Bàn giải pháp khai thác có hiệu quả du lịch sinh thái ven sông Lam
VHO - Du lịch sông nước là một loại hình du lịch đã khai thác từ lâu. Sông Lam Hà Tĩnh - Nghệ An có lịch sử và trầm tích văn hóa lâu đời, hai bên bờ có thắng cảnh đẹp nhưng vẫn chưa được khai thác hết.
Chiều 27.12, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An tổ chức khảo sát, tọa đàm về tuyến du lịch sinh thái ven sông Lam tại thành phố Vinh và vùng phụ cận thuộc 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Tham dự cuộc khảo sát và tọa đàm có đại diện Sở Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông; UBND thành phố Vinh; huyện Hưng Nguyên (Nghệ An); Viện Quy hoạch kiến trúc xây dựng; các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp lữ hành, công ty du lịch và UBND xã Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Dòng sông Lam (còn gọi là sông Cả) có chiều dài hơn 400km, chảy dài từ miền Tây qua gần 10 huyện trên đất Nghệ An rồi đổ ra biển ở vùng Cửa Hội, nơi dòng sông hòa vào biển lớn và đây được xem như một long mạch xứ Nghệ.
Sông Lam được hình thành là nơi vun đắp truyền thống lịch sử và văn hóa thăng trầm của quê hương xứ Nghệ suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 2 doanh nghiệp đầu tư và khai thác thế mạnh du lịch đường sông. Ngoài ra dọc dòng sông Lam đã có các hộ dân khai thác, tận dụng các lồng bè cá (tự phát) để phục vụ người dân và du khách vào dịp hè khi có nhu cầu hỏng mát và trải nghiệm ẩm thực vùng quê bên bờ sông Lam.
Tại thành phố Vinh và huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) được nối với nhau qua sông Lam bởi cầu Bến Thủy I và cầu Bến Thủy II và nối từ xã Hưng Lợi (huyện Hưng Nguyên) sang huyện Nghi Xuân. Cầu Cửa Hội là cây cầu thứ 2 nối thành phố Vinh sang Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Dự thảo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Vinh thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Vinh định hướng phối hợp với huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh lập quy hoạch phân khu 2 bên bờ sông Lam, hình thành trục xanh cảnh quan phía Đông thành phố, tạo đột phá trong việc khai thác tiềm năng khu vực 2 bên bờ sông Lam.
Theo báo cáo từ Sở Khoa học và Công nghệ: Qua khảo sát, tuyến đường sông Lam sở hữu cơ sở hạ tầng giao thông thuận lợi, hệ thống di tích lịch sử - văn hóa phong phú, và đặc biệt là Di sản Dân ca ví, giặm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thực tế, một số khách sạn và nhà hàng đã từng khai thác loại hình du lịch sinh thái ven sông Lam, cung cấp các dịch vụ như thưởng thức ẩm thực đặc trưng vùng sông nước, nghe hát Dân ca ví, giặm và tham quan các di tích lịch sử - văn hóa dọc tuyến sông.
Tuy nhiên, các hoạt động này mang tính tự phát, chưa có sự đầu tư đồng bộ từ chính quyền và các doanh nghiệp. Điểm mấu chốt là thiếu chiến lược quy hoạch dài hạn, bao gồm việc xác định các điểm dừng chân, khu vui chơi, mua sắm, ngắm cảnh và sự phối hợp giữa các ngành, doanh nghiệp, địa phương liên quan.
Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu đã đánh giá tiềm năng phát triển du lịch ven sông Lam, thực trạng về cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, cảnh quan, cũng như khả năng kết nối các tour, tuyến. Nhiều giải pháp cũng được đề xuất nhằm xây dựng loại hình du lịch sinh thái ven sông Lam, góp phần phát triển thành phố Vinh thành đô thị du lịch ven sông.
Đại diện Sở Du lịch Nghệ An cho biết: Với tiềm năng và lợi thế hiện có thì trước mắt nên tập trung khai thác giá trị ven sông lam tại thành phố Vinh và cần thúc đẩy và cho phép tiếp tục triển khai dự án quần thể khu vui chơi, giải trí và du lịch ven sông Lam.
Trong thời gian tới để phát triển sản phẩm du lịch dọc sông Lam, kết nối các giá trị văn hóa giữa các địa phương ven sông, cần quan tâm thực hiện một số giải pháp như: Đánh giá thực trạng hệ thống bến thuyền, nghiên cứu quy hoạch xây dựng và cấp phép địa điểm bến thuyền phù hợp với điều kiện của địa phương, khoảng cách điểm đến du lịch từng địa phương.
Huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch đường sông đồng bộ, xây dựng các bến tàu du lịch, nâng cấp các tuyến giao thông kết nối từ bến sông đến điểm tham quan. Cải tạo, xây dựng cảnh quan môi trường sinh thái bến thuyền và dọc hai bên bờ ven sông tạo điểm nhấn không gian du lịch.
Điều tra đánh giá tác động của thiên nhiên, dòng chảy, xác định tính mùa vụ của tuyến du lịch theo tuyến đường sông, đưa ra các khuyến cáo, dự báo cụ thể tác động ảnh hưởng đến xây dựng và khai thác sản phẩm du lịch đường sông so với hiện nay đã và đang khai thác.
Khảo sát, bổ sung các điểm đến mới trong chương trình là các di tích, làng nghề truyền thống, các điểm thăm quan, check-in, các dịch vụ phụ cận nhằm tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới, đem lại những trải nghiệm mới hấp dẫn cho khách du lịch.
Nghiên cứu phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch độc đáo, các hoạt động nghệ thuật, văn nghệ dân gian được tổ chức ngay trên tàu du lịch để hấp dẫn thu hút du khách (đổi mới về cách thức biểu diễn hát Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh).
Tiến hành khảo sát xây dựng khai thác tour du lịch đường thủy kết nối các điểm du lịch dọc khu vực sông Lam thuộc thành phố Vinh kết nối đến các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Ninh bằng tàu du lịch lớn.
Tăng cường thu hút các đơn vị đầu tư xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đường sông, các đơn vị lữ hành xây dựng chương trình tour, gói, sản phẩm du lịch đường thủy. Xây dựng và triển khai chiến lược quảng bá tiềm năng du lịch đường sông đến du khách, các nhà đầu tư, doanh nghiệp lữ hành trong nước và quốc tế trong.
Đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, sau cuộc khảo sát, Sở sẽ phối hợp với ngành Du lịch và các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng các tour, tuyến cụ thể, xác định điểm đến hấp dẫn cho hành trình du lịch trên sông Lam. Trong giai đoạn đầu, trọng tâm sẽ là kết nối các điểm tham quan và trải nghiệm tại những địa danh nổi tiếng ven sông Lam, thuộc địa bàn thành phố Vinh, các huyện Nam Đàn, Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) và Nghi Xuân, Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh).
Cùng ngày, các đại biểu đã trải nghiệm bằng du thuyền thăm các điểm di tích dọc bờ sông Lam; Thăm quan ngắm cảnh đôi bờ sông Lam và thưởng thức dân ca ví, dặm do câu Lạc bộ Dân ca Ví, dặm huyện Hưng Nguyên biểu diễn.