Chính sách miễn học phí thúc đẩy xây dựng xã hội học tập (Bài cuối):

Vì tương lai của đất nước

NGỌC HÀ - THÙY TRANG - NGUYỄN LINH

VHO - Học phí là một khoản chi đáng kể đối với các gia đình có con em đi học. Việc Bộ Chính trị quyết định từ năm học 2025- 2026, tất cả học sinh các bậc học từ mầm non đến THPT được Nhà nước miễn học phí là tin vui cho mọi nhà, nhất là các gia đình còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Chính sách này chính là đòn bẩy để thúc đẩy xây dựng xã hội học tập.

 Vì tương lai của đất nước - ảnh 1
Một buổi học của học sinh Trường THCS dân tộc nội trú huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Ảnh: HOÀNG HƯƠNG

Nâng cao chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng, miễn học phí là một trong những bước đi quan trọng cho việc Nhà nước sớm có chính sách giáo dục bắt buộc đối với mọi công dân dưới 18 tuổi.

Để cơ hội giáo dục bình đẳng hơn, Đảng và Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, cả về cơ sở vật chất cho các trường học như phòng học, phòng thí nghiệm, phòng thực hành… nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng giáo dục.

Đón nhận tin vui này, thầy giáo Cầm Bá Can, Trường Tiểu học Trung Lý 2, huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) chia sẻ, khi biết thông tin này trên báo, không chỉ giáo viên mà nhiều phụ huynh học sinh nhà trường cũng bày tỏ sự phấn khởi: “Không chỉ ở huyện biên giới Mường Lát, ở bất kỳ địa phương nào cũng đang còn nhiều gia đình khó khăn. Vì vậy, phải những người kinh tế khó khăn mới thực sự thấu hiểu giá trị của chính sách hỗ trợ này. Có thể nói chính sách miễn học phí sẽ góp phần quan trọng làm tăng chất lượng giáo dục. Đây là một chính sách hợp lòng dân, tạo sự bình đẳng trong giáo dục, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với giáo dục và phù hợp với xu thế chung của các nước phát triển”.

Nhiều quốc gia đã thực hiện chính sách miễn giảm học phí, quyết định của Bộ Chính trị khẳng định vị thế của Việt Nam trong việc hội nhập quốc tế. Điều này không chỉ thể hiện sự lớn mạnh của đất nước mà còn cho thấy giáo dục đã được đặt lên hàng đầu, là quốc sách, vì tương lai của đất nước. Chính sách này là một văn bản có tầm nhìn lâu dài, thể hiện chiến lược của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong giai đoạn đất nước chúng ta làm cuộc cách mạng vươn mình, một kỷ nguyên mới của dân tộc”

(Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM Huỳnh Thanh Phú)

Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM Huỳnh Thanh Phú cho biết, nhiều quốc gia đã thực hiện chính sách miễn giảm học phí, quyết định của Bộ Chính trị khẳng định vị thế của Việt Nam trong việc hội nhập quốc tế. Điều này không chỉ thể hiện sự lớn mạnh của đất nước mà còn cho thấy giáo dục đã được đặt lên hàng đầu, là quốc sách, vì tương lai của đất nước.

Chính sách này là một văn bản có tầm nhìn lâu dài, thể hiện chiến lược của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong giai đoạn đất nước chúng ta làm cuộc cách mạng vươn mình, một kỷ nguyên mới của dân tộc.

Mặc dù TP.HCM và Hà Nội là những trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nhưng vẫn còn rất nhiều người dân gặp khó khăn, đặc biệt là những lao động nhập cư từ các vùng quê.

Họ đến thành phố mưu sinh và làm việc vất vả, vì vậy, chính sách miễn học phí đã tạo ra cơ hội lớn cho các gia đình, giúp họ có thể chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho con em, giúp các em được đến trường mà không phải lo lắng về vấn đề học phí.

Qua chính sách này, các thầy cô giáo - những người cũng là phụ huynh, sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng dạy dỗ con em học hành đến nơi đến chốn, để các em trở thành những công dân có trình độ, có hiểu biết và biết ơn, góp phần xây dựng một Việt Nam ngày càng vững mạnh, phát triển bền vững.

 Vì tương lai của đất nước - ảnh 2
Chính sách miễn học phí cho học sinh dân tộc thiểu số được áp dụng nhiều năm nay đã nâng bước các em tới trường. Ảnh: KHÁNH CHI

Đầu tư cho tương lai

Thầy Huỳnh Ngọc Quốc, Trưởng phòng GD&ĐT TP Hội An (Quảng Nam) cho rằng, chính sách không chỉ mang lại lợi ích trước mắt, mà còn là một sự đầu tư chiến lược cho tương lai của đất nước.

Theo thầy Huỳnh Ngọc Quốc, xây dựng một xã hội học tập là xây dựng một hệ thống giáo dục bảo đảm cho mọi công dân đều được học tập suốt đời, đồng thời, trong hệ thống đó có những chính sách và cơ chế tương ứng để bảo đảm cho mọi công dân góp sức phát triển các hình thức học tập thường xuyên trên mọi địa bàn dân cư.

Quyết định của Bộ Chính trị về việc miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến phổ thông đã nhận được sự đồng thuận trong toàn xã hội, tạo điều kiện phụ huynh yên tâm, giảm bớt gánh nặng của các bậc cha mẹ khi có các con trong độ tuổi đến trường, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, phải lo lắng từng bữa ăn.

Điều đó, góp phần xây dựng thành công xã hội học tập, tạo mọi cơ hội và điều kiện để tất cả công dân được bình đẳng và công bằng xã hội trong học tập. Quyết định này của Bộ Chính trị không chỉ mang lại lợi ích trước mắt, mà còn là một sự đầu tư chiến lược cho tương lai của đất nước.

Thầy Lê Trọng Nhất, Hiệu trưởng Trường THCS xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) xúc động khi hàng triệu học sinh sắp được thụ hưởng chính sách này.

Thầy cho biết, trường thuộc vùng ven biển với 760 học sinh. Người dân Quảng Thái gắn chặt với cây lúa, dệt cói xuất khẩu và chài lưới. Dần dần đất chật người đông, ruộng đã ít lại chỉ làm được một vụ, nghề chài lưới thì chỉ là đánh bắt ven bờ, mỗi ngư dân một ngày làm lụng vất vả cũng chỉ được vài chục ngàn, học sinh bỏ học đi làm ăn xa cùng bố mẹ nhiều.

“Chủ trương miễn học phí cho học sinh mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng cho nhà trường, phụ huynh và học sinh. Với nhà trường, chủ trương này sẽ giúp chúng tôi duy trì sĩ số, hạn chế học sinh bỏ học theo bố mẹ đi làm, tạo điều kiện tốt hơn để nâng cao chất lượng dạy và học.

Với phụ huynh, miễn học phí sẽ giúp giảm gánh nặng kinh tế, an tâm hơn về việc học của con, từ đó tập trung phát triển kinh tế gia đình, khuyến khích phụ huynh cho con đi học thay vì cho con nghỉ học sớm để lao động kiếm tiền. Đối với học sinh, các em sẽ có cơ hội học tập tốt hơn, không phải gặp khó về tài chính gia đình”, thầy Lê Trọng Nhất chia sẻ.

“Đây là tin rất vui với ngành giáo dục nói riêng và người dân cả nước nói chung, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với giáo dục”, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa Tạ Hồng Lựu bày tỏ. Ông Lựu cũng cho biết, sau khi có thông tin về việc Bộ Chính trị quyết định thực hiện miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết THPT, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa đang đợi chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và các ngành liên quan, nếu có các văn bản chỉ đạo của cấp trên ban hành, Sở sẽ báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa để triển khai thực hiện đối với các bậc học trên địa bàn.

Quyết định miễn học phí của Bộ Chính trị là tin vui không chỉ đối với học sinh, phụ huynh, với những người đang công tác trong lĩnh vực giáo dục mà cả đối với toàn dân.

Quyết định này thể hiện tính nhân văn và sự quan tâm đến giáo dục, xem giáo dục là quốc sách hàng đầu của đất nước. Đây là chủ trương rất đúng đắn và hợp lòng dân bởi chăm lo cho giáo dục cũng chính là lo cho tương lai của cả dân tộc.

Đây cũng là bước đi quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước trong việc đầu tư cho tương lai, là đòn bẩy để thúc đẩy xây dựng xã hội học tập.