Sóc Trăng:

Truyền dạy “Nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc Ngũ âm” đồng bào Khmer

NGUYỄN VĂN DŨNG

VHO - Chiều 16.8, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng tổ chức khai giảng các lớp truyền dạy di sản văn hoá phi vật thể quốc gia về “Nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc Ngũ âm” của người Khmer, với sự tham gia của 80 học viên, nhạc công, diễn viên đang sinh hoạt tại các CLB văn hóa văn nghệ, các chùa Khmer trong tỉnh.

Truyền dạy “Nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc Ngũ âm” đồng bào Khmer - ảnh 1
Ông Lưu Thanh Hùng, Trưởng Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh phát biểu khai giảng

Hoạt động thuộc Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng năm 2024, theo Kế hoạch của Sở VHTTDL.

Được biết, nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc Ngũ âm của người Khmer được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật này cần thiết phải mở lớp truyền dạy cho thế hệ kế thừa, đây là một trong các giải pháp quan trọng hiệu quả và cấp thiết nhất.

Năm 2024, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng tiếp tục thực hiện truyền dạy 5 lớp về kiến thức cơ bản và kỹ năng trình diễn loại hình nhạc Ngũ âm cho các em học viên thuộc các CLB văn hóa văn nghệ, các chùa Khmer trong tỉnh, mỗi lớp 16 học viên.

Thời gian truyền dạy là 45 ngày, từ ngày 17.8 - 1.10.2024; tại 5 chùa gồm: Chùa Pem Buôl Thmây (TP Sóc Trăng), chùa Trà Tim Mới, chùa Trà Tim Giữa, chùa Cần Đước và chùa Nhu Gia, huyện Mỹ Xuyên.

Phát biểu tại khai giảng, ông Lưu Thanh Hùng, Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh đề nghị BTC tạo điều kiện thuận lợi nhất để lớp truyền dạy được triển khai thuận lợi và đạt hiệu quả cao.

Đối với giảng viên và các nghệ nhân, nhạc công truyền dạy cần hướng dẫn tận tình, chi tiết các thao tác, kỹ thuật, các bài bản, âm điệu,… với tất cả sự tận tâm, nhiệt huyết để giúp học viên tiếp thu kiến thức tốt nhất. Các học viên cần nghiêm túc chấp hành giờ giấc học tập, thực hiện tốt nội quy do BTC lớp đề ra, để đạt được kết quả tốt nhất.

Em Võ Trần Nhật Huy, sinh năm 2013, ấp Tâm Thọ, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, là một trong những học viên nhỏ tuổi nhất, đang sinh hoạt tại CLB văn nghệ chùa Trà Tim Giữa phấn khởi trong trang phục Khmer truyền thống đến với lớp học. Em chia sẻ rất vui mừng, vì lần đầu tiên được tham gia học lớp truyền dạy nhạc Ngũ âm.

Nhật Huy cho biết trước đây ở chùa, khi nhìn các anh lớn tuổi đánh nhạc em rất thích, nay thì em cũng được đi học nên rất vui và hứa sẽ học tập chăm chỉ, nghe theo lời của các cô, chú nghệ nhân truyền dạy.

Em Danh Quốc Dũng, sinh năm 2000, ấp Tâm Lộc, xã Đại Tâm, là nghệ nhân điêu khắc tượng phật và hoa văn Khmer, hiện đang sinh hoạt tại CLB văn nghệ chùa Trà Tim Mới bày tỏ: Là nghệ nhân điêu khắc nhưng em cũng rất đam mê nhạc Ngũ âm.

Danh Quốc Dũng cho biết em đăng ký tham gia lớp học để nắm cơ bản về nghệ thuật trình diễn, đồng thời mong muốn cùng mọi người gìn giữ và bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình.

Truyền dạy “Nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc Ngũ âm” đồng bào Khmer - ảnh 2
Đại biểu và học viên tại khai giảng

BTC cho biết thông qua các lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc Ngũ âm của người Khmer, nhằm đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp cho con em đồng bào dân tộc Khmer trong cộng đồng có thêm kiến thức cơ bản, hiểu biết hơn về loại hình nghệ thuật đặc sắc của đồng bào dân tộc mình.

Bên cạnh đó, hoạt động cũng nhằm để góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, từng bước hình thành sản phẩm văn hoá bền vững phục vụ phát triển du lịch ở địa phương.