Đà Nẵng: Phát triển du lịch từ các làng nghề truyền thống

NGỌC HÀ

VHO - Phát huy giá trị di sản làm nguồn lực “làm giàu” cho du lịch là lộ trình khả thi, cũng là lợi thế rất lớn của Đà Nẵng, hiện thành phố đang nỗ lực xây dựng thương hiệu sản phẩm thu hút khách trải nghiệm, gắn với các làng nghề truyền thống nổi tiếng, lâu đời.

“Tiếp sức” cho làng nghề vang danh

Trong 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại TP Đà Nẵng, thì làng nghề nước mắm Nam Ô, làng nghề bánh tráng Túy Loan, làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước Ngũ Hành Sơn được hướng đến đầu tư mở rộng, quảng bá sản phẩm để thu hút du lịch.

Tại Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước Ngũ Hành Sơn, với mong muốn đưa sản phẩm làng nghề vươn xa, lớp nghệ nhân trẻ đã tự học hỏi nâng cao trình độ theo hướng chuyên nghiệp để nâng cao giá trị các sản phẩm đá mỹ nghệ.

Thời gian tới, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, làng nghề sẽ được cải tạo lại về vệ sinh môi trường, xây dựng thêm khu trưng bày sản phẩm truyền thống để du khách tham quan trải nghiệm.

Những người làm nghề mắm truyền thống Nam Ô tại quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) mang tâm thế phấn khởi khi sản phẩm ngày càng vươn xa, mở rộng thị trường, được nhiều người biết đến.

Hiện nay, sản lượng nước mắm Nam Ô tiêu thụ hàng năm đạt từ 200 - 300 nghìn lít, ngoài ra còn có một số sản phẩm khác như: mắm ruốc, mắm ngắn ngày, cá khô các loại, bình quân đạt từ 25 - 30 tấn/năm, với tổng doanh thu trên 5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 220 lao động.

Đà Nẵng: Phát triển du lịch từ các làng nghề truyền thống  - ảnh 1
Người dân làng Túy Loan vẫn cần mẫn bảo tồn nghề làm bánh tráng truyền thống

Ông Trần Công Nguyên - Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết: “Để bảo tồn bền vững nghề làm nước mắm Nam Ô truyền thống, UBND quận Liên Chiểu đã xây dựng đội tàu 6 chiếc có công suất từ 20 - 145 CV để đánh bắt cá cơm phục vụ nguồn nguyên liệu cho bà con làng nghề sản xuất nước mắm.

Xây dựng sơ đồ hướng dẫn hệ thống giao thông trong làng nghề, chỉ dẫn đến các cơ sở sản xuất của làng nghề, vị trí di tích lịch sử, văn hóa.

Đến nay, quận Liên Chiểu đã hình thành chương trình du lịch cộng đồng gắn với đời sống văn hóa địa phương, làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với các điểm di tích văn hóa - lịch sử địa phương”.

Mới đây, ngày 5.10.2024, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang vinh dự đón nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề làm bánh tráng Túy Loan.

Đây là một điều kiện hết sức thuận lợi của Hòa Vang trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, làng nghề.

Làng nghề làm bánh tráng Túy Loan được hình thành từ lâu đời, là biểu tượng văn hóa có tính đại diện, thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng địa phương.

Hiện nay, ở xã Hòa Phong còn 15 hộ gia đình duy trì thường xuyên nghề làm bánh tráng truyền thống, tập trung chủ yếu ở làng Túy Loan. Mỗi dịp Tết Nguyên đán hằng năm, toàn xã Hòa Phong có trên 40 hộ cùng tham gia tráng bánh để cung cấp ra thị trường.

Chia sẻ về thực trạng làng nghề làm bánh tráng Túy Loan, ông Trần Đại Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Hòa Phong chia sẻ: “Nhiều gia đình gắn bó với nghề làm bánh tráng những ba, bốn đời. Thế hệ kế cận đang tiếp nối nghề làm bánh tráng truyền thống cũng đã lớn tuổi, khoảng từ 50 đến 60 tuổi, do vậy yêu cầu về việc bảo tồn phát huy làng nghề được đặt ra cấp thiết.

Đà Nẵng: Phát triển du lịch từ các làng nghề truyền thống  - ảnh 2
Bánh tráng Túy Loan là một phần tinh hoa, hồn cốt trong mỗi dịp trọng lễ của người dân huyện Hòa Vang

Từ năm 2014, UBND huyện Hòa Vang đã chỉ đạo UBND xã Hòa Phong xây dựng Đề án Phát triển làng nghề truyền thống bánh tráng Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng với mong muốn  làm sao có thể kết hợp giữa việc khôi phục, phát triển làng nghề làm bánh tráng gắn với các tour du lịch tham quan, trải nghiệm thực tế tại làng.

Đối với các hộ sản xuất bánh tráng theo phương pháp thủ công truyền thống, chính quyền đã hỗ trợ vay vốn ưu đãi để đầu tư làm bánh và hỗ trợ một số máy móc, vật dụng như máy xay bột, giàn phơi, máy hút chân không, nhãn hiệu, bảng hiệu giới thiệu thương hiệu nghề làm bánh tráng … với tổng mức hỗ trợ khoảng 30 triệu/hộ”.

Thắt chặt mối tương quan văn hóa - du lịch

Việc các làng nghề được khẳng định chỗ đứng đã góp phần đã làm tăng thêm giá trị của sản phẩm vùng miền, tạo chất dẫn đặc trưng cho ngành du lịch.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thiện, Phó giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế Hải Vân Cát, các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Đà Nẵng là nguồn lực vô cùng quý giá để ngành du lịch xây dựng chuỗi sản phẩm liên quan như du lịch về văn hóa lịch sử, trải nghiệm văn hóa ẩm thực, văn hóa làng nghề.

Đà Nẵng: Phát triển du lịch từ các làng nghề truyền thống  - ảnh 3
Làng đá mỹ nghệ Non nước Ngũ Hành Sơn nỗ lực cải tiến sản phẩm phục vụ khách du lịch

Những người vẫn duy trì làm nghề truyền thống cho biết họ cảm thấy rất vui mừng khi Đà Nẵng có các các làng nghề  được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, để đưa giá trị di sản văn hóa đồng hành với phát triển du lịch, thành phố có thêm các chủ trương, chính sách phát triển làng nghề để động viên bà con.

Gắn sản phẩm văn hóa vào phát triển du lịch, những năm qua, ngành văn hóa cùng ngành du lịch thành phố Đà Nẵng đã kết hợp quảng bá di sản văn hóa lồng ghép vào các sự kiện, lễ hội lớn để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước, như biểu diễn bài Chòi, đưa Tuồng xuống phố, duy trì và phát triển Lễ hội Cầu ngư, Lễ hội Quán Thế Âm.

Với mong muốn giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế, sản phẩm nước mắm Nam Ô cũng luôn có mặt ở sự kiện “Hành trình văn hóa ẩm thực Việt” do khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng phối hợp với Hội khách sạn Đà Nẵng, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Đà Nẵng tổ chức vào mỗi quý trong năm 2024.

Trên lĩnh vực di sản văn hóa - nghệ thuật, từ năm 2022, Công ty Cổ phần Đầu tư Khai thác Nhà ga Quốc tế Đà Nẵng (AHT) đã phối hợp với Sở VHTT TP. Đà Nẵng, Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức chương trình nghệ thuật truyền thống Con đường di sản tại khu vực Ga đi quốc tế - Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng.

Chương trình do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Đà Nẵng biểu diễn nhằm mang nghệ thuật truyền thống lan tỏa đến khách quốc tế.

Như vậy có thể thấy, những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mà Đà Nẵng đang sở hữu là hết sức giá trị đối với việc phát triển du lịch văn hóa. Đà Nẵng hoàn toàn có thể khai thác các giá trị văn hóa bản địa để làm phong phú thêm hệ sinh thái điểm đến, nâng tầm sản phẩm địa phương, đồng thời góp phần hiệu quả vào việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa.