệ và xu hướng du lịch năm 2025; thảo luận về chiến lược phát triển và định hướng ngành Du lịch Hà Nội trong giai đoạn mới.

Năm 2025, HATA sẽ tập trung vào 4 trọng tâm chính: Mở rộng thị trường inbound và outbound, kết nối với các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ; phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Nội: du lịch văn hóa, du lịch xanh, du lịch MICE.

Ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số: Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai AI, dữ liệu lớn (Big Data), nền tảng OTA; thúc đẩy marketing số và thương mại điện tử trong lữ hành.

Phát triển sản phẩm du lịch bền vững; xây dựng sản phẩm du lịch gắn với bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng; thúc đẩy tiêu chuẩn “du lịch xanh” theo hướng bền vững.

Xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế: Tham gia hội chợ VITM Hà Nội 2025, ITB Berlin, WTM London 2025; tổ chức Famtrip, Caravan, Roadshow để quảng bá du lịch Hà Nội ra thế giới….

Năm 2024, HATA đã củng cố tổ chức, mở rộng hội viên, khẳng định vai trò là “mái nhà chung” của các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội, kết nối hơn 100 đơn vị hội viên mới.
BCH được kiện toàn với 14 thành viên chủ chốt, đảm bảo sự điều hành hiệu quả. Đẩy mạnh kết nối với Hiệp hội Du lịch Hà Nội (HANTA) và Hiệp hội Lữ hành Việt Nam (VISTA).

HATA cũng đã triển khai các hoạt động kết nối và hỗ trợ hội viên trong năm qua như: Tổ chức nhiều chương trình giao thương, kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp hội viên; tham gia và tổ chức các famtrip khảo sát sản phẩm du lịch trong nước và quốc tế; hỗ trợ hội viên tiếp cận các chính sách mới về du lịch và đào tạo nâng cao nghiệp vụ…

Hoạt động xúc tiến du lịch và hợp tác quốc tế cũng đã được đẩy mạnh với nhiều hoạt động xúc tiến ở trong và ngoài nước, góp phần cùng ngành Du lịch thủ đô trong mục tiêu đón 30 triệu lượt khách.

Đẩy mạnh kết nối, phát triển giữa các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội - ảnh 5
Chương trình có sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp lữ hành Hà Nội

Phát biểu tại buổi Gặp mặt đầu Xuân 2025 của HATA, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: “Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, nhiều xu thế du lịch mới xuất hiện, đặc biệt là công nghệ trên toàn cầu phát triển như vũ bão, các doanh nghiệp lữ hành cần có sự thay đổi để theo kịp sự phát triển đó”.

Hiện nay, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ; đã có 60 địa phương trên toàn quốc hình thành Hiệp hội Du lịch. Trên cả nước có hàng chục ngàn doanh nghiệp du lịch. Du lịch đang có những đóng góp lớn vào việc thay đổi bộ mặt của đất nước, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa; thúc đẩy xã hội phát triển.

Nhiều doanh nghiệp du lịch hiện nay đã vươn lên, nói lên tiếng nói của ngành Du lịch và tham gia mạnh mẽ vào sự phát triển của ngành kinh tế đất nước.

Nhắc lại những khó khăn thời kỳ Covid-19, ông Vũ Thế Bình nói: “Mặc dù có những lúc ngành Du lịch đóng băng mọi hoạt động, chịu sự ảnh hưởng rất nặng nề nhưng du lịch cũng là ngành có sự phục hồi nhanh nhất”.

Ông Vũ Thế Bình cũng nhấn mạnh việc cần thiết phải thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực du lịch; bám sát các chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước và tham gia tích cực vào tổ chức xã hội nghề nghiệp về du lịch.

Theo ông Vũ Thế Bình, hiện nay Nhà nước, Chính phủ đang rất ủng hộ sự phát triển của ngành Du lịch, có nhiều chính sách ưu tiên phát triển du lịch. Ví dụ như hiện nay chính sách visa của Việt Nam đang rất cởi mở, doanh nghiệp du lịch cần tận dụng tốt chính sách này để thu hút khách quốc tế từ các thị trường trọng điểm đến Việt Nam.

Ngày 8.3, Chi hội Lữ hành Hà Nội cũng đã chính thức ra mắt Bộ Nhận diện thương hiệu mới, đánh dấu bước phát triển chuyên nghiệp hơn. Logo, slogan, hệ thống nhận diện trên website, mạng xã hội được đồng bộ hóa, giúp nâng cao uy tín và bản sắc của HATA.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc