Tết “Pây Tái” của người Tày ở Bắc Kạn
VHO - “Pây Tái” - tiếng dân tộc Tày có nghĩa là “về nhà vợ” hoặc “thăm nhà vợ”, Tết “Pây Tái” được diễn ra vào ngày rằm tháng 7. Đây là tục lệ của người Tày, là dịp để gia đình, dòng họ sum họp, con cái thể hiện lòng biết ơn, tình cảm và lòng hiếu thuận đối với cha mẹ, tổ tiên.
Hằng năm, cứ mỗi dịp rằm tháng 7 là anh Ma Văn Trinh (sinh năm 1990, thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) lại đưa vợ là chị Hứa Thị Thầm và con về nhà bố mẹ vợ để ăn Tết “Pây Tái”. Anh Trinh cho biết, “Pây Tái” được người Tày coi là Tết lớn thứ hai trong năm, sau Tết Nguyên đán. Mọi người nghỉ công việc để chuẩn bị sắm tết. Nhà anh Trinh làm dịch vụ homestay nhưng cũng không nhận khách vào những ngày này.
Theo tục lệ, Tết “Pây Tái” diễn ra từ ngày 10 - 15 tháng 7 âm lịch. Quà mang về tết nhà ngoại thường có nhiều món, tùy mỗi gia đình nhưng không thể thiếu con vịt đầu xanh, bánh gai, bánh tải và chai rượu trắng. Vào những ngày này, hầu như nhà nào cũng làm bánh gai, bánh tải. Bánh gai được làm bằng lá gai, nhân đậu xanh hoặc lạc. Còn bánh tải được làm từ củ chuối xay có nhân lạc.
Mâm cỗ cúng tổ tiên trong ngày rằm tháng 7 gồm có bánh gai, thịt vịt và hoa quả. Người Tày, Nùng có câu: “Bươn chiêng kin nựa cáy, bươn chất kin nựa pết” (Tết tháng Giêng ăn thịt gà, Tết tháng 7 ăn thịt vịt). Ngày Tết, cả gia đình quây quần bên mâm cơm ấm cúng thưởng thức những món ăn đặc sản của địa phương.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, SởVHTTDL tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Theo đó, sẽ tổ chức thực hiện chương trình nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thểcủa dân tộc Tày, Nùng, Dao tại các huyện Ba Bể, Chợ Đồn, Na Rì, trong đo có Tết “Pây Tái” của người Tày.