Sắc màu thổ cẩm Nam Giang

KHÁNH CHI

VHO - Huyện miền núi Nam Giang (Quảng Nam) là nơi có đông đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Triêng, Tà Riềng, Ve… sinh sống, tập trung ở các xã La Dêê, Đắc Tôi, La Êê, Đắc Pring, Đắc Pre, Tà Bhing. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống được đồng bào nơi đây giữ gìn qua bao đời, tạo nên những trang phục rực rỡ sắc màu, góp phần làm đẹp thêm bức tranh văn hóa độc đáo của .

Sắc màu thổ cẩm Nam Giang - ảnh 1
Trang phục thổ cẩm trong đám cưới đồng bào Cơ Tu ở Nam Giang

Nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Cơ Tu (Quảng Nam) đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đây là cơ hội để tôn vinh, bảo tồn, phục hồi, phát triển nghề thủ công truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc.

Giữ nghề dệt thổ cẩm ở Zara

Làng dệt thổ cẩm Zara ở xã Tà Bhing vẫn còn bảo tồn nguyên vẹn những kỹ thuật dệt lâu đời của cộng đồng người Cơ Tu. Với nỗ lực bảo tồn, truyền nghề, sản phẩm thổ cẩm ở Zara ngày càng đa dạng, đẹp mắt, làng nghề trở thành một trong những điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách.

Đồng bào Cơ Tu ở Zara vẫn giữ nguyên cách làm cổ xưa, các công đoạn như trồng bông, gai, đay, xe sợi, nhuộm, dệt vải, tạo hoa văn, tra cườm, thêu, may trang phục đều được thực hiện bằng phương pháp thủ công, khép kín, do chính đồng bào ở làng tự tay chuẩn bị.

Dự án du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu được triển khai ở Nam Giang mang lại nhiều cơ hội để sản phẩm thổ cẩm tiếp cận khách, mở rộng thị trường. Du khách đến tham quan các điểm du lịch, trải nghiệm, xem nghệ nhân dệt thổ cẩm và thích thú khi mua sản phẩm do đồng bào Cơ Tu tạo nên từ những chiếc khung dệt đơn giản làm bằng các thanh gỗ, tre, nứa kết hợp lại.

Tại làng dệt Zara hiện có khoảng 40 sản phẩm như áo, khố, váy quấn, khăn choàng, tấm đắp, túi xách…, được đầu tư chú trọng về mẫu mã, chất lượng nên rất thu hút du khách. Sản phẩm của làng dệt Zara đã được công nhận OCOP 3 sao.

Phụ nữ Cơ Tu ai cũng biết dệt thổ cẩm từ bé, trong nhà bao giờ cũng có vài khung dệt để tự tay làm ra những trang phục trong đời sống hằng ngày cho các thành viên như váy yếm, khố, áo, tấm aduông và k’con địu con... Đặc biệt, kỹ thuật nhuộm chàm đã góp phần tạo nên nét độc đáo trên nền vải thổ cẩm Cơ Tu. Bông vải sau khi thu hoạch sẽ được phơi khô, quay tơ kéo thành sợi. Thân, lá của cây tà râm mọc rất nhiều trong rừng được tìm về giã nát, ngâm trong ché khoảng một tuần, vắt bã lấy nước nhuộm. Cùng với đó là vỏ ốc giã mịn, đốt thành tro; hạt ngô rang cháy đen, giã nát trộn cùng tro vỏ ốc. Tất cả hòa đều với nước cốt cây tà râm, lọc bỏ cặn rồi ngâm sợi bông trắng đã se thành sợi khoảng 10 ngày sẽ cho ra sợi vải màu chàm đặc trưng. Sợi vải khi ngâm chàm có mùi thơm dịu nhẹ, phơi khô lên màu rất sắc sảo và lâu phai. Theo quan niệm của đồng bào, phụ nữ mang thai không được tham gia quy trình tạo màu, nhuộm chàm sợi vải, nếu không sẽ bị hỏng, không lên màu.

Một trong những nét độc đáo của thổ cẩm chính là hoa văn cườm đính trên trang phục. Muốn dệt nên một chuỗi hoa văn cườm, người dệt phải cắt sợi ngang rồi tùy theo tưởng tượng, sáng tạo mà có cách chèn các hạt cườm vào cho phù hợp, hoa văn càng cầu kỳ, tinh xảo càng đòi hỏi người dệt phải thật sáng tạo, khéo léo, kiên trì.

Sắc màu thổ cẩm Nam Giang - ảnh 2
Trình diễn trang phục thổ cẩm truyền thống tại Liên hoan cồng chiêng Nam Giang 2024

Làm mới sản phẩm truyền thống

Cũng từ khi có thêm thu nhập từ việc dệt thổ cẩm, phục vụ khách tham quan và mua các sản phẩm làng nghề làm quà lưu niệm, các chị em ở làng Zara có thêm động lực để gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống. Các chị được tham gia nhiều lớp tập huấn để cải thiện thêm về mẫu mã, phối màu sắc, kỹ thuật cắt may… Các mặt hàng của làng nghề dệt Zara cũng được bày bán tại các hội chợ quảng bá sản phẩm địa phương, các sự kiện du lịch, văn hóa trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm thổ cẩm truyền thống ngày càng sáng tạo, độc đáo để có thể tiếp cận nhiều thị trường, thu hút du khách.

Tại liên hoan Âm vang cồng chiêng lần thứ VI vừa được huyện Nam Giang tổ chức, hoạt động trình diễn trang phục thổ cẩm truyền thống của đồng bào Cơ Tu, Ve, Tà Riềng… ngập tràn màu sắc đã thu hút sự quan tâm, cổ vũ nhiệt tình của đông đảo khán giả. Điều đặc biệt hơn là trên nền chất liệu thổ cẩm truyền thống, các trang phục được thiết kế tinh tế, tiếp thu, kế thừa, kết hợp có chọn lọc giữa các yếu tố hiện đại với vẻ đẹp truyền thống, dễ tiếp cận với thế hệ trẻ hơn.

Theo ông Trần Ngọc Hùng, Trưởng Phòng VH&TT huyện Nam Giang, trang phục thổ cẩm đã trở thành biểu tượng văn hóa đặc trưng của địa phương. Việc cách tân trang phục thổ cẩm không chỉ giúp quảng bá văn hóa của bà con mà còn khẳng định vị thế của thổ cẩm trong tương lai, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, thu hút sự chú ý của du khách, những người yêu thích thời trang, các nhà thiết kế, đồng thời tạo sức hấp dẫn với những người yêu thích tìm hiểu về văn hóa của đồng bào Quảng Nam nói chung, trên địa bàn huyện Nam Giang nói riêng.