Bộ GD&ĐT kiểm tra việc thực hiện Thông tư 29 tại TP.HCM

ANH HUY

VHO - Ngày 21.3, Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng làm Trưởng đoàn đã làm việc với Sở GD&ĐT TP.HCM về tình hình triển khai Thông tư số 29của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm.

Bộ GD&ĐT kiểm tra việc thực hiện Thông tư 29 tại TP.HCM - ảnh 1
Đoàn công tác Bộ GD&ĐT làm việc tại TP.HCM về dạy thêm, học thêm

Báo cáo tình hình thực hiện Thông tư 29, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc cho biết, Sở đã triển khai các văn bản liên quan đến dạy thêm, học thêm đúng quy định, giám sát chặt chẽ các thông tin phản ánh tiêu cực và kiên quyết không để xảy ra vi phạm.

Sở GD&ĐT TP.HCM cũng phát hiện, xử lý và đề xuất giải pháp phù hợp với các khó khăn trong quá trình thực hiện Thông tư 29.

Phòng GD&ĐT thành phố Thủ Đức và các quận, huyện nghiêm túc kiểm tra, hướng dẫn hoạt động dạy thêm, học thêm. Đặc biệt, quán triệt việc không tổ chức dạy thêm cho học sinh tiểu học và chỉ đạo thực hiện chương trình 2 buổi/ngày theo yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đồng thời, tăng cường các hoạt động câu lạc bộ, phát triển năng khiếu (nghệ thuật, thể dục thể thao,…) và kỹ năng sống phù hợp với đặc điểm địa phương. Các vi phạm về dạy thêm, học thêm sẽ được xử lý hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

Các trường rà soát, điều chỉnh kế hoạch giáo dục, đảm bảo phân công giảng dạy phù hợp với ngân sách, tối ưu hóa cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo quy định của Điều lệ trường phổ thông và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Đồng thời, tổ chức ôn thi tuyển sinh và tốt nghiệp cho học sinh lớp cuối cấp, giúp học sinh đạt yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, khẳng định ngành Giáo dục TP sẽ tiếp tục triển khai nghiêm túc Thông tư 29, tạo môi trường giáo dục văn minh, hiện đại, giúp học sinh tự tin học tập.

Ông nhấn mạnh, với sự quan tâm của thành phố đối với cuộc sống của thầy cô, không có lý do gì để giáo viên sao nhãng giờ dạy, nhằm tránh nhu cầu học thêm từ phụ huynh và học sinh.

Theo ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, sau hơn 1 tháng triển khai, Thông tư 29 đã ổn định, nhưng cần kiên trì thực hiện và truyền thông rõ ràng để giáo viên và xã hội hiểu đúng mục tiêu.

Ông Thanh nhấn mạnh cần đẩy mạnh học 2 buổi/ngày, dạy thực chất, chất lượng…Phòng GD&ĐT quận Gò Vấp cũng đã kiểm tra các trường để đảm bảo chất lượng dạy học.

Bà Lê Thân Diệu Ái, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, cho biết nhà trường thực hiện nghiêm túc Thông tư 29, giúp phụ huynh hiểu và giảm áp lực cho học sinh.

“Trách nhiệm của nhà trường là làm cho phụ huynh hiểu được Thông tư, bảo đảm trách nhiệm ôn tập cho học sinh, việc ra đề kiểm tra vừa sức, không gây áp lực cho học sinh…”, bà Diệu Ái nói.

Bà Hoàng Thị Diễm Trang, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Đinh Thiện Lý, cho biết, Thông tư 29 nhận được sự ủng hộ của Hội đồng Sư phạm và phụ huynh nhà trường.

Triển khai Thông tư 29, nhà trường đã thử nghiệm mô hình cộng đồng học tập nhằm thúc đẩy tinh thần tự học của học sinh. Mô hình này hiện đã cho thấy tín hiệu tích cực. 

Bộ GD&ĐT kiểm tra việc thực hiện Thông tư 29 tại TP.HCM - ảnh 2
Cán bộ quản lý, lãnh đạo các trường học và phụ huynh dự buổi làm việc

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao sự quyết liệt của TP.HCM trong triển khai Thông tư 29, nhằm giảm áp lực học thêm, học thêm tràn lan.

Theo Thứ trưởng, Thông tư hướng đến môi trường giáo dục hiệu quả, giúp học sinh tự học và thầy cô tập trung vào giáo dục chính khóa.

Lý giải vì sao dạy thêm, học thêm tràn lan, Thứ trưởng đề cập tới điều kiện tổ chức dạy học chính khoá chưa đảm bảo theo yêu cầu, sĩ số học sinh cao, chất lượng giữa các trường học chưa đồng đều; áp lực về điểm số, kiểm tra đánh giá chưa phù hợp…

Để quản lý dạy thêm hiệu quả, ông nhấn mạnh cần đồng bộ nhiều giải pháp như cải cách phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra và nâng cao vai trò tự học của học sinh. Đồng thời, cần truyền thông về hệ lụy của việc học thêm tràn lan, đảm bảo chất lượng giảng dạy chính khóa…

Thứ trưởng lưu ý: “Không để con em ra trung tâm học thêm chương trình chính khoá, nếu để xảy ra là trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên”.

Ông yêu cầu phải đánh giá đúng tác hại của dạy thêm, học thêm tràn lan và kiên quyết chấm dứt tình trạng này vì lợi ích của học sinh và chất lượng giáo dục.

Thứ trưởng cũng mong các thầy cô TP.HCM tập trung vào chất lượng giảng dạy chính khóa, hướng tới môi trường giáo dục lành mạnh, không còn dạy thêm tràn lan.