Nâng cao nguồn nhân lực du lịch văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế
VHO - Ngày 30.10, tại Trung tâm Không gian văn hóa Khê Cốc, khu Di sản thế giới Tràng An, Ninh Bình đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế".
Hội thảo được kỳ vọng sẽ đề ra được những giải pháp thiết thực cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch văn hóa, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Hội thảo là sự kiện quan trọng, có quy mô lớn do Liên chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam cùng Dự án “Vườn ươm tài năng văn hóa du lịch” đồng tổ chức, phối hợp cùng các đối tác quốc tế và các tổ chức uy tín hàng đầu trong ngành Du lịch như Swiss Edu Hubvà Business & Hotel Management School (B.H.M.S), cùng sự đồng hành, tài trợ của Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Tam Chúc.
Đặc biệt, Hội thảo nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ Cục Hợp tác quốc tế - Bộ VHTTDL, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các cơ quan chức năng, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, ban lãnh đạo quần thể di sản thế giới Tràng An, Ninh Bình.
Hội thảo lần này được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam vừa đoạt ba giải thưởng du lịch hàng đầu châu Á 2024, bao gồm “Điểm đến hàng đầu châu Á 2024”, “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á 2024” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2024”. Những thành tựu này khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế, đồng thời thúc đẩy nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch văn hóa.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 150 tác giả và nhóm nghiên cứu gửi bài tham luận. Các tác giả và nhóm nghiên cứu đến từ 75 trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, trường cao đẳng, trung cấp và doanh nghiệp trên cả nước. Đặc biệt, Hội thảo nhận được sự quan tâm và tham gia của các doanh nghiệp du lịch quốc tế hàng đầu như Emeralda và Công ty TNHH Evoltech Nhật Bản, góp phần làm phong phú thêm nội dung và mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế.
Các vấn đề được tập trung thảo luận như làm rõ khái niệm sản phẩm du lịch văn hoá và thực trạng cũng như sự cần thiết nâng cao chất lượng việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế; tìm ra những nguyên nhân cơ bản quyết định chất lượng việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch văn hóa tại các cơ sở đào tạo; những yếu tố đặc thù trong việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực cho sản phẩm du lịch văn hóa tại các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp du lịch; những giải pháp căn cơ trong việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch văn hóa nhằm đạt tới hiệu quả cao trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay…
Trong một ngày, Hội thảo với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, cùng đại diện từ các doanh nghiệp và tổ chức trong và ngoài nước, với nhiều tham luận chất lượng, đề ra các giải pháp hữu ích cho việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế, như: Thực tế phát triển du lịch bền vững và xây dựng bản sắc du lịch Thụy Sĩ - Bài học cho Việt Nam; Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch văn hóa thông qua Dự án Vườn ươm tài năng văn hóa du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế; Mối quan hệ giữa du lịch và văn hóa, sự phát triển du lịch văn hóa và bài học kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới; Phát triển du lịch chữa lành…
Hội thảo không chỉ là diễn đàn trao đổi học thuật mà còn mở ra cơ hội hợp tác quốc tế sâu rộng trong lĩnh vực du lịch văn hóa. Đây cũng là bước đệm quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, chú trọng vào các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy di sản truyền thống. Qua đó góp phần quan trọng trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch văn hóa, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay.
Một số hình ảnh diễn ra tại Hội thảo: