Chính sách miễn học phí thúc đẩy xây dựng xã hội học tập (Bài 1):
Chính sách nhân văn
VHO - Trong bài viết về “Học tập suốt đời”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Đảng ta luôn quan tâm, khuyến khích học tập suốt đời và xây dựng cả nước thành xã hội học tập. Để xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, chính sách phổ cập giáo dục của Nhà nước luôn hướng tới mục tiêu đảm bảo mọi trẻ em đều được đến trường và có cơ hội học tập.
Nhà nước không chỉ tạo điều kiện để trẻ em được đi học mà còn hướng tới hỗ trợ về tài chính, như miễn giảm học phí và cung cấp suất ăn miễn phí.
Báo Văn Hóa xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết về tác động của chính sách miễn học phí đến tâm tư, tình cảm, đời sống của người dân.
Ngày 28.2, sau khi nghe báo cáo của Chính phủ về khả năng cân đối tài chính trong và sau quá trình tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Bộ Chính trị quyết định thực hiện miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết THPT công lập trên phạm vi cả nước.
Thời điểm thực hiện từ đầu năm học mới 2025-2026 (tháng 9.2025 trở đi). Chính sách này ngay lập tức đã làm nức lòng người dân cả nước.

Kịp thời và rất thiết thực
Theo đó, toàn bộ học sinh mầm non, học sinh tiểu học, học sinh THCS và học sinh THPT công lập sẽ được miễn học phí. Học sinh trường dân lập, tư thục được cấp bù học phí bằng mức học phí của trường công lập theo quy định của pháp luật, phần chênh lệch học phí giữa trường công lập và dân lập, tư thục sẽ do gia đình học sinh chi trả.
Ngay sau khi chính sách miễn học phí cho học sinh trên toàn quốc được ban hành, phụ huynh, học sinh cũng như các giáo viên, nhà quản lý giáo dục trên cả nước đều vui mừng, phấn khởi và đánh giá rất cao.
Cô Hoàng Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường THPT Hoằng Hóa II, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) bày tỏ sự vui mừng khi năm học tới đây, khoảng 1.500 học sinh nhà trường, trong đó có khoảng 100 học sinh hộ nghèo và hơn 100 học sinh hộ cận nghèo sẽ được miễn học phí hoàn toàn.
Theo cô Thúy, với mức học phí 65.000 đồng/học sinh/tháng không lớn, nhưng có những học sinh hoàn cảnh khó khăn, thì đây lại là số tiền không nhỏ.
Mặc dù hằng năm, nhà trường vẫn thực hiện việc rà soát và lập hồ sơ các học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo để các em được miễn, giảm học phí theo chính sách của Nhà nước, nhưng nhiều em vẫn có tâm lý tự ti.
Việc miễn học phí cho toàn bộ học sinh sẽ xóa bỏ rào cản tâm lý đối với những em học sinh nghèo, tạo sự bình đẳng trong môi trường giáo dục. “Đây là chính sách vô cùng nhân văn, khiến cho các em tự tin đến trường và yên tâm học tập”, cô Thúy bày tỏ.
Là địa bàn có nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn, ông Nguyễn Nhường, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng cho biết, chính sách miễn học phí không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả học sinh, mà còn có ý nghĩa nhân văn đặc biệt đối với trẻ em, người nghèo.
Theo ông Nhường, chính sách này sẽ giúp trẻ em tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng và đầy đủ hơn, đồng thời tạo ra sự công bằng trong cơ hội học tập.
“Việc miễn học phí sẽ tạo động lực cho các em học sinh tiếp tục cố gắng học tập và phát triển, giúp các bậc phụ huynh yên tâm hơn về việc giáo dục con cái, giảm bớt lo âu về kinh tế. Đặc biệt đối với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chính sách này mang lại sự hỗ trợ kịp thời và rất thiết thực. Chính sách này thể hiện rõ tinh thần nhân văn của Nhà nước trong việc tạo điều kiện tốt nhất cho thế hệ tương lai”, ông Nhường chia sẻ.

Trút bỏ gánh nặng cho người nghèo
Gắn bó với công việc giảng dạy, quản lý giáo dục ở vùng miền núi Quảng Nam khá lâu, thầy Lê Huy Phương, Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học Trà Dơn, huyện Nam Trà My bày tỏ sự thấu hiểu và đồng cảm với học sinh và phụ huynh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Theo Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có 23,2 triệu học sinh (chưa bao gồm học sinh học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên), trong đó có 3,1 triệu học sinh mầm non dưới 5 tuổi; 1,7 triệu học sinh mầm non 5 tuổi; 8,9 triệu học sinh tiểu học; 6,5 triệu học sinh THCS và 3 triệu học sinh THPT.
Bộ GD&ĐT ước tính, nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước phải chi trả để thực hiện chủ trương miễn học phí cho các đối tượng nêu trên là khoảng 30.000 tỉ đồng.
Trên thực tế, mức ngân sách cần đảm bảo sẽ phụ thuộc vào mức học phí cụ thể của từng tỉnh/thành phố theo thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định trên cơ sở quy định mức sàn, trần học phí quy định của Chính phủ.
Thầy Phương cho biết, học sinh tiểu học ở khu vực miền núi Quảng Nam đã được miễn học phí lâu rồi, các bậc học khác ở vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn cũng được Nhà nước, tỉnh hỗ trợ học phí, tuy vậy vẫn còn nhiều khu vực khác vẫn thực hiện việc đóng học phí.
Kể lại câu chuyện từ thực tế của bản thân mình, ngày xưa khi còn đi học, gia đình ở vùng nông thôn, đồng tiền khó kiếm, ba mẹ lại phải lo cho 5 người con tuổi ăn học, mỗi lần vào năm học mới, nỗi lo học phí cho 5 anh em là “áp lực” rất lớn, bản thân thầy chút nữa cũng phải bỏ học vì gánh nặng học phí này, thầy Phương bày tỏ: “Học phí không khó đối với người có thu nhập tốt, nhưng đối với những gia đình khó khăn, dù ở vùng miền, khu vực nào, thì học phí cũng sẽ là nỗi lo thường trực, thậm chí là gánh nặng. Được miễn học phí, sẽ giúp giảm bớt nỗi lo cho phụ huynh, học sinh sẽ yên tâm đến lớp, được tiếp cận học tập nhiều hơn, hạn chế tình trạng bỏ học.
Câu chuyện “xây dựng xã hội học tập”, theo thầy Phương, sẽ bắt đầu từ những chính sách, chủ trương cụ thể, thiết thực như việc miễn học phí cho các cấp học sinh từ mầm non đến phổ thông sắp tới đây.
Cùng quan điểm với thầy Phương, thầy Bùi Quang Ngọc, Hiệu trưởng trường PTDTBT tiểu học Trà Leng, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My cũng cho rằng, việc học sinh từ mầm non đến phổ thông công lập trên toàn quốc đều được miễn giảm học phí sẽ giảm bớt gánh nặng, áp lực kinh tế cho đại đa số phụ huynh, vơi đi gánh lo cơm áo gạo tiền, đây cũng là biện pháp góp phần thu hút học sinh đến lớp đông đủ hơn.
Bà Hoàng Thị Nhung, Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 16, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, dù là quận nội thành, nhưng trên địa bàn tổ dân phố vẫn còn những hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Hiện nay, Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố đã xây dựng Quỹ tình thương và quỹ này mỗi năm đều dành khoảng 10 triệu đồng để hỗ trợ các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng có thành tích cao trong học tập.
“Là người luôn sát sao đời sống của từng hộ gia đình trên địa bàn, nắm rõ hoàn cảnh từng gia đình, nên tôi rất hiểu nỗi vất vả của những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Chính vì vậy, việc Bộ Chính trị quyết định miễn học phí cho toàn bộ học sinh sẽ trút được nỗi lo gánh nặng học phí cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giúp con em họ được yên tâm đến trường như bao học sinh khác”, bà Hoàng Thị Nhung chia sẻ.
(Còn nữa)