Quảng Nam: Bảo tồn giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của làng nghề
VHO- UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn năm 2024 nhằm tạo điều kiện cho các làng nghề, ngành nghề nông thôn phát triển bền vững gắn với bảo tồn giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của làng nghề, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn, góp phần bảo vệ môi trường và tôn tạo, gìn giữ không gian nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nghệ nhân làng nghề truyền thống mộc Kim Bồng- Quảng Nam
Theo kế hoạch, trong năm 2024 sẽ tập trung vào 8 nội dung trọng tâm: Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ 07 dự án phát triển ngành nghề nông thôn, mở 12 lớp truyền nghề; hỗ trợ các sản phẩm từ nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tham gia Chương trình OCOP.
Xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tỉnh Quảng Nam năm 2024 đảm bảo các tiêu chí quy định. Tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại; Hỗ trợ, kết nối các sản phẩm từ nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tham gia Chương trình OCOP đảm bảo theo quy định.
Bảo vệ môi trường làng nghề gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch làng nghề theo hướng bền vững, phù hợp với nhu cầu thị trường, trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tính độc đáo làng nghề, các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng khu vực nông thôn. Ưu tiên đầu tư xây dựng, phát triển cảnh quan nông thôn gắn với các điểm du lịch, khu du lịch sinh thái, phát huy lợi thế từng địa phương đảm bảo xanh, sạch, đẹp, thân thiện và hài hòa với thiên nhiên.
Xây dựng, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề, phát triển một số sản phẩm chủ lực như: Mây tre đan, đan lát, dược liệu… tại các địa phương có điều kiện.
Tổ chức Festival nghề truyền thống vùng miền tỉnh Quảng Nam năm 2024 nhằm giới thiệu, quảng bá nghề truyền thống, làng nghề, sản phẩm làng nghề; tôn vinh các nghệ nhân tỉnh Quảng Nam đóng góp cho việc gìn giữ, phát triển làng nghề Việt Nam. Hướng đến các giải pháp để bảo tồn, truyền nghề và phát triển nghề Quảng Nam, tạo điều kiện cho các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân gặp gỡ trao đổi để tăng cường liên kết, xúc tiến đầu tư,…
Nông dân làng nghề trồng quật Cẩm Hà, Hội An
Triển khai chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Quyết định số 801/QĐ-TTg (ngày 07.7.2022) của Thủ tướng Chính phủ; Tổ chức các hoạt động tôn vinh các sản phẩm và các nghệ nhân, thợ giỏi tiêu biểu; Khôi phục, bảo tồn các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền. Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các làng nghề và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề.
Triển khai Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg (ngày 14.9.2023) của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, phục vụ cho phát triển ngành nghề nông thôn, cơ sở hạ tầng làng nghề theo quy hoạch cấp tỉnh.
Nguồn kinh phí thực hiện từ các nguồn: Ngân sách địa phương theo quy định hiện hành về phân cấp, khả năng ngân sách nhà nước và Luật Ngân sách nhà nước hiện hành. Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.
THU HOÀI