Để du lịch Ninh Thuận thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn:

Bài 2 - Chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, mới lạ

XUÂN HƯỚNG

VHO - Nhằm hiện thực chủ trương Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy đưa du lịch Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, UBND tỉnh Ninh Thuận, các Sở, Ban, ngành, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh, các địa phương trong tỉnh tập trung đẩy mạnh xây dựng, hình thành các sản phẩm du lịch mới lạ, đặc thu, hấp dẫn, thu hút du khách.

Bài 2 - Chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, mới lạ - ảnh 1
Du lịch văn hóa, thế mạnh của Ninh Thuận

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt

Ông Trương Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận (Trung tâm) cho biết: Ninh Thuận thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí nằm trong cụm du lịch quốc gia thuộc tam giác du lịch Đà Lạt – Nha Trang – Phan Rang.

Với bờ biển dài 105km, Ninh Thuận có nhiều lợi thế nổi trội, là vùng nước trồi duy nhất của Việt Nam, địa hình địa thế bao bọc bởi các dãy núi vươn sát ra biển, tạo thành nhiều vịnh, bãi biển đẹp, trong đó vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng là Di tích danh lam thắng cảnh quốc gia, vườn quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển Thế giới;

Khu du lịch Bình Sơn - Ninh Chữ được quy hoạch đưa vào khu du lịch trọng điểm quốc gia; đặc sắc văn hóa Chăm với các làng nghề gốm, dệt thổ cẩm cổ nhất Đông Nam Á, trong đó nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO đưa vào di sản văn hóa phi vật thể của Thế giới… tạo cho Ninh Thuận có tiềm năng, thế mạnh riêng có để phát triển ngành kinh tế biển, du lịch, đô thị, công nghiệp, năng lượng, logistics.

Bài 2 - Chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, mới lạ - ảnh 2
Du lịch trải nghiệm lướt ván diều trên biển là sản phẩm du lịch mới tại Ninh Thuận

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận khẳng định: Hiện nay, Ninh Thuận đã và đang hình thành các sản phẩm du lịch: Khám phá và vui chơi giải trí cát-muối; du lịch trải nghiệm đường sắt; điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe; bốn sản phẩm bổ trợ: du lịch cộng đồng; vui chơi giải trí và ẩm thực; tham quan sản xuất năng lượng tái tạo; thương mại du lịch… tạo sự khác biệt để phát triển du lịch độc đáo.

Theo ông Trương Văn Tiến, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị đã phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch xây dựng các sản phẩm mới, hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao.

 Các đơn vị tổ chức khảo sát, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; xây dựng các sản phẩm đặc thù phục vụ du lịch gắn quảng bá sản phẩm OCOP; kết hợp sự đa dạng giữa du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, đặc biệt là khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch để tạo sản phẩm du lịch mang tính đặc thù riêng của địa phương.

Tập trung phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch chính

Hiện nay, UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung ưu tiên phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch chính. Nhóm một là du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển; du lịch văn hóa di sản Chăm; du lịch nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái gắn với Vườn quốc gia Núi Chúa.

Nhóm 2 gồm các sản phẩm mới lạ như du lịch khám phá và vui chơi giải trí; du lịch săn bắn bán hoang dã; du lịch trải nghiệm đường sắt; du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe.

Nhóm 3 gồm các sản phẩm bổ trợ là du lịch cộng đồng; du lịch vui chơi giải trí và ẩm thực; du lịch tham quan sản xuất năng lượng tái tạo; thương mại du lịch.

Bài 2 - Chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, mới lạ - ảnh 3
Một góc Vườn quốc gia Núi Chúa bên bờ vịnh Vĩnh Hy là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến Ninh Thuận

Cùng với đó, tỉnh Ninh Thuận chú trọng phát triển không gian các vùng du lịch trọng điểm. Không gian trung tâm là thành phố Phan Rang – Tháp Chàm và các khu vực phụ cận, là khu vực tập trung cao nhất cơ sở vật chất ngành du lịch của tỉnh. Tại đây, tỉnh sẽ xây dựng sản phẩm du lịch: Du lịch đô thị – di sản – nghỉ dưỡng biển – ẩm thực.

Không gian phía Đông Bắc bao gồm phần lớn diện tích huyện Ninh Hải là khu vực tập trung những tiềm năng có giá trị lớn nhất của du lịch Ninh Thuận, đồng thời là không gian du lịch trọng tâm, có ý nghĩa rất quan trọng. Khu vực này sẽ xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái biển – rừng – nông nghiệp.

Không gian phía Nam bao gồm dải ven biển Mũi Dinh – Cà Ná là không gian phát triển du lịch mới của tỉnh Ninh Thuận, gắn với các sản phẩm độc đáo, khẳng định thương hiệu du lịch Ninh Thuận mới trong khu vực và cả nước. Sản phẩm du lịch nơi đây sẽ là du lịch nghỉ dưỡng và khám phá độc đáo cát – muối – biển.

Không gian phía Tây, Tây Bắc thuộc phạm vi các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc sẽ được xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng kết hợp sinh thái rừng – thác và săn bắn bán hoang dã. Và hệ thống cơ sở lưu trú tiếp tục được phát triển nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách trong và ngoài nước khi đến với vùng đất nắng gió Ninh Thuận.

Bài 2 - Chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, mới lạ - ảnh 4
Du khách trải nghiệm đồng cừu Ninh Thuận
Bài 2 - Chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, mới lạ - ảnh 5
Khách du lịch với sản phẩm măng tây Ninh Thuận

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Nguyễn Long Biên cho biết: Trong thời gian tới, Ninh Thuận sẽ cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, dành các ưu đãi cao nhất cho nhà đầu tư trong khung quy định của Chính phủ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động kinh doanh du lịch, bất động sản du lịch, khai thác tốt nhất nội lực, xây dựng tỉnh trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, khác biệt, với những trải nghiệm thú vị. Ninh Thuận đang vươn lên là một trong những điểm đến hấp dẫn của du lịch miền Trung.

Hiện, các doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng, ẩm thực; thể thao mạo hiểm, giải trí như lướt ván diều, tham quan đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh,… Điều này đã tạo sức lan tỏa, quảng bá hình ảnh Ninh Thuận, tạo sự hấp dẫn cho du khách trải nghiệm và được du khách ngoài nước chọn là điểm đến ưa thích.

Bên cạnh đó, nhờ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động phát triển du lịch như: Xây dựng hệ thống thông tin số du lịch, hệ thống wifi và kiosk miễn phí tại một số khu, điểm du lịch chính; hệ thống hướng dẫn viên du lịch ảo để hỗ trợ cho du khách… nên đáp ứng tốt nhu cầu nghỉ dưỡng, lưu trú của du khách.

Theo báo cáo UBND tỉnh Ninh Thuận, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 57 dự án du lịch đã được cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 51.690,2 tỉ đồng. Trong đó, 24 dự án đã đưa vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 3.974,5 tỉ đồng; 16 dự án đang triển khai thi công với tổng vốn đăng ký 38.353,7 tỉ đồng; 17 dự án đang hoàn tất thủ tục đầu tư với tổng vốn đăng ký 9.362 tỉ đồng.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc