Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Bài cuối):

Cần chủ động đón đầu sự phát triển mới

THÚY HÀ

VHO - Nếu dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao được Quốc hội thông qua, đưa vào khai thác trong vòng một thập kỷ tới, sẽ tạo ra bước đột phá cho du lịch, bởi vậy ngành Du lịch cần có sự chủ động chuẩn bị, đón đầu cho sự phát triển mới.

 Cần chủ động đón đầu sự phát triển mới - ảnh 1
Đường sắt tốc độ cao tạo ra sự phát triển đồng đều giữa các địa phương

 Phù hợp với Quy hoạch và Chiến lược phát triển của ngành Du lịch

Trong bối cảnh phát triển cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam, rõ ràng việc xây dựng và khai thác tuyến đường sắt cao tốc đang là một chủ đề thu hút sự quan tâm lớn của nhiều ngành, đặc biệt là ngành Du lịch. Khi dự án này đi vào hoạt động, sẽ mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho ngành Du lịch Việt Nam, giúp tăng cường kết nối các điểm đến, giảm thời gian di chuyển và thu hút lượng khách du lịch cả trong và ngoài nước. Vấn đề đặt ra là ngành Du lịch cần có sự chủ động và chuẩn bị bài bản để đón đầu sự thay đổi quan trọng này.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết: “Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6.2024 đã nhấn mạnh giải pháp về cơ chế, chính sách, trong đó hoàn thiện cơ chế, chính sách xã hội hóa đầu tư tạo môi trường thông thoáng, ổn định để thu hút đầu tư phát triển du lịch, nhất là về du lịch cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, chất lượng tại các trung tâm du lịch, khu du lịch quốc gia và các khu vực có tiềm năng để hình thành các điểm đến đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế...”.

Các dự án ưu tiên đầu tư của ngành Du lịch đề xuất trong quy hoạch được phân thành các nhóm dự án về: Chuyển đổi số; đầu tư phát triển hạ tầng; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; quảng bá, phát triển thương hiệu; bảo tồn phát huy giá trị tài nguyên, bảo vệ môi trường...

Những ưu tiên này có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết, tạo đột phá cho phát triển du lịch gắn với hình thành các khu vực động lực phát triển du lịch, các trung tâm du lịch, hệ thống các khu du lịch quốc gia và các hành lang kết nối phát triển du lịch để thúc đẩy, lan tỏa phát triển du lịch, kinh tế - xã hội trên các vùng và cả nước.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng nói chung, cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành Du lịch nói riêng sẽ góp phần tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho du khách. Trong cùng một thời gian, khách có thể đi được nhiều điểm, tăng trải nghiệm.

“Nếu dự án đường sắt cao tốc được phê duyệt, đưa vào xây dựng và khai thác là điều kiện rất quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam. Đồng thời, đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành Du lịch. Các địa phương có tuyến đường sắt đi qua cũng cần chủ động hoàn thiện dịch vụ để đón khách”, ông Khánh nhấn mạnh.

Trước đó, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đưa ra giải pháp hạ tầng phải đi trước: “Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ; tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông tại các cụm du lịch, khu vực động lực phát triển du lịch, khu du lịch quốc gia và khu vực có tiềm năng du lịch; nâng cao khả năng kết nối giao thông với khu du lịch, điểm du lịch; đầu tư điểm dừng, nghỉ trên các tuyến đường bộ. Nâng cấp, mở rộng, đẩy nhanh xây dựng mới các cảng hàng không; xây dựng cảng biển, cảng thủy nội địa chuyên dụng cho khách du lịch; cải thiện nhanh hạ tầng, chất lượng dịch vụ đường sắt để phát triển du lịch...”.

Vì thế, việc đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vô cùng cần thiết và cần phải đẩy sớm. Từ đó, tăng cường kết nối vùng miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, tái cấu trúc đô thị, phân bố dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

 Cần chủ động đón đầu sự phát triển mới - ảnh 2
Đường sắt tốc độ cao sẽ mang lại sự phát triển mạnh mẽ cho du lịch

Sẽ thay đổi hệ sinh thái du lịch

Từ phía cộng đồng doanh nghiệp du lịch, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, việc chủ động đón đầu sự thay đổi lớn từ hạ tầng đường sắt cao tốc Bắc - Nam đòi hỏi sự linh hoạt, sáng tạo và đầu tư có chiến lược.

Bằng cách phát triển các sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường liên kết với đối tác và ứng dụng công nghệ, các doanh nghiệp có thể không chỉ đáp ứng nhu cầu của du khách, mà cần tạo ra bước đột phá trong phát triển ngành Du lịch Việt Nam.

Đường sắt cao tốc, với tốc độ vận chuyển nhanh chóng và tính tiện lợi, sẽ là một nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển du lịch. Tuyến đường này không chỉ giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các điểm du lịch tiềm năng nằm xa các trung tâm đô thị lớn. Việc kết nối các khu vực du lịch mới lạ và ít người biết đến sẽ giúp phân tán lượng du khách, giảm thiểu áp lực cho các điểm đến phổ biến, đồng thời mở ra nhiều cơ hội kinh doanh du lịch tại những khu vực mới.

Tuyến đường sắt cao tốc cũng là yếu tố quyết định trong việc tăng tính cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam trong khu vực. Các quốc gia láng giềng đã và đang khai thác hiệu quả hệ thống đường sắt cao tốc để phát triển các tuyến du lịch nội địa và quốc tế. Do đó, Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt xu thế này để đảm bảo sự cạnh tranh trên thị trường du lịch quốc tế.

Khi dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam đi vào hoạt động, các cơ quan quản lý ngành Du lịch cần có sự tính toán, cập nhật quy hoạch phát triển du lịch, tập trung vào việc kết nối các điểm du lịch với các ga đường sắt cao tốc. Các ga này có tiềm năng trở thành trung tâm mới để tiếp nhận và phân phối khách du lịch, giúp giảm áp lực cho hệ thống giao thông đường bộ và hàng không.

Việc xây dựng các điểm dừng chân, khách sạn và dịch vụ du lịch tại các khu vực gần ga đường sắt cao tốc cũng cần được đưa vào quy hoạch chi tiết. Đồng thời, chiến lược phát triển du lịch cũng cần định hướng lại, tập trung vào việc xây dựng các tuyến du lịch mới, liên kết vùng miền để tối ưu hóa tiềm năng từ hạ tầng giao thông hiện đại này. Đơn cử, các địa phương như: Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận có thể tận dụng hệ thống đường sắt cao tốc để kết nối với các vùng lân cận, xây dựng những sản phẩm du lịch kết hợp văn hóa, nghỉ dưỡng và trải nghiệm thiên nhiên.

Theo ông Cao Trí Dũng, các địa phương có đường sắt cao tốc đi qua cũng cần rà soát lại Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của địa phương, định hướng phát triển kết cấu hạ tầng đô thị để điều chỉnh hệ sinh thái đi kèm, đón đầu sự phát triển mới này. Đặc biệt là những địa phương chưa có sân bay mà lại có hệ thống đường sắt chạy qua thì cần có sự tính toán, điều chỉnh quy hoạch sớm. Đồng thời, chuẩn bị hệ thống hạ tầng dịch vụ với sự chủ động, chuyên nghiệp. Còn các địa phương đã có sân bay, có hệ thống đường không, đường bộ tốt rồi cũng cần cơ cấu lại nguồn khách bởi vì khách sử dụng đường sắt cao tốc sẽ khác cơ bản với nguồn khách hiện có. Chắc chắn sự thay đổi này sẽ tạo ra sự phát triển đồng đều hơn.

 Cần chủ động đón đầu sự phát triển mới - ảnh 3
Du khách trải nghiệm đường sắt tốc độ cao ở Trung Quốc

Sẽ tạo ra sự bùng nổ nguồn khách nội địa

Dự báo, trên tuyến đường sắt cao tốc sẽ bùng nổ nguồn khách nội địa vì sự thuận tiện và chi phí hợp lý hơn so với sử dụng phương tiện hàng không. Đồng thời sẽ có sự đồng đều hơn giữa các địa phương trên tuyến. Trước đây, những địa phương có sân bay sẽ có lợi thế hơn và trở thành trung tâm du lịch. Vì thế, các địa phương có đường sắt cao tốc chạy qua mà chưa có sân bay cần nhanh chóng nắm lấy cơ hội để trở thành các trung tâm du lịch mới. Hình thành các hệ thống hạ tầng, dịch vụ du lịch để đón nguồn khách mới.

Ông Cao Trí Dũng cũng phân tích, với khách quốc tế, họ rất ưa thích đi bằng tàu hỏa và có cơ hội sử dụng đường sắt cao tốc ở Việt Nam, có thể hình thành tour du lịch đường sắt đặc thù. Đặc biệt là sự di chuyển từ trung tâm này tới trung tâm kia rất thuận tiện. Bức tranh của vận chuyển du lịch sẽ thay đổi cơ bản.

Từ phía doanh nghiệp du lịch, trên cơ sở các dự báo đó phải chuẩn bị hệ thống sản phẩm phù hợp để triển khai chào bán. Đồng thời, phải chuẩn bị hạ tầng dịch vụ. Thông thường, ga đường sắt cao tốc ở đâu, hệ thống dịch vụ sẽ đi theo đến đó, sẽ ngay lập tức hình thành khách sạn, điểm vui chơi, điểm mua sắm. Doanh nghiệp phải nắm được cơ hội này để phát triển. Hệ sinh thái vận chuyển cũng cần điều chỉnh lại vì khi có đường sắt cao tốc, cự li vận chuyển đường bộ sẽ gắn lại; hình thành các tuyến vận chuyển từ nhà ga đường sắt về nơi lưu trú, điểm vui chơi, mua sắm...

Các sản phẩm du lịch có thể được phát triển dọc theo tuyến đường sắt cao tốc dự báo bao gồm: Các tour du lịch liên tuyến giữa các thành phố lớn; tour khám phá di sản văn hóa và thiên nhiên tại các khu vực ngoại ô hoặc vùng nông thôn. Ngoài ra, các tour du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với các dịch vụ cao cấp tại các khu vực gần ga đường sắt cao tốc cũng là một hướng phát triển tiềm năng. Những trải nghiệm mới mẻ như du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng có thể thu hút nhiều du khách nếu được kết hợp hài hòa với sự thuận tiện trong di chuyển.

Một yếu tố quan trọng giúp ngành Du lịch tận dụng hiệu quả tuyến đường sắt cao tốc, là sự liên kết vùng và phối hợp giữa các địa phương. Đường sắt cao tốc không chỉ kết nối các thành phố lớn mà còn mở ra cơ hội phát triển du lịch cho các địa phương nhỏ hơn, nơi có tiềm năng du lịch nhưng chưa được khai thác do hạn chế về hạ tầng giao thông. Ngành Du lịch cần phối hợp với các địa phương để phát triển các điểm đến mới, xây dựng các tuyến du lịch liên tỉnh, từ đó tạo sự đa dạng cho sản phẩm.

Việc xây dựng và khai thác đường sắt cao tốc sẽ thu hút một lượng lớn du khách, do đó ngành Du lịch cần phải nâng cao chất lượng dịch vụ và chuẩn bị nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và nhà hàng cần đầu tư vào đào tạo nhân viên, nâng cao kỹ năng phục vụ và giao tiếp, đặc biệt là khả năng sử dụng ngoại ngữ để phục vụ du khách quốc tế.

Ngoài ra, ngành Du lịch cũng cần đẩy mạnh việc số hóa các dịch vụ, ứng dụng công nghệ để cung cấp thông tin du lịch và đặt dịch vụ đường sắt cao tốc một cách nhanh chóng, thuận tiện cho du khách. Các ứng dụng du lịch thông minh, bản đồ số và hệ thống thanh toán điện tử sẽ giúp nâng cao trải nghiệm của du khách khi sử dụng đường sắt cao tốc như một phương tiện chính trong hành trình khám phá Việt Nam.