Ngành hàng không và du lịch:

Cần một chiến lược vận hành dịp lễ

NGUYỄN ANH

VHO - Cục Hàng không Việt Nam và Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vừa phối hợp tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành tại Khánh Hòa về công tác chuẩn bị phục vụ khách du lịch tại tỉnh Khánh Hòa dịp lễ 30.4 - 1.5 và cao điểm hè năm 2025.

Đây còn là dịp để các cơ quan quản lý nhìn thẳng vào những điểm nghẽn cũ, nghe từ thực địa những thách thức đang lặp lại với mức độ ngày càng phức tạp hơn.

Cần một chiến lược vận hành dịp lễ - ảnh 1
Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra tại các đơn vị hàng không, cơ sở lưu trú du lịch ở Khánh Hòa. Ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

 Khi bài toán cung - cầu lệch pha

Đoàn đã kiểm tra Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh, các hãng hàng không, cảng vụ hàng không; các đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất, đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không về kế hoạch, phương án chuẩn bị nguồn nhân lực, phương tiện, thiết bị đảm bảo khả năng cung cấp dịch vụ trong dịp cao điểm lễ 30.4 - 1.5 và du lịch hè năm 2025.

Với đặc thù mang tính mùa vụ, lệ thuộc lớn vào thời tiết và thói quen tiêu dùng của người dân, các kỳ nghỉ dài luôn trở thành điểm “phình to” bất thường trên biểu đồ tăng trưởng.

Năm nay, Khánh Hòa dự kiến đón hàng chục nghìn lượt khách mỗi ngày vào dịp lễ và hè. Riêng tại Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh, ước tính sẽ có 885 chuyến bay từ 29.4 đến 5.5, tăng 3% so với năm ngoái.

Nhưng đằng sau con số tưởng chừng như tích cực ấy là một loạt hệ lụy: Hạ tầng quá tải, dịch vụ chật vật vận hành, nhân sự mỏng, an ninh phức tạp. Điều đáng lo ngại là xu hướng khách du lịch tự túc sử dụng xe cá nhân đang tăng mạnh, khiến các tuyến đường ven biển, đường vào khu nghỉ dưỡng trở thành “nút thắt cổ chai”, dễ dẫn đến xung đột giao thông và nguy cơ tai nạn cao.

Một thực tế mà bất kỳ người dân nào cũng thấm thía là cứ mỗi dịp lễ tết, giá vé máy bay lại tăng vọt. Cùng một chặng bay, giá vé có thể tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường, mà không kèm theo bất kỳ cam kết nào về chất lượng dịch vụ.

Người tiêu dùng chấp nhận vì không còn lựa chọn và lý giải do cơ chế thị trường.

Đoàn cũng đã đến kiểm tra các cơ sở lưu trú du lịch như khách sạn Movenpick Cam Ranh và khách sạn Selectum Noa Cam Ranh về công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Đồng thời đoàn kiểm tra về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo sẵn sàng phục vụ khách, nguồn nhân lực, dự trữ vật tư, thực phẩm nhất là vào mùa cao điểm.

Thông thường, khi công suất phòng đạt 85-100%, mọi thứ đều bị đẩy đến giới hạn. Một khách sạn “sáng đèn” suốt kỳ nghỉ, đồng nghĩa với việc đội ngũ nhân viên mệt mỏi làm việc 200% công suất, là bữa sáng buffet trở thành cảnh “chen vai thích cánh”, là phòng chưa kịp dọn sạch đã phải đón khách tiếp theo.

Chúng ta từng tự hào về khả năng đón khách, nhưng đã đến lúc phải hỏi liệu chất lượng phục vụ có tăng theo tốc độ tăng trưởng?

Khi lượng khách và phương tiện đổ dồn cùng một lúc, chỉ cần một sự cố nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả lớn. Tại Khánh Hòa, nơi có nhiều khu nghỉ dưỡng ven biển, việc tăng cường phối hợp với lực lượng công an để tuần tra, cảnh báo nguy hiểm, đặc biệt tại các bãi tắm công cộng là điều cần thiết.

Cùng với đó, hệ thống y tế tại chỗ, đội ngũ sơ cứu, thiết bị cứu hộ cần được bố trí đầy đủ không chỉ là để “đối phó” khi có sự cố, mà còn để tạo tâm lý yên tâm cho du khách.

Hai cánh phải vỗ cùng một nhịp

Tại cuộc họp giữa đoàn kiểm tra liên ngành và UBND tỉnh Khánh Hòa, cùng đại diện các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch sau khi kiểm tra công tác tại hiện trường, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, việc kiểm tra công tác chuẩn bị cho dịp lễ và cao điểm cho thấy sự vào cuộc nhanh chóng, hiệu quả, đúng thời điểm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực Du lịch - Hàng không.

Bên cạnh đó là sự phối hợp chặt chẽ của địa phương, các cơ quan chức năng liên quan, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch, hàng không để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất phục vụ khách du lịch dịp cao điểm lễ 30.4 - 1.5 và hè năm 2025.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Uông Việt Dũng đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp triển khai hiệu quả các giải pháp tăng cường mối liên kết giữa ngành Hàng không với ngành Du lịch trong việc phục vụ du khách để nâng cao chất lượng các dịch vụ và hình ảnh du lịch Khánh Hòa nói riêng, Việt Nam nói chung.

Các hãng hàng không cần bố trí nguồn lực, xây dựng kế hoạch tăng chuyến, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vận chuyển của hành khách, hạn chế tối đa việc chậm, hủy chuyến và duy trì, nâng cao chất lượng dịch vụ hành khách, tăng tỉ lệ chuyến bay đúng giờ; thông báo sớm kế hoạch tăng chuyến tới các cảng hàng không, đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không để chủ động thống nhất, bố trí nguồn lực phục vụ hành khách...

Tuy nhiên về lâu dài, cần thiết lập hệ thống chia sẻ dữ liệu du lịch giữa ngành Hàng không và ngành Du lịch. Đây không chỉ là ý tưởng, mà là một yêu cầu cấp thiết. Khi hàng không biết lượng khách sắp đến, du lịch có thể chuẩn bị đón tiếp và ngược lại. Không thể tiếp tục làm du lịch theo kiểu “gặp đâu tính đó”.

Hệ thống này cũng sẽ giúp quản lý tốt hơn tình trạng bán vé, loại bỏ lừa đảo online, đưa ra các cảnh báo an toàn, gợi ý hành trình hợp lý và đồng bộ các dịch vụ. Bài học từ các nước phát triển là rất rõ: Khi dữ liệu được kết nối thì rủi ro được giảm thiểu.

Ngành Du lịch không thể mãi vận hành như một cuộc “chạy tiếp sức” chỉ để vượt qua mỗi kỳ nghỉ lễ. Mỗi dịp cao điểm không nên là một trận đánh cật lực mà phải là bài kiểm tra năng lực quản trị dài hạn.

Từ thực tế Khánh Hòa - một điểm đến trọng điểm của du lịch biển, có thể thấy, sự phối hợp liên ngành, chủ động kiểm tra, chuẩn bị kỹ lưỡng, cảnh báo sớm rủi ro và lắng nghe kiến nghị doanh nghiệp là những yếu tố cốt lõi.

Nhưng điều cần hơn cả là một chiến lược tổng thể cho mùa cao điểm, nơi mọi mắt xích, từ hàng không, lưu trú, vận tải đến y tế, môi trường, công nghệ… đều được thiết kế để hoạt động như một guồng máy trơn tru.