Lùm xùm khoản thu gần 200 triệu tại Trường Tiểu học Hải Thanh A (Thanh Hoá): Tin nhắn chi tiền và những câu hỏi chưa lời đáp

NGUYỄN LINH

VHO - Sau phản ánh về khoản thu chi gần 200 triệu đồng tại Trường Tiểu học Hải Thanh A (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa), một giáo viên bị phát hiện nhắn tin thương lượng chi tiền để gỡ bài đăng trên Facebook. Câu chuyện gây xôn xao dư luận, làm dấy lên hàng loạt câu hỏi về tính minh bạch, trách nhiệm và sự ứng xử trong môi trường giáo dục.

 Tin nhắn lạ sau bài viết phản ánh

Ngày 27.5, Phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn xác nhận đang vào cuộc làm rõ thông tin một giáo viên Trường Tiểu học Hải Thanh A nhắn tin thương lượng nhằm gỡ bỏ nội dung phản ánh tiêu cực về nhà trường được đăng trên mạng xã hội.

Lùm xùm khoản thu gần 200 triệu tại Trường Tiểu học Hải Thanh A (Thanh Hoá): Tin nhắn chi tiền và những câu hỏi chưa lời đáp - ảnh 1
Đoạn tin nhắn được cho là giữa một giáo viên Trường Tiểu học Hải Thanh A (Thanh Hóa) và chủ tài khoản Facebook phản ánh về các khoản thu chi tại trường

Sự việc bắt nguồn từ cuối tháng 5, khi một bài viết đăng trên nhóm Facebook “Cà phê đường phố” phản ánh việc Trường Tiểu học Hải Thanh A chi gần 200 triệu đồng từ các nguồn quỹ trong năm học 2024–2025, trong đó nhiều khoản bị cho là chưa cần thiết hoặc chưa minh bạch. Dư luận nhanh chóng xôn xao, nhiều phụ huynh bày tỏ bức xúc về các khoản thu chi tại trường.

Ngay sau khi bài viết lan truyền, một tài khoản Facebook tên “N.S.” đã chủ động nhắn tin cho người đăng bài có tài khoản Facebook N.T.Đ. với nội dung gợi ý thương lượng, kèm theo hàm ý sẵn sàng chi tiền nếu bài viết được gỡ bỏ.

Phòng GD&ĐT thị xã phối hợp với nhà trường tiến hành xác minh và xác định người đứng sau tài khoản “N.S.” chính là ông N.V.S., giáo viên tại Trường Tiểu học Hải Thanh A.

Trong bản tường trình ngày 26.5, ông S. thừa nhận mình là người đã nhắn tin cho tài khoản Facebook N.T.Đ., đồng thời giải thích rằng hành động xuất phát từ cảm xúc bức xúc khi đọc bài viết mà theo ông là “làm xấu hình ảnh nhà trường”.

“Tôi thấy bài viết ảnh hưởng đến uy tín tập thể nên vào Facebook của người đăng để nhờ gỡ. Sau đó, hai bên có nhắn tin qua lại. Anh ấy hỏi nếu gỡ thì tôi sẽ trả bao nhiêu tiền. Tôi cũng chỉ thăm dò vì thấy trên mạng có nhiều chiêu trò tống tiền. Không ai xúi giục tôi, tôi cũng không định thật sự đưa tiền. Chỉ là do hoảng loạn nên ban đầu tôi xóa tài khoản Facebook và khai báo là bị hack,” ông S. trình bày.

Phòng GD&ĐT thị xã khẳng định: “Việc nhắn tin là hành động cá nhân của ông S., không có ai xúi giục. Ông S. đã thừa nhận sự việc, cam đoan nội dung tường trình là đúng sự thật”.

Tuy nhiên, việc một giáo viên chủ động thương lượng, nhắc tới chuyện chi tiền để xóa bài viết phản ánh tiêu cực ngay giữa lúc dư luận đang nóng khiến nhiều người bất ngờ, đặt dấu hỏi về cách hành xử trong môi trường sư phạm.

“Đúng quy trình” hay “thiếu minh bạch”?

Điểm nóng trong câu chuyện là khoản chi gần 200 triệu đồng của Trường Tiểu học Hải Thanh A, bị phụ huynh cho là “lạm thu” và “chi sai mục đích”. Theo danh sách được lan truyền trên mạng xã hội, hơn 103 triệu đồng được chi cho các nội dung như: mua sắm bàn ghế học sinh, lắp hệ thống điện, thay kính cửa sổ, lát gạch sân khấu, sửa ống nước, mua bồn nước...

Lùm xùm khoản thu gần 200 triệu tại Trường Tiểu học Hải Thanh A (Thanh Hoá): Tin nhắn chi tiền và những câu hỏi chưa lời đáp - ảnh 2
Trường Tiểu học Hải Thanh A (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa)

Không chỉ dừng ở đó, gần 81 triệu đồng còn lại được chi từ quỹ phụ huynh toàn trường, dành cho những khoản như: gần 8 triệu đồng mua chè phục vụ họp hành; gần 19 triệu đồng tặng quà Tết cho giáo viên; phần còn lại dùng để thưởng học sinh giỏi, hỗ trợ học sinh tham gia các cuộc thi thể thao...

Trước phản ứng từ phụ huynh và sức ép dư luận, bà Lê Thị Quý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Thanh A đã có báo cáo chính thức gửi UBND thị xã Nghi Sơn. Bà Quý khẳng định: “Số tiền hơn 103 triệu đồng là từ nguồn xã hội hóa, không phải từ quỹ phụ huynh. Kế hoạch vận động tài trợ đã được UBND phường và Phòng Giáo dục phê duyệt”.

Về khoản 81 triệu đồng từ quỹ phụ huynh, bà Quý cho biết đây là số tiền được thống nhất từ đầu năm học thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh toàn trường. “Những khoản chi như nước uống, chè họp phụ huynh, khen thưởng học sinh, hỗ trợ thi cử đều được thông qua, chia bình quân chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi lớp”.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho rằng “thông qua” ở đây là hình thức, không thực chất. “Không ai dám phản đối, vì sợ con bị ảnh hưởng. Họ bảo là đại diện phụ huynh thống nhất, nhưng chúng tôi những người nộp tiền, thì không ai được hỏi,” một phụ huynh lớp 3 nói.

Một cán bộ giáo dục đã nghỉ hưu tại Nghi Sơn phân tích: “Xã hội hóa là cần thiết, nhưng điều kiện tiên quyết là minh bạch và tự nguyện. Nếu phụ huynh cảm thấy bị ép buộc, nếu không có công khai tài chính rõ ràng, thì dù không sai quy trình cũng sẽ sai về niềm tin.”

Trước những phản ánh, ngày 26.5, UBND thị xã Nghi Sơn đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT phối hợp với các bên liên quan kiểm tra, làm rõ sự việc. “Chúng tôi đã yêu cầu rà soát từng khoản thu chi, nếu có dấu hiệu sai phạm sẽ xử lý nghiêm,” một lãnh đạo UBND thị xã khẳng định.

Hiện Phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn đang tiếp tục làm việc với Trường Tiểu học Hải Thanh A để kiểm tra, xác minh từng nội dung phản ánh. Kết luận cuối cùng chưa có, nhưng câu chuyện đã để lại dư âm mạnh mẽ trong lòng phụ huynh, giáo viên và cả xã hội.