Trước ngày Thông tư 29 có hiệu lực:
Nhiều phương án để đảm bảo chất lượng giảng dạy
VHO - Ngày 14.2, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực thi hành. Vấn đề dạy thêm, học thêm từ lâu đã tạo dư luận không tốt trong xã hội, ảnh hưởng đến các hoạt động dạy và học tại các cơ sở giáo dục phổ thông.

Ngày 7.2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 10/CĐ-TTG về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định. Đồng thời, kịp thời phát hiện, tuyên dương, khen thưởng, nhân rộng những tấm gương của tập thể, cá nhân tận tụy, tâm huyết, hết lòng vì học sinh. Hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các nhà trường để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ đạo, đôn đốc các địa phương hướng dẫn các nhà trường, các cơ sở giáo dục phổ thông triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định về dạy thêm, học thêm đã được Bộ GD&ĐT ban hành; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định về dạy thêm, học thêm; yêu cầu xử lý nghiêm và công khai các trường hợp sai phạm theo quy định; chủ động, thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Quy định về dạy thêm, học thêm, bảo đảm phù hợp thực tiễn và đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, nhu cầu dạy thêm, học thêm hiện rất lớn, song đây là hoạt động phức tạp cả ở trong và ngoài nhà trường bởi phụ huynh còn nặng nề thành tích, chưa yên tâm việc con không đi học thêm thì dạy thêm vẫn tồn tại tiêu cực. Do vậy, Thông tư 29 được ban hành nhằm thắt chặt quản lý việc dạy thêm, học thêm.
Theo quy định tại Thông tư, các cơ sở giáo dục phổ thông chỉ được dạy thêm miễn phí với ba nhóm gồm: Học sinh chưa đạt, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh cuối cấp tự nguyện ôn thi. Đối với các tổ chức, cá nhân muốn dạy thêm ngoài trường có thu tiền thì phải đăng ký kinh doanh. Đặc biệt, giáo viên không được thu tiền dạy thêm đối với học sinh chính khóa của mình.
Trước ngày Thông tư 29 có hiệu lực, các cơ sở giáo dục phổ thông đã có phương án dạy thêm theo đúng quy định tại Thông tư. Cô Hoàng Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường THPT Hoằng Hóa II, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cho biết: “Năm nay là năm đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông mới nên cả nhà trường, phụ huynh và học sinh đều phải có sự chuẩn bị kỹ càng. Hiện Nhà trường đã có kế hoạch bồi dưỡng học sinh chưa đạt và học sinh giỏi, đồng thời học sinh tự nguyện học thêm cũng đã đăng ký. Mỗi môn học đảm bảo dạy thêm không quá 2 tiết/ tuần. Vì là dạy thêm không thu tiền, nên nhà trường đã phải tính toán hỗ trợ cho giáo viên đứng lớp dạy thêm mỗi tiết 60.000 đồng từ khoản chi thường xuyên (nguồn sửa chữa cơ sở vật chất). Tất cả các giáo viên dạy thêm theo sự phân công đều coi đây là nhiệm vụ với nhà trường và trách nhiệm với học sinh, nói chung các giáo viên đều rất hào hứng”.
Cô Thúy cũng cho rằng, nhà trường đều đánh giá chất lượng học sinh qua các kỳ khảo sát. Trên cơ sở kết quả khảo sát, nhà trường phân loại học sinh và tổ chức các lớp bồi dưỡng theo từng nhóm. Nếu dạy trong nhà trường tốt, học sinh đầy đủ kiến thức thì sẽ không học tràn lan bên ngoài.
Tuy nhiên cô Thúy cũng đề nghị, ngoài chất lượng giảng dạy của nhà trường, thì Bộ GD&ĐT cũng tính toán để mức độ đề thi có tính phân loại, các học sinh đại trà đều có thể đỗ tốt nghiệp, giảm lo lắng cho phụ huynh và học sinh. Ngoài ra, nên tăng mức chi thường xuyên cho các trường (mức tối đa là 20%, trong khi hiện các trường đang được chi mức 10%) để các trường có thể cân đối mức bồi dưỡng cho giáo viên đứng lớp dạy thêm.
Về vấn đề giáo viên dạy bên ngoài các trung tâm, cô Thúy nêu ý kiến, nhà trường (mà cụ thể là Hiệu trưởng) chỉ có thể quản lý được bằng cách yêu cầu các giáo viên nếu có dạy thêm ở các trung tâm phải báo cáo với Hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm và đề nghị các giáo viên không được dạy thêm đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Tuy nhiên, cô Thúy cũng có chút băn khoăn về việc giáo viên nếu dạy thêm bên ngoài nhiều (không vi phạm quyền định), có thể ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng dạy học chính khóa trên lớp.
Chỉ còn 2 ngày nữa, Thông tư 29 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành, có tác động không nhỏ đến việc dạy và học trong và ngoài nhà trường. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, quy định mới về việc dạy thêm, học thêm hướng tới bảo vệ sự tôn nghiêm của nghề giáo.
Bộ GD&ĐT cho biết sẽ có giải pháp nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy, trách nhiệm của nhà giáo, phát huy năng lực tự học của học sinh. Việc kiểm tra, đánh giá, thi cử cũng phải đổi mới không đánh đố, không ra ngoài chương trình để học sinh không cần học thêm vẫn có thể vượt qua. Ông Phạm Ngọc Thưởng cũng lưu ý các địa phương tăng cường cơ sở vật chất, tăng số trường, lớp dạy học hai buổi trên ngày; đồng thời có chính sách đảm bảo đời sống cho nhà giáo.