Đề xuất "mô hình" học 2 buổi/ngày:

Giải pháp “vẹn cả đôi đường”

HOÀNG HƯƠNG - THÙY TRANG

VHO - Mới đây, đề xuất mở rộng việc dạy học hai buổi mỗi ngày sang bậc THCS và THPT vốn chỉ áp dụng cho cấp tiểu học, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận.

Giải pháp “vẹn cả đôi đường” - ảnh 1
Một buổi học trải nghiệm của học sinh Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa - Hà Nội)

Phụ huynh, học sinh và các nhà quản lý giáo dục đang có những phản hồi đa chiều xoay quanh chính sách này, đặt ra nhiều kỳ vọng và cả băn khoăn về tính khả thi, áp lực học tập, điều kiện triển khai tại các địa phương…

 Giáo viên và phụ huynh đều ủng hộ

Không chỉ là đề xuất trên giấy, nhiều trường THCS và THPT đã tiên phong triển khai mô hình dạy học hai buổi/ngày và ghi nhận những hiệu quả rõ rệt - cả về chất lượng giáo dục lẫn đời sống học sinh.

Cô Trần Thị Kim, giáo viên Trường THCS&THPT Lê Lợi (Phan Thiết, Bình Thuận) cho biết: “Chúng tôi đã áp dụng mô hình học hai buổi từ nhiều năm nay. Phụ huynh yên tâm làm việc, không phải lo đón con giữa chừng, bởi học sinh ăn bán trú và sinh hoạt tại trường. Quan trọng hơn, chương trình được giãn đều, học sinh có thời gian ôn bài, củng cố kiến thức và không cần học thêm bên ngoài”.

Tại TP.HCM, ông Cam Văn Võ Kim Toàn, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Phước Lộc (Nhà Bè) cũng khẳng định: “Học hai buổi/ngày không chỉ tốt cho học sinh mà còn là giải pháp tối ưu cho phụ huynh. Các em được học tập, rèn luyện thể chất, nghệ thuật và kỹ năng sống trong môi trường an toàn”.

Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự đồng tình với giải pháp này. Chị Ngọc Lan, có con đang học tại Trường THCS Văn Yên (Hà Nội), chia sẻ: “Con tôi học hai buổi thấy tiến bộ rõ rệt. Các cháu ăn ngủ đúng giờ, giảm áp lực học tập. Chiều được chơi thể thao, nhạc, kỹ năng sống… giúp phát triển thể lực và còn nuôi dưỡng tâm hồn”.

Không chỉ mang lại lợi ích về học tập, mô hình học hai buổi/ngày còn được nhiều phụ huynh và học sinh đánh giá là giải pháp toàn diện, phù hợp với nhịp sống hiện đại.

Chị Mai Hoa, cư dân Thanh Xuân Bắc (Hà Nội) chia sẻ: “Nhà tôi có hai con đang học THCS. Cả hai vợ chồng đều đi làm từ sáng đến tối, nên việc con được học cả ngày, ăn trưa tại trường, về nhà không còn bài tập, là rất lý tưởng. Các con đi ngủ sớm, sinh hoạt điều độ. Nếu chỉ học một buổi, phần lớn thời gian còn lại sẽ rơi vào việc chơi game, xem YouTube... Tôi cho rằng học cả ngày ở trường sẽ giúp con tiếp thu kiến thức tốt hơn, tránh được nguy cơ lệch hướng trong quá trình phát triển”.

Chị cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc con cái học tại trường còn giảm bớt áp lực cho cha mẹ trong vai trò “người thầy tại gia”: “Bố mẹ kèm cặp, dạy con học ở nhà dễ biến thành cuộc chiến căng thẳng. Ở trường, con được bạn bè và thầy cô hỗ trợ sẽ dễ tiếp thu hơn”.

Từ góc nhìn học sinh, em Đàm Vũ Khánh Minh (lớp 11D1, Trường THPT Marie Curie, TP.HCM) cũng đồng tình: “Học hai buổi giúp em có thời gian ôn tập kỹ hơn, lại cảm thấy an toàn khi ở trường cả ngày. Tuy nhiên, em rất mong được học thêm các môn kỹ năng mềm, thể chất, nghệ thuật - những hoạt động giúp chúng em cân bằng cảm xúc và phát triển toàn diện”.

Những chia sẻ chân thực từ phụ huynh và học sinh cho thấy, học hai buổi/ngày không chỉ là sự đổi mới trong cách tổ chức giảng dạy, mà còn là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng môi trường giáo dục toàn diện - nơi học sinh được học tập, vui chơi, rèn luyện và lớn lên một cách khỏe mạnh cả về trí tuệ lẫn tinh thần.

Bộ GD&ĐT nói gì?

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3.2025, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Dạy học hai buổi/ ngày không phải là điều mới, mà là xu thế phát triển tất yếu trong giáo dục hiện đại, khi điều kiện cho phép.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng mô hình này, nhằm đảm bảo thời lượng học tập hợp lý, giảm áp lực thi cử và tạo điều kiện phát triển toàn diện cho học sinh. Tại Việt Nam, bậc tiểu học từ lâu đã triển khai rộng rãi và hiệu quả hình thức học hai buổi/ngày.

Riêng với THCS và THPT, từ năm 2010, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn khuyến khích các trường có điều kiện tổ chức dạy hai buổi. Đến năm 2018, chương trình giáo dục phổ thông mới tiếp tục cụ thể hóa chủ trương này, khẳng định: Nơi nào đủ điều kiện, cần đẩy mạnh triển khai!

Mục tiêu chính của việc dạy học hai buổi/ngày, theo ông Thưởng, là để đảm bảo thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục phổ thông, đồng thời giảm tải áp lực, nâng cao chất lượng giảng dạy và phát triển toàn diện học sinh về “đức - trí - thể - mỹ”.

Đến nay, gần 100% trường tiểu học đã triển khai mô hình này. Số lượng trường THCS và THPT tổ chức dạy hai buổi cũng tăng nhanh trong 10 năm qua. Theo thống kê, đến cuối năm 2024, cả nước có khoảng 12.000 trường tiểu học, 10.700 trường THCS và gần 3.000 trường THPT, trong đó ngày càng nhiều trường chuyển sang mô hình học cả ngày.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng thẳng thắn chỉ ra một số bất cập: Nhiều nơi vẫn sử dụng buổi học thứ hai để dạy thêm kiến thức lý thuyết, thay vì tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng, thể chất hay nghệ thuật. Điều này khiến học sinh thêm áp lực, thay vì được cân bằng và phát triển hài hòa.

Để triển khai hiệu quả mô hình học hai buổi/ngày, Bộ GD&ĐT yêu cầu đảm bảo 3 yếu tố then chốt: Cơ sở vật chất đầy đủ (phòng học, khu bán trú, sân chơi, bãi tập, khu thể chất); Đội ngũ giáo viên đủ về số lượng và chất lượng; Chương trình học hợp lý, có lồng ghép các hoạt động phát triển kỹ năng sống, phù hợp tâm sinh lý từng cấp học.

Đặc biệt, Bộ dự kiến sẽ đưa 5 nội dung bắt buộc vào chương trình hai buổi/ngày, gồm: Giáo dục kỹ năng số; STEM; Hướng nghiệp; Luật An toàn giao thông; Các chuyên đề phát triển năng lực và kỹ năng sống…

Khẳng định lại quan điểm của Bộ, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: “Học sinh đến trường không chỉ để học kiến thức, mà còn để rèn luyện thể chất, phát triển tâm hồn, học kỹ năng sống, ngoại ngữ, công nghệ, AI - tất cả phù hợp với tâm lý, độ tuổi và nhu cầu phát triển toàn diện của mỗi em”.