Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm nhận được sự đồng thuận cao

HOÀNG HƯƠNG

VHO - Bộ GD&ĐT vừa thông tin, sau một tháng triển khai, Thông tư 29 về việc dạy thêm, học thêm bước đầu tác động tích cực, làm thay đổi nhận thức, thói quen của người dạy, người học, phụ huynh học sinh và toàn xã hội với dạy thêm, học thêm; nhận được sự đồng thuận cao, đáp ứng mong mỏi của xã hội.

Qua công tác kiểm tra và báo cáo của các địa phương cho thấy, sau một tháng triển khai đã tác động tích cực tới nhận thức, hành động các cấp quản lí, giáo viên, học sinh, phụ huynh.

Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm nhận được sự đồng thuận cao - ảnh 1
Bộ GD&ĐT kiểm tra việc thực hiện Thông tư 29 tại Thái Bình

Các địa phương, nhà trường, giáo viên, cha mẹ học sinh nhận thức rõ thêm về hệ lụy, tác hại của dạy thêm, học thêm tràn lan tới sức khỏe thể chất và tinh thần, sự phát triển toàn diện của học sinh, sự công bằng trong tiếp cận giáo dục của học sinh;

Gây ra sự lãng phí về thời gian, tài chính của học sinh và gia đình; ảnh hưởng  tới chất lượng giảng dạy chính khóa, hình thành tư duy môn chính - phụ; sự thụ động của các nhà trường; sự phụ thuộc vào nguồn thu từ chính những học sinh để chi trả bồi dưỡng giáo viên, sửa chữa cơ sở vật chất của nhà trường...

Đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên nhận thức đầy đủ và rõ ràng hơn về trách nhiệm và tầm quan trọng của dạy học chính khóa, trách nhiệm trong việc hỗ trợ học sinh nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục; trách nhiệm và tầm quan trọng của việc trang bị cho học sinh ý thức tự học, tự chủ, tự giác trong các hoạt động giáo dục.

Chính quyền các cấp nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm trong quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn, bước đầu đã ban hành các kế hoạch, thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện các quy định của Thông tư 29.

Các sở, ngành, đơn vị phối hợp của địa phương đã kịp thời có các hướng dẫn để thực hiện các quy định về dạy thêm ngoài nhà trường; từng bước đưa các hoạt động này đi vào quy củ, nền nếp, đúng pháp luật và tránh lãng phí.

Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm nhận được sự đồng thuận cao - ảnh 2
Áp lực thi cử khiến việc học thêm, dạy thêm trở nên tràn lan

Cha mẹ học sinh nhìn nhận rõ vai trò của gia đình trong phối hợp quản lí, giáo dục học sinh, không thể phó thác cho nhà trường; thúc đẩy tinh thần, quyết tâm tự học của học sinh tại gia đình.

Bộ GD&ĐT cũng thông tin, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn địa phương chậm ban hành văn bản hướng dẫn, ban hành quy định tại địa phương, dẫn tới lúng túng trong triển khai; sự phối hợp giữa các sở, ngành trong triển khai các quy định về dạy thêm ngoài nhà trường có nơi chưa kịp thời nên một bộ phận giáo viên có nhu cầu dạy thêm lo lắng.

Việc chỉ đạo các cơ sở giáo dục điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường để phù hợp với quy định của Thông tư ở một số nơi chưa kịp thời, sẵn sàng từ thời điểm Thông tư ban hành; dẫn tới việc dừng đột ngột việc dạy thêm trong nhà trường, ảnh hưởng tới tâm lí của học sinh, cha mẹ học sinh.

Những vấn đề khách quan như thiếu cơ sở vật chất trường lớp; cha mẹ học sinh học sinh dựa vào nhà trường, giáo viên do không có đủ thời gian, kiến thức để kèm con học, kỳ vọng vào thành tích học tập cao của con em, áp lực thi cử; học sinh còn chưa thực sự chủ động trong học tập và có thể tự học… cũng tạo nên những băn khoăn khi Thông tư số 29 đi vào triển khai.