Để du lịch Ninh Thuận thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn:
Bài 3 - Xúc tiến đầu tư, ưu tiên phát triển hạ tầng du lịch.
VHO - Trên cơ sở định hướng của Bộ KH&ĐT, Bộ VHTTDL, Bộ Công Thương, bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận, thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận đã tập trung phối hợp với các Sở, Ban, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình Xúc tiến Đầu tư, phát triển hạ tầng để du lịch “cất cánh”.
Tất cả nhằm hiện thực chủ trương Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Ninh Thuận đưa du lịch địa phương trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Xúc tiến đầu tư đạt kết quả cao
Ông Trương Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận (Trung tâm) cho biết: Trong 9 tháng đầu năm Trung tâm đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Danh mục 55 dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư tỉnh Ninh Thuận tại Quyết định số 193/QĐ-UBND ngày 30.3.2024 làm cơ sở để kêu gọi đầu tư; phối hợp với Sở KH&ĐT tham mưu tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phối hợp với các Sở ngành liên quan hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan, đủ điều kiện để tham mưu UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư cho 7 dự án và ký kết Bản ghi nhớ 7 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 120.000 tỉ đồng.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị các điều kiện về nội dung, hậu cần tổ chức thành công hai Lễ ký kết, Thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh và 2 Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh và Đại học Cần Thơ.
Trung tâm đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức tiếp đón và làm việc với trên 20 lượt các nhà đầu tư, các đoàn công tác trong nước và quốc tế, các Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán các nước đến Ninh Thuận tìm hiểu tiềm năng, lợi thế và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh, đồng thời tham mưu tổ chức làm việc với các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Cụ thể Trung tâm đã tiếp đón và tham mưu UBND tỉnh làm việc với các đơn vị như: Công ty TNHH Công nghệ Bang Zhen (Trung Quốc); Công ty TNHH Tập đoàn Công thương Donggang (Trung Quốc); Đoàn doanh nghiệp Brunei của Tiến sĩ Nasir Latif - Chủ tịch Tập đoàn Phát triển AeroAsia Holding tại Brunei kiêm Giám đốc Quốc gia BIMP – EAGA; Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Viettravel); Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam,…
Qua đó mời gọi đầu tư vào các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư, các dự án tại Khu kinh tế trọng điểm phía Nam (cảng, kho xăng dầu, khu công nghiệp,…) và các dự án du lịch, năng lượng khác. Đồng thời, nghiên cứu xu hướng chuyển dịch và đón đầu sự chuyển dịch đầu tư từ các tỉnh phía Nam (Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh...) để thực hiện các hoạt động tư vấn, thu hút đầu tư về Ninh Thuận đối với một số dự án như Hydrogen, du lịch, điện gió, nông nghiệp, thủy sản và đô thị.
Xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài được quan tâm quảng bá rộng rãi môi trường đầu tư, thúc đẩy kết nối hợp tác để thu hút các dự án FDI đầu tư vào tỉnh, Trung tâm đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức nhiều đoàn xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại thị trường các nước Hà Lan, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc và tiếp tục tham mưu Đề án Tham gia Chương trình quảng bá địa phương tại Pháp và Italia, cung cấp thông tin xúc tiến đầu tư đến các Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự các nước tại Việt Nam.
Hạ tầng “cú hích” để du lịch cất cánh
Việc kêu gọi đầu tư đã thu hút nhiều dự án lớn đầu tư vào Ninh Thuận, hạ tầng giao thông, điện đường được xây dựng, làm thay đổi rất lớn bộ mặt địa phương. Trong đó có thể kể đến dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thông tuyến ngày 26.4 đã kết nối Ninh Thuận với các cực tăng trưởng là TP.HCM, Khánh Hòa gần hơn bao giờ hết.
Ninh Thuận nằm giao với 3 trục giao thông chiến lược là Quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc - Nam và đường sắt Bắc - Nam, cùng với Quốc lộ 27 lên Nam Tây Nguyên. Đây là vị trí giữ vai trò cầu nối trong mối liên kết, thúc đẩy phát triển giữa các địa phương vùng Nam Trung Bộ. Phía Đông là tuyến đường ven biển được đầu tư quy mô, đồng bộ kết nối giao thông, liên kết du lịch Ninh Thuận – Khánh Hòa thuận lợi.
Ngoài ra, Ninh Thuận đang tập trung phát triển vận tải cảng biển, logistics, sân bay, hướng đến liên kết phát triển với các tỉnh phía Nam, Nam Tây Nguyên, các tỉnh trong vùng Nam Trung Bộ trong thời gian tới. Hạ tầng dần hoàn thiện giúp Ninh Thuận có cơ sở triển khai các chính sách đột phá trong thu hút đầu tư.
Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10.11.2023, với tầm nhìn chiến lược về “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”, tạo dựng những giá trị khác biệt để tạo ra năng lực cạnh tranh nền kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh, tạo dư địa cho tăng trưởng.
Quy hoạch xác định chọn 5 cụm ngành đột phá, gồm: Năng lượng, năng lượng tái tạo; Du lịch chất lượng cao; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Xây dựng và thị trường bất động sản và 2 động lực tăng trưởng mới là kinh tế biển và kinh tế đô thị. Quy hoạch tập trung phát triển 3 hành lang gồm: Tuyến đường cao tốc, tuyến đường ven biển và mở rộng phát triển theo trục Đông - Tây tạo kết nối vùng, liên vùng theo Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Hạ tầng dần hoàn thiện, chính sách đầu tư cởi mở giúp Ninh Thuận từng bước thu hút các nhà đầu tư, trong đó có thị trường quan trọng là TP.HCM. Trong giai đoạn 2014 - 2023, tỉnh cực Nam Trung Bộ này đã thu hút 24 dự án đầu tư của các doanh nghiệp TP.HCM với tổng vốn trên 31.500 tỉ đồng.
Đến nay, có hàng trăm dự án đầu tư vào Ninh Thuận, trong đó doanh nghiệp TP.HCM có tới 45 dự án với tổng vốn 60.000 tỉ đồng. Các nhà đầu tư rót vốn khá toàn diện trên các lĩnh vực, như năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), cảng biển, công nghiệp sản xuất, nông nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, lao động, việc làm, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết: Nhằm thực hiện mục tiêu đưa ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025 và thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững vào năm 2030, Ninh Thuận ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư ở vùng trọng điểm phát triển du lịch phía Bắc, phía Nam và trung tâm TP. Phan Rang - Tháp Chàm.
Từ đó, hình thành hệ thống khách sạn, trung tâm thương mại, các khu giải trí phức hợp kết hợp nghỉ dưỡng, lưu trú; các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ven biển; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mang tính khác biệt, hấp dẫn. Đồng thời, Ninh Thuận đẩy mạnh công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong khu vực duyên hải miền Trung và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ông Trần Quốc Nam khẳng định: Tỉnh Ninh Thuận cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin, thực hiện các thủ tục đăng ký đầu tư theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất, khai thác tiềm năng phát triển của tỉnh trong thời gian tới.