Để du lịch Ninh Thuận thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn:
Bài 4 - Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch
VHO - Nhằm hiện thực chủ trương Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy đưa du lịch Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các Sở, Ban, ngành, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh, các địa phương quan tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch có nghề vững vàng, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đào tạo nghề Du lịch cho hàng nghìn lao động
Cụ thể, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch số 2713/KH-UBND ngày 22.6.2022 về Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2022 - 2025.
Theo đó, UBND tỉnh Ninh Thuận giao các Sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan triển khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận trong giai đoạn từ 2022-2025, với số lượng 3.260 học viên, người lao động phục vụ tại các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình có đăng ký hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh; lực lượng lao động nông thôn tại các huyện, thị trấn, xã, phường có các địa điểm hoạt động du lịch.
Trong đó hệ Đại học 50 người, hệ Cao đẳng 240 người, hệ Trung cấp 200 người, hệ sơ cấp 1.090 người, hệ bồi dưỡng Nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch tại điểm, Nghiệp vụ bàn, buồng, lễ tân, chế biến món ăn, du lịch cộng đồng, Marketing du lịch,…với số lượng 1.680 người.
Ngoài ra, căn cứ tình hình, nhu cầu thực tế UBND tỉnh giao Hiệp hội Du lịch phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Để triển khai thực hiện Kế hoạch Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, trong năm 2024.
UBND tỉnh giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lớp ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung, 4 lớp nghiệp vụ du lịch cộng đồng, lớp nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch tại điểm, lớp nghiệp vụ Bàn, Buồng, lớp nghiệp vụ trên phương tiện thủy nội địa.
Ông Trương Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận (Trung tâm), cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2014, Trung tâm đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trường Cao đẳng Du lịch Đà Lạt tổ chức 4 lớp tập huấn cho trên 240 lượt học viên là lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí thực hiện hơn 147,5 triệu đồng, gồm các lớp: Tập huấn ứng dụng giải pháp thương mại điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh; Tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho doanh nghiệp, hợp tác xã; Tập huấn ứng dụng các công cụ số thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và bồi dưỡng nghiệp vụ Hướng dẫn viên tại điểm.
Qua đó nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cung cấp những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp nắm bắt xu hướng và tận dụng hiệu quả các cơ hội để xây dựng thương hiệu và nâng cao hiệu quả kinh doanh, nhất là công tác xúc tiến thương mại điện tử, chuyển đổi số doanh nghiệp.
Nhân lực phải đáp ứng hội nhập kinh tế quốc tế
Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Trưởng Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh cho biết: Nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò vô cùng quan trong trong việc thúc đẩy phát triển ngành Du lịch, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu mà Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Ninh Thuận đề ra.
Theo đó, phải xây dựng, đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực du lịch của tỉnh có quy mô, cơ cấu, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hội nhập, tạo ra lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, kỹ thuật ngày càng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
UBND tỉnh yêu cầu Sở LĐ,TB&XH tỉnh Ninh Thuận phối hợp Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Ninh Thuận, các Sở, ban, ngành, địa phương tích cực, chủ động trong việc tổ chức đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đảm bảo đúng kế hoạch, mục tiêu mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh để ra.
Trong đó, yêu cầu Sở LĐTB&XH tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực bổ trợ cho du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng; từng bước chuẩn hóa chương trình đào tạo tại các cơ sở đào tạo các ngành theo hướng đa dạng như: đào tạo ngắn hạn, đào tạo dài hạn, đào tạo chuyên sâu về ngành du lịch (quản lý cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên, lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp...) phù hợp với điều kiện, khả năng của doanh nghiệp và yêu cầu thực tế của xã hội.
Khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nước và nước ngoài về giáo dục nghề nghiệp nhằm tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu tốt nhất cho người học có thể lựa chọn ngành nghề, trình độ, thời gian, địa điểm.... để tham gia học nghề. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động thực hiện việc đào tạo gắn với việc làm, tư vấn hướng dẫn và kết nối cho người lao động sau khi tốt nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức có uy tín, có thương hiệu thành lập cơ sở đào tạo tại tỉnh.
Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận tăng cường liên kết, hợp tác giữa các Hiệp hội Du lịch, các công ty lữ hành trong nước và quốc tế; phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch trong việc xây dựng môi trường kinh doanh văn minh, lành mạnh, đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi người lao động, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh; vận động các hội viên, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác đào tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch của đơn vị.
Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Ninh Thuận tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên của các đơn vị thành viên hiệp hội, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt nhu cầu du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh.; thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt để trao đổi thông tin, kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn, thông tin tình hình kinh tế - xã hội tỉnh.
Một số chỉ tiêu cụ thể Nghi quyết 04 Tỉnh ủy Ninh Thuận đề ra: Đến năm 2025, phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế chiếm khoảng 12-13%; doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 2.900 tỉ đồng, đóng góp 13% GRDP và giải quyết việc làm cho 15% lao động của toàn tỉnh. Đến năm 2030, du lịch Ninh Thuận thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Ninh Thuận trở thành điểm đến du lịch đặc biệt hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao so với khu vực và cả nước. Phấn đấu đón 6 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế chiếm khoảng 14-15%, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 5.900 tỉ đồng, đóng góp 15% GRDP và giải quyết việc làm cho 20% lao động của toàn tỉnh.