Thông tư 29 giúp việc dạy thêm, học thêm thực hiện đúng quy định
VHO - Tại buổi họp báo cung cấp thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, vào chiều 13.2 tại Trung tâm Báo chí TP, đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM đã chia sẻ về Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm học thêm chính thức có hiệu lực vào ngày 14.2.2025.

Thông tin về Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm học thêm chính thức có hiệu lực vào ngày 14.2.2025, ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết: Tại Thông tư này, nhà nước không cấm việc dạy thêm, nhưng hoạt động này cần được thực hiện đúng quy định. Giáo viên trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường.
Cụ thể, việc dạy thêm phải được thực hiện tại nơi có đăng ký kinh doanh (hộ kinh doanh, trung tâm dạy thêm học thêm) được Sở KH&ĐT hoặc UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện cấp phép.
Nếu giáo viên có cơ sở vật chất đáp ứng đủ yêu cầu, như nhà riêng hoặc phòng học cho phép đăng ký kinh doanh, thì giáo viên có thể tổ chức dạy thêm tại các trung tâm này.
Chánh văn phòng Sở GD&ĐT cũng nhấn mạnh một điểm quan trọng trong Thông tư là không được dạy thêm có thu tiền đối với học sinh chính khoá.
Các lớp dạy thêm trong nhà trường chỉ được tổ chức và không thu phí với 3 nhóm đối tượng: học sinh có kết quả học tập chưa đạt mức yêu cầu; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Thông tư cũng quy định không tổ chức dạy thêm cho học sinh tiểu học, ngoại trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, hoặc rèn luyện kỹ năng sống.
Ông Hồ Tấn Minh cũng cho biết, giáo viên có thể tổ chức các lớp học như học đàn, học vẽ, học bơi, rèn chữ, hoặc STEM,… để các em tham gia sau giờ học, nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện, không chỉ tập trung vào các môn chính khoá như Toán hay Tiếng Việt.