Lễ trỉa lúa của người Brâu

NGỌC HÒA

VHO - Đối với người Brâu xưa ở làng Đắk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum), lễ trỉa lúa là một trong những nghi thức tâm linh quan trọng nhất của họ trong năm. Nhằm gìn giữ và phát huy giá trị các lễ hội văn hóa truyền thống độc đáo, ý nghĩa này, vừa qua Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum đã phục dựng lễ cúng trỉa lúa của người Brâu.

 Triển khai Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum đã giao Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum tiến hành phục dựng lễ cúng trỉa lúa của người Brâu. Là người trực tiếp tham gia công tác phục dựng lễ cúng trỉa lúa của người Brâu, Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum cho hay, đơn vị đã tiến hành khảo sát nhiều lần tại làng Đăk Mế, xã Pờ Y trước khi lên kế hoạch thực hiện. “Ngay từ đầu năm, đơn vị đã có những lần đi khảo sát tại cộng đồng dân tộc Brâu. Qua những lần đi này, đơn vị đã gặp gỡ thôn trưởng, già làng để thống nhất phục dựng lễ hội tiêu biểu trong cộng đồng”, ông Quang nói.

Lễ trỉa lúa của người Brâu - ảnh 1
Già làng A Duôn (ngoài cùng bên trái) cùng các vị cao tuổi trong làng làm lễ cúng cho hạt giống lên đều, mùa màng bội thu

Theo ông Quang, lễ trỉa lúa là một hoạt động dân gian tiêu biểu, phản ánh đậm nét đời sống tinh thần của người Brâu. Lễ thường được tổ chức vào tháng 4, tháng 5 khi mùa mưa bắt đầu. Đây là lễ hội đầu tiên trong năm của người Brâu, là phần lễ khởi đầu cho một vụ mùa, nên việc tổ chức lễ và cúng tế phải thể hiện được sự linh thiêng, trang trọng.

Trong quá trình chuẩn bị phục dựng lễ cúng trỉa lúa, già làng A Duôn thôn Đăk Mế cho biết, lễ vật bà con chuẩn bị cho lễ gồm trâu, lợn, gà và những hạt giống dùng để gieo trồng trong vụ mới. Thông qua lễ hội, người dân gửi gắm ước nguyện của con người đến thần linh, mong ước một vụ bội thu, thóc lúa đầy kho và dân làng được khỏe mạnh. Già làng A Duôn cho biết thêm, lễ thường kéo dài 3 ngày. Sau khi rẫy được phát dọn, hạt giống được dân làng chuẩn bị đầy đủ, dân làng tề tựu về nhà rông, nghe già làng chọn ngày làm lễ và phân công nhiệm vụ.

Sau khi các công đoạn đã chuẩn bị xong, vật hiến sinh được lần lượt đưa đến vị trí hiến tế, già làng A Duôn khấn nguyện đến thần linh: “Ơ Thần suối H’niêng, đồi M’nú, các thần linh gần xa về chứng kiến. Hôm nay dân làng làm lễ cúng lúa mới, xin các thần phù hộ cho cây lúa trên rẫy khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, cây lúa đẻ nhiều con, nở nhiều bông. Cầu thần trời, thần đất phù hộ cho hồn lúa ở lại với dân làng đừng đi xa. Ơ Thần suối H’niêng, đồi M’nú, các thần linh gần xa, nay dân làng có con trâu, con dê, con lợn, con gà, rượu ghè cho yang đây. Tạ ơn yang đã chấp thuận lời cầu xin của dân làng cho cây lúa lên tốt, nở nhiều bông, ra nhiều hạt sau này tuốt được nhiều lúa, đựng được đầy kho, ăn lâu không hết”.

Trong lễ cúng trỉa lúa, cũng như các lễ hội khác, thủ tục cúng Chiêng Tha và mời Tha ăn là quan trọng nhất, vì người Brâu cho rằng Chiêng Tha không chỉ là nhạc khí mà còn là thần linh, là tổ tiên của họ.

Sau phần lễ là phần hội diễn ra tưng bừng, vui vẻ với sự tham gia của cả cộng đồng. Không gian lễ cúng trỉa lúa rộn rã trong nhịp trống, tiếng cồng chiêng, tiếng đàn đing put, dân ca, dân vũ... những cô gái Brâu khoác trên mình bộ trang phục truyền thống uyển chuyển trong các điệu múa cùng các chàng trai bên ché rượu cần. Tất cả hòa quyện, tạo nên một lễ hội đậm bản sắc văn hóa.

Ông Thao La, người có uy tín ở làng Đăk Mế chia sẻ, dù vui hội đến đâu thì trong buổi chiều của ngày lễ chính, chủ các gia đình vẫn đem hạt giống lên rẫy, trỉa một ít hạt làm phép. Trong quá trình trỉa hạt, chủ nhà khấn xin các thần linh phù hộ cho hạt giống lên đều, con chim, con chuột không ăn mất hạt.

Sau hai ngày lễ hội, già làng sẽ gói các hạt giống đã cúng tế chia cho các gia đình về làm phép. Những hạt giống đó được mang về trộn chung với hạt giống của mỗi gia đình, sau đó họ đem đi trỉa đại trà trên rẫy. Lễ hội khép lại mang theo niềm vui, sự hân hoan đón chờ một vụ mùa mới.

Theo ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Kon Tum, đây là một trong những lễ hội nông nghiệp có ý nghĩa trong cuộc sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người Brâu nhằm mục đích bảo tồn lại các giá trị văn hóa truyền thống.