Du lịch đường sắt:
Dịch vụ tốt là yếu tố tiên quyết
VHO - Trong bối cảnh ngành hàng không đang quá tải, đường biển chưa phát triển mạnh, đây là cơ hội, thời điểm thích hợp để phát triển du lịch bằng đường sắt. Đó là những chia sẻ, trao đổi của các chuyên gia, đại biểu khi tham dự Hội thảo “Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Bình Định và kết nối sản phẩm du lịch đường sắt Đà Nẵng, Khánh Hòa” vừa được tổ chức tại tỉnh Bình Định.

Lấy dẫn chứng về việc đi tàu hỏa có nhiều thuận lợi cho du khách, bà Đoàn Thị Lộc, Giám đốc Công ty Ohana Eco Tours TP.HCM cho hay: “Hiện tại, việc du khách đến Quy Nhơn (Bình Định) vẫn còn gặp nhiều hạn chế do giao thông, bởi đường bộ thì khá mệt mỏi, còn đường bay thì lại hạn chế về tuyến. Chắc chắn nếu có thêm các hỗ trợ cho du khách đi bằng tàu hỏa, việc đến với Bình Định sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều”.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, trong bối cảnh đường hàng không đang quá tải, đường biển chưa phát triển mạnh, đường bộ mất nhiều thời gian thì việc ngành Du lịch hợp tác với đường sắt là rất khả thi.
“Ngành Du lịch và ngành Đường sắt cần có những tính toán chiến lược. Ngành Đường sắt cần tháo gỡ một số vấn đề, đó là hạ tầng đường sắt, hạ tầng tàu và sản phẩm của tàu. Hiện nay tàu quá cũ kỹ, hạ tầng trên tàu chất lượng chưa cao. Về lâu dài, ngành Đường sắt phải có một chiến lược coi du lịch là “một kho báu”, tiềm năng lớn và ngành Du lịch cũng xem ngành đường sắt là một lối ra”, ông Hồng chia sẻ.
Ông Hà Trọng Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt cho biết: “Phát triển du lịch bằng đường sắt là một lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng chưa được khai thác đúng mức. Tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua nhiều tỉnh, thành với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng là một lợi thế lớn để phát triển các sản phẩm du lịch liên vùng.
Vì vậy, việc kết nối Bình Định, Đà Nẵng và Khánh Hòa bằng đường sắt sẽ tạo ra một hành trình du lịch hấp dẫn, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng”.
Theo ông Thắng, hiện tuyến đường sắt Quy Nhơn - Diêu Trì dài 10 km là tuyến đường nhánh hằng ngày chỉ tổ chức chạy 1 đôi tàu khách SE29, SE30 (Sài Gòn - Quy Nhơn), do đó năng lực chạy tàu còn dư thừa, rất phù hợp với tổ chức khai thác tàu du lịch.
Đồng thời đề nghị tỉnh Bình Định và các đơn vị lữ hành nghiên cứu phương án tổ chức chạy hằng ngày từ 2 - 3 đôi tàu du lịch giữa Quy Nhơn đến Diêu Trì. Bên cạnh đó, dọc đường có các điểm tàu chạy chậm và dừng để khách check in, chụp ảnh.
Hiến kế để ngành Đường sắt coi du lịch là “một kho báu”, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng: “Mặc dù có những tiềm năng và kết quả bước đầu, nhưng du lịch đường sắt của Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn cơ sở hạ tầng đường sắt chưa hiện đại, tốc độ tàu còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu di chuyển nhanh của khách du lịch; dịch vụ trên tàu chưa hấp dẫn; cần nâng cấp về chất lượng toa tàu, phục vụ ăn uống và giải trí; kết nối giữa nhà ga và các điểm du lịch chưa tốt, cần có hệ thống phương tiện trung chuyển hiệu quả. Nhìn ra các nước trên thế giới, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm để phát triển thành công du lịch đường sắt”.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tham gia đoàn khảo sát, trải nghiệm đi bằng tàu hỏa thẳng thắn trao đổi, mặc dù đã có những nỗ lực để thay đổi chất lượng dịch vụ nhưng ngành đường sắt vẫn nặng tính bao cấp.
Đi thẳng vào vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hà, Phó Tổng Giám đốc Gbest Travel bày tỏ: “Du lịch đường sắt có nhiều cơ hội phát triển, tuy nhiên vấn đề vệ sinh trên tàu vẫn rất đáng lo ngại, nếu không thay đổi, sạch sẽ và tiện nghi hơn thì khó mà thu hút được khách du lịch và chọn đi tàu cho hành trình của mình”.
Vừa trải nghiệm chặng Hà Nội - Bình Định bằng tàu SE7, ông Nguyễn Trung Quân, Ủy viên BCH CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội, Giám đốc Công ty du lịch Avitour bộc bạch, nếu đi du lịch thì chặng này quá dài, nên chọn tàu SE1, đi nhanh hơn để đỡ tốn thời gian của khách. Nếu chúng ta có dịch vụ tốt hơn thì sẽ hấp dẫn đối với khách hơn.
Đồng thời đề nghị, ngành Đường sắt đầu khởi hành từ TP.HCM có lẽ tốt hơn Hà Nội, cũng như mong muốn thời gian tới, ở đầu Hà Nội dịch vụ, sản phẩm nhà tàu cũng sẽ cải thiện hơn, ít nhất phải bằng Quy Nhơn đi TP.HCM.
Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thẳng thắn: “Nếu không chú trọng tới những đối tượng khách du lịch, hợp tác để phát triển du lịch đường sắt, thì ngành Đường sắt sẽ khó phát triển trong tương lai. Trong khi ngành Hàng không đang khó khăn, máy bay thiếu, giá thành cao, đây chính là cơ hội để ngành Đường sắt phát triển. Đường sắt có những lợi thế mà ngành Hàng không không có. Vì thế, việc nâng cao chất lượng dịch vụ các đoàn tàu là tất yếu. Nếu vẫn giữ tư duy làm ăn từ thời xa xưa thì khó mà phát triển được”.