Cải cách giáo dục với thông tư 29:

Cơ hội mới, thách thức cũ

HOÀNG HƯƠNG

VHO - Thông tư số 29 của Bộ GD&ĐT về dạy thêm, học thêm đang tạo ra những thay đổi đáng kể trong hệ thống giáo dục phổ thông. Với 25.900 cơ sở giáo dục và hơn 18.000 học sinh từ tiểu học đến THPT chịu tác động trực tiếp, chính sách này đã mở ra nhiều điều chỉnh quan trọng trong tổ chức dạy và học ngoài giờ chính khóa.

Cơ hội mới, thách thức cũ - ảnh 1
Mong muốn của những người làm công tác giáo dục và toàn xã hội là xây dựng một môi trường học tập nơi học sinh không bị áp lực bởi việc học thêm, mà thực sự cảm thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Ảnh minh họa

 Những thay đổi tích cực

Ngay trước thời điểm Thông tư 29 có hiệu lực, các trường phổ thông đã chủ động lên kế hoạch điều chỉnh lịch dạy thêm để tuân thủ quy định mới. Theo đó, việc dạy thêm trong nhà trường không còn thu phí từ học sinh mà chỉ áp dụng cho ba nhóm đối tượng: Học sinh có kết quả học tập chưa đạt trong học kỳ trước, cần được bổ trợ kiến thức; Học sinh giỏi do nhà trường tuyển chọn để bồi dưỡng chuyên sâu; Học sinh lớp cuối cấp, tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh và thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Quy định mới mang lại nhiều lợi ích trong việc minh bạch hóa hoạt động dạy thêm, đồng thời tạo cơ hội để học sinh có nhu cầu thực sự được hỗ trợ. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là về mặt tài chính đối với nhà trường và giáo viên.

Để đảm bảo quyền lợi của giáo viên tham gia giảng dạy ngoài giờ, nhiều hiệu trưởng cho biết đã cân đối ngân sách và dành một phần kinh phí để hỗ trợ thầy, cô đứng lớp dạy thêm. Dù mức hỗ trợ không lớn, nhưng đây vẫn là một nỗ lực nhằm khuyến khích giáo viên tiếp tục cống hiến, đảm bảo chất lượng giảng dạy.

Ngay sau khi các trường phổ thông dừng dạy thêm đại trà, chỉ tổ chức một số tiết trong tuần cho nhóm học sinh thuộc diện Thông tư 29 quy định, nhiều phụ huynh đã phải tất tả tìm kiếm lớp học thêm bên ngoài.

Nỗi lo con “hổng” kiến thức, không theo kịp chương trình và không đủ sức cạnh tranh trong các kỳ thi quan trọng - đặc biệt là kỳ thi vượt cấp khiến không ít gia đình phải thay đổi kế hoạch học tập của con.

Chị Nguyễn Thu Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) có con gái đang học lớp 9, chuẩn bị bước vào kỳ thi lớp 10 THPT công lập - một kỳ thi được đánh giá là khốc liệt với tỷ lệ trượt lên đến 50%. Khi nhà trường thực hiện Thông tư 29, chị không giấu nổi sự lo lắng, vội vàng tìm trung tâm học thêm cho con. Tuy nhiên, điều khiến chị bất ngờ là học phí tại các trung tâm cao hơn đáng kể so với trước đây khi con chị còn được học thêm tại trường.

Chung nỗi băn khoăn, chị Lê Thị Mai (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cũng cảm thấy áp lực khi con trai chị, một học sinh lớp 12, đang đặt mục tiêu vào một trường đại học chất lượng cao. Tuy nhiên, nhà trường hiện chỉ tổ chức dạy thêm hai buổi mỗi tuần, không đủ để giúp con chị củng cố kiến thức vững vàng.

Điều đáng nói là từ khi giảm số buổi học thêm, cháu có dấu hiệu chểnh mảng, ít tập trung hơn, dành nhiều thời gian tụ tập bạn bè và chơi game. “Tôi không muốn ép con, nhưng nếu không học, cháu sẽ khó đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học”, chị Mai chia sẻ.

Thông tư 29 rõ ràng giúp hạn chế tình trạng lạm dụng học thêm tràn lan, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức. Không ít phụ huynh loay hoay tìm giải pháp để con không bị tụt lại trong cuộc đua học tập đầy cạnh tranh.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu có thể tìm được một hướng đi cân bằng giữa việc giảm áp lực học thêm và đảm bảo học sinh vẫn có đủ kiến thức để chinh phục các kỳ thi quan trọng? Đây vẫn là bài toán chưa có lời giải thỏa đáng.

Hướng tới một nền giáo dục không phụ thuộc vào học thêm

Học thêm từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong hành trình học tập của nhiều học sinh và phụ huynh. Nhưng liệu đây có thực sự là nhu cầu bổ sung kiến thức, hay chỉ là một sự lệ thuộc? Khi học thêm trở thành một vòng luẩn quẩn từ trường học đến trung tâm, từ trung tâm đến nhà riêng của thầy cô giáo, học sinh dần mất đi khả năng tự học, trở thành những cỗ máy nạp kiến thức.

Việc quá phụ thuộc vào học thêm cũng khiến không ít học sinh gặp khó khăn trong việc tự nghiên cứu, đào sâu suy nghĩ vì đã quen với cách tiếp cận theo lối “xào đi xào lại” các dạng đề thi để đạt điểm cao.

Trong khi đó, thực tế cho thấy, những học sinh có khả năng tự học tốt không chỉ đạt kết quả học tập xuất sắc mà còn dễ dàng thích nghi với môi trường du học, nơi đòi hỏi tính chủ động và tư duy sáng tạo cao.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, vấn đề dạy thêm, học thêm là một bài toán phức tạp, không chỉ diễn ra trong nhà trường mà còn mở rộng ra nhiều hình thức bên ngoài. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là hướng tới một nền giáo dục không phụ thuộc vào học thêm.

Thay vì biến trường học thành nơi chỉ tập trung vào việc nhồi nhét kiến thức, giáo dục cần mở ra nhiều không gian và thời gian hơn cho học sinh phát triển toàn diện. Sau giờ học chính khóa, các em cần được khuyến khích tham gia các hoạt động thể thao, mỹ thuật, âm nhạc, vui chơi, qua đó rèn luyện nhân cách, phát triển kỹ năng sống, nâng cao khả năng hòa nhập xã hội và giải quyết vấn đề…

Đây cũng là mong muốn chung của giáo viên, những người làm công tác giáo dục và toàn xã hội - xây dựng một môi trường học tập nơi học sinh không bị áp lực bởi việc học thêm, không mệt mỏi với những lớp học ngoài giờ liên miên, mà thực sự cảm thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Việc “xiết” dạy thêm, học thêm một cách quyết liệt, hướng tới xóa bỏ tình trạng dạy thêm tràn lan, là quyết tâm rõ ràng của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, để chủ trương này thực sự hiệu quả và bền vững, không chỉ cần sự kiểm soát từ cơ quan quản lý, mà còn đòi hỏi sự thay đổi từ chính phụ huynh, học sinh và giáo viên.

Chừng nào phụ huynh vẫn còn nặng nề về thành tích, lo lắng khi con không đi học thêm, chưa thực sự nhìn nhận vai trò của giáo dục gia đình bên cạnh giáo dục nhà trường, thì nhu cầu học thêm vẫn còn tồn tại.

Trong khi đó, một bộ phận giáo viên vẫn tìm cách tổ chức dạy thêm bên ngoài. Điều này khiến cho việc kiểm soát hoạt động dạy thêm - học thêm khó tránh khỏi những biến tướng.

Chỉ khi có sự thay đổi tư duy giáo dục từ nhiều phía - từ cơ quan quản lý, nhà trường, giáo viên đến phụ huynh và học sinh - thì việc giảm áp lực học thêm mới có thể trở thành hiện thực, hướng đến một nền giáo dục thực chất, nơi học sinh được học tập một cách chủ động, hiệu quả mà không bị cuốn vào vòng xoáy điểm số và áp lực thi cử.