Chàng trai 8X đam mê gìn giữ văn hóa truyền thống Cor
VHO - Sinh ra ở cái nôi văn hóa của dân tộc Cor, anh Hồ Văn Xu ở thôn 2, xã TràThủy, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) từ nhỏ đã được sống trong không gian mang đậm bản sắc dân tộc với những lễ hội truyền thống của bản làng... Tình yêu với văn hóa dần được bồi đắp theo tháng năm, anh không ngừng mày mò, học hỏi, nghiên cứu văn hóa của đồng bào Cor, trở thành lớp kế cận những “cây đại thụ” trong bảo tồn văn hóa dân tộc vùng đất quế Trà Bồng.
CLB Bảo tồn văn hóa dân tộc Cor biểu diễn đánh trống
Hồ Văn Xu năm nay vừa tròn 41 tuổi, anh cũng không nhớ mình biết đánh chiêng từ lúc nào, “thấy các cụ chơi chiêng mình rất thích, thường lắng nghe, để ý cách các cụ đánh chiêng, đánh trống, phân biệt từng giai điệu rồi tập dần thành quen”. Nay anh đã có thể đánh thuần thục tất cả các bài từ cơ bản đến khó nhất, đặc biệt là tiết mục đấu chiêng. Anh cùng các nghệ nhân trong CLB Bảo tồn văn hóa dân tộc Cor ở xã Trà Thủy đi biểu diễn ở rất nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, tham gia truyền dạy văn hóa dân tộc cho các thế hệ trẻ…
Trong các tiết mục trình diễn có sự tham gia của anh Xu, người xem luôn bắt gặp một nghệ nhân trẻ với nụ cười tươi thường trực trên môi, dáng người chắc khỏe, say sưa uyển chuyển theo từng giai điệu mang âm hưởng đại ngàn.
Không chỉ giỏi đánh chiêng đánh trống, anh Xu còn rất chịu khó tìm tòi, học hỏi cách làm và tham gia cùng các bác, các cụ làm cây nêu, Gu bla trong mỗi dịp hội làng. Cây nêu trong lễ hội là một phần không thể thiếu, là văn hóa độc đáo của đồng bào; còn Gu bla là một trong ba công trình kiến trúc chính được dùng trong lễ Hiến trâu của người Cor Trà Bồng. Vì vậy, việc làm cây nêu và Gu bla được xem là cực kỳ quan trọng và thiêng liêng, đồng thời là nghệ thuật độc đáo được các thế hệ người Cor gìn giữ, lưu truyền. Nhưng nghệ thuật này rất khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ, sâu sắc, nên thường chỉ các cụ cao niên hoặc những người trẻ thực sự đam mê, nhiệt huyết, chịu khó nghiên cứu, học hỏi mới có thể thực hiện được.
“Trên cây nêu và Gu bla có rất nhiều hoa văn, họa tiết trang trí. Mỗi hoa văn, họa tiết đều biểu trưng cho một vật thể trong cuộc sống, nên mình phải hiểu thật kỹ mới làm được. Khó nhưng thấy nó rất hay nên mình học dần, mỗi năm học một ít, nay mình đã có thể vẽ hoa văn trên cây Gu bla” anh Xu cho hay.
Hiện anh Xu đang là công chức xã Trà Thủy, công việc hành chính bận rộn, nhưng với vai trò là thành viên CLB Bảo tồn văn hóa dân tộc Cor của xã, anh luôn tích cực trong các hoạt động truyền dạy cho thế hệ trẻ. Khi địa phương có các sự kiện văn hóa, anh lại cùng đoàn nghệ nhân trình diễn những tiết mục nghệ thuật đặc sắc. Với anh, đây chính là niềm vui, hạnh phúc và lẽ sống ở đời. “So với các thế hệ cha anh thì mình không thể sánh kịp, vì vậy, mỗi ngày mình đều không ngừng học hỏi, trau dồi thêm kỹ năng đánh chiêng, đánh trống, nghiên cứu sâu nghệ thuật dân tộc như làm cây nêu, Gu bla từ những bậc cao niên để có thể lưu truyền cái độc đáo, tinh hoa văn hóa dân tộc Cor cho con cháu mai sau”, anh Xu bày tỏ.
Theo Chủ tịch UBND xã Trà Thủy Hồ Văn Tự, anh Xu rất chịu khó nghiên cứu, tìm tòi, không chỉ đam mê một cách ngẫu hứng mà là cả một quá trình thu nạp và tích lũy kiến thức một cách có hệ thống, bài bản, khoa học từ đời sống văn hóa tâm linh, phong tục tập quán của đồng bào. “Với niềm đam mê trong tìm hiểu văn hóa cổ truyền, anh Hồ Văn Xu đã góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ, quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất quế Trà Bồng. Góp phần cùng với chính quyền địa phương và người dân bản địa làm sống lại những nét văn hóa đặc sắc và lưu giữ cho thế hệ mai sau”, ông Tự nhận xét.
NHƯ ĐỒNG và NHÓM P.V