Đào tạo thực hành - chìa khóa cải thiện nguồn nhân lực

ĐINH VŨ - ĐỖ LONG

VHO - Trong bối cảnh ngành Du lịch đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, với những con số tăng trưởng ấn tượng và tiềm năng bứt phá rõ rệt, bài toán nhân lực lại một lần nữa được đặt ra như một “nút thắt cổ chai” cản trở sự phát triển bền vững.

 Tình trạng thiếu hụt lao động chất lượng cao, khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn cùng yêu cầu đổi mới mô hình giáo dục nghề nghiệp là những vấn đề cấp thiết cần được nhìn nhận nghiêm túc và hành động quyết liệt.

 Đào tạo thực hành - chìa khóa cải thiện nguồn nhân lực - ảnh 1
Nhiều chuyên gia cho rằng, nguồn nhân lực du lịch đang vừa thừa vừa thiếu. Trong ảnh: Sinh viên ngành Du lịch trong buổi học thực hành. Ảnh: N.PHẠM

Nỗi lo thường trực

GS.TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam (VITEA), Hiệu trưởng Trường Quản trị Khách sạn Quốc tế Imperial cho biết: “Ngành du lịch Việt Nam đang chứng kiến những bước tiến ngoạn mục trong giai đoạn hậu Covid-19. Riêng trong tháng 3.2025, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 2 triệu lượt, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy du lịch đang bước vào giai đoạn bứt phá”.

Tuy nhiên, đằng sau những con số sáng sủa ấy là thực tế đáng lo ngại: Nguồn nhân lực du lịch đang vừa thiếu vừa yếu. Theo thống kê, hiện cả nước có 195 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 65 trường đại học, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp và 4 trung tâm đào tạo nghề, cùng 2 đơn vị doanh nghiệp tham gia đào tạo.

Mỗi năm, toàn hệ thống chỉ cung cấp được khoảng 20.000 nhân sự, trong khi nhu cầu thực tế lên đến 400.000 người. Điều đáng lo hơn là cơ cấu trình độ.

Tỉ lệ lao động có trình độ đại học và sau đại học chỉ chiếm 9,7%, lao động trình độ sơ, trung cấp và cao đẳng chiếm khoảng 50%, còn lại là 39,3% chưa qua đào tạo chuyên môn. Đặc biệt, chỉ 43% lao động đang làm việc trong ngành từng được đào tạo bài bản.

Theo bà Đỗ Hồng Xoan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Khách sạn Việt Nam, hậu quả của đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều lao động chất lượng cao rời bỏ ngành, chuyển sang các lĩnh vực khác và không quay trở lại.

“Tình trạng này khiến các khách sạn 4-5 sao gặp khó khăn trong tuyển dụng và vận hành, đặc biệt là rất khó khi triển khai ứng dụng công nghệ số trong quản lý, chuyển đổi số trong du lịch”, bà Xoan chia sẻ. Còn với các khách sạn từ 3 sao trở xuống, việc triển khai chuyển đổi số gần như bất khả thi do thiếu đội ngũ nhân lực có hiểu biết về phần mềm và thiết bị công nghệ. “Chuyển đổi số sẽ thất bại nếu không có nhân lực phù hợp”, bà Đỗ Hồng Xoan cảnh báo.

Để cải thiện thực trạng này, bà Xoan đề xuất cần thay đổi tư duy đào tạo theo hướng thực chất, gắn liền với thực tiễn. “Mô hình đào tạo nghề tại Thụy Sĩ, với 25% lý thuyết và 75% thực hành tại khách sạn, là một ví dụ tiêu biểu. Ngành giáo dục cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra sát với yêu cầu thị trường. Trong đó, hệ thống khách sạn là đơn vị sử dụng nhân lực lớn nhất, chiếm 65% tổng doanh thu ngành Du lịch”.

Từ thực tế đào tạo tại Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng trường, Phó Chủ tịch VITEA cho biết: “Chương trình đào tạo của chúng tôi hiện đang được xây dựng theo hướng tích hợp, với ba trụ cột chính: Kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp. Trong đó, kỹ năng thực hành được đặt làm trọng tâm, xuất phát từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Tuy vậy, vẫn còn khoảng cách giữa chương trình đào tạo và yêu cầu từ thị trường lao động”.

Ông Trịnh Cao Khải đề xuất, cần tăng cường liên kết giữa các trường đào tạo trong nước để chia sẻ nguồn lực, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả đào tạo. Đồng thời, nên đẩy mạnh đưa sinh viên đi thực tập ở nước ngoài để rèn luyện kỹ năng hội nhập và phát triển thành những công dân du lịch toàn cầu.

Tại Trường Quản trị Khách sạn Quốc tế Imperial, mô hình đào tạo được xây dựng hoàn toàn theo chuẩn quốc tế. GS. Đào Mạnh Hùng chia sẻ: “Yếu tố then chốt trong việc chuẩn bị cho sinh viên ngành Du lịch - khách sạn không nằm ở lý thuyết, mà ở thực hành trong môi trường chuẩn mực, chuyên nghiệp”.

Sinh viên tốt nghiệp chương trình tại Imperial được cấp hai văn bằng: Bằng thực hành nghề nghiệp do trường cấp và Practical Diploma Level 3 do Tổ chức NCF (Anh) cấp. Nhờ đó, họ có thể làm việc tại bất kỳ quốc gia nào mà không gặp rào cản về kỹ năng hay chuyên môn.

 Đào tạo thực hành - chìa khóa cải thiện nguồn nhân lực - ảnh 2
Các doanh nghiệp du lịch, khách sạn thường xuyên phải đào tạo lại nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu thị trường Ảnh: PHẠM HÀ

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Bên cạnh việc chú trọng thực hành và gắn kết doanh nghiệp, việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) trong đào tạo cũng đang mở ra nhiều hướng đi mới.

Ông Phạm Ngọc Hiếu, Giám đốc kinh doanh VietED cho rằng: “AI không chỉ giúp cá nhân hóa quá trình học, mà còn hỗ trợ đánh giá kỹ năng và phản hồi theo thời gian thực. Đây là xu hướng không thể thiếu trong đào tạo hiện đại”.

AI có thể hỗ trợ xây dựng các mô hình mô phỏng thực hành, tăng cường tương tác trong giảng dạy ngoại ngữ và mô phỏng tình huống phục vụ khách - những kỹ năng thiết yếu trong ngành dịch vụ.

Từ mô hình “school-in-hotel” đến việc đưa sinh viên đi thực tập ở nước ngoài, từ chuẩn hóa đầu ra đến ứng dụng AI, việc đào tạo du lịch đang đứng trước cơ hội để thay đổi tận gốc.

Nhưng để những nỗ lực ấy thực sự tạo ra khác biệt, các chuyên gia cho rằng, cần có chính sách vĩ mô, thúc đẩy hợp tác công - tư, đồng thời nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cam kết chất lượng từ chính các cơ sở đào tạo.

Trong bối cảnh ngành Du lịch Việt Nam bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển bứt phá, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là yếu tố quyết định sự thành công.

Không chỉ cần thêm người, ngành Du lịch đang cần những con người được đào tạo bài bản, có kỹ năng thực hành vững vàng, có khả năng làm việc trong môi trường toàn cầu.

“Chúng ta cần đào tạo để ra nghề, chứ không phải chỉ ra trường. Phải xác định rõ, đầu tư cho giáo dục du lịch là đầu tư cho ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước”, bà Đỗ Hồng Xoan nhấn mạnh.