Truyền dạy nhạc cụ người Giẻ Triêng

KHÁNH CHI

VHO - Trong tiếng Giẻ Triêng, đinh là ống nứa, tút là âm thanh hoặc giai điệu. Nhạc cụ đinh tút của đồng bào Giẻ Triêng tạo ra tình cờ từ cuộc sống sản xuất, sinh hoạt đời thường đã trở thành một nhạc cụ truyền thống, đặc trưng, gắn liền với văn hóa của đồng bào vùng cao Quảng Nam.

Truyền dạy nhạc cụ người Giẻ Triêng - ảnh 1
Các học viên tham gia lớp tập huấn nhạc cụ đinh tút, nhạc cụ truyền thống ở Nam Giang

Với người Giẻ Triêng, âm nhạc truyền thống luôn có linh hồn, luôn được người Giẻ Triêng bảo tồn nguyên gốc. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các nghệ nhân, người am hiểu về cách chế tác, sử dụng nhạc cụ đinh tút đã lớn tuổi, lớp nghệ nhân trẻ kế thừa chưa có nên việc bảo tồn và phát huy giá trị của nhạc cụ này gặp nhiều khó khăn. Theo xu hướng thời đại, người trẻ cũng chịu không ít tác động của nhiều loại hình văn hóa hiện đại, ít quan tâm đến vốn âm nhạc truyền thống của dân tộc mình nên dẫn đến nguy cơ mai một.

Trước thực trạng đó, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nam Giang tổ chức các lớp tập huấn “Truyền dạy, bảo tồn nhạc cụ đinh tút và các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Giẻ Triêng” tại hai xã Đắc Pre và Đắc Tôi. Đây cũng là hoạt động nhằm triển khai thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025,

Các lớp truyền dạy, bảo tồn nhạc cụ đinh tút và các nhạc cụ truyền thống thu hút sự tham gia của gần 100 học viên là người dân tộc Giẻ Triêng. Lớp học mời những nghệ nhân có kinh nghiệm, am hiểu các loại nhạc cụ truyền thống của người Giẻ Triêng như Chơ Rum Nhiế-r, Zơ Râm Nhưa, Hiên Dêng, Un Nanh, Hiên Viện… truyền dạy.

Những kiến thức căn bản về các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Giẻ Triêng; nghệ thuật diễn xướng dân gian và âm nhạc trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Giẻ Triêng được các nghệ nhân hướng dẫn, thực hành, trình diễn trực tiếp, sinh động đem lại sự hứng khởi, quan tâm cho học viên. Thông qua những lớp tập huấn, các học viên được truyền dạy cơ bản nhiều nội dung xoay quanh các vấn đề về lý thuyết và thực hành cũng như cách chế nhạc cụ đinh tút và sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Giẻ Triêng…

Ông Hiên Tạm, Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Pre, huyện Nam Giang chia sẻ: “Việc tổ chức các lớp tập huấn truyền dạy, bảo tồn nhạc cụ đinh tút và các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Giẻ Triêng là bước khởi đầu quan trọng, có ý nghĩa thiết thực trong quá trình lâu dài của việc bảo tồn nhạc cụ đinh tút và các nhạc cụ truyền thống nói riêng và bản sắc văn hóa truyền thống bản địa đặc sắc của đồng bào Giẻ Triêng tại địa phương nói chung. Về lâu dài, hy vọng sẽ có kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn nâng cao cho nghệ nhân, người dân ở cơ sở, truyền dạy nhạc cụ truyền thống của dân tộc Giẻ Triêng vào các trường học ở địa phương để lan toả mạnh mẽ hơn nữa đến với thế hệ trẻ”.