Người gìn giữ, quảng bá di sản văn hóa và đoàn kết cộng đồng trong “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam
VHO - Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang tính quốc gia, nơi tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam.
Các hoạt động tại Làng góp phần tăng cường tình đoàn kết, sự hiểu biết lẫn nhau, giáo dục lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước của công dân Việt Nam; tăng cường tình hữu nghị, hợp tác và trao đổi văn hóa với các dân tộc trên thế giới; phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch và nghiên cứu của nhân dân trong nước và du khách quốc tế.
Hàng năm, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức: “Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”; “Chào mừng Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19.4”; Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam”.
Đây là các sự kiện có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, góp phần hiện thực hóa chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và chính sách Đại đoàn kết toàn dân tộc
Với chủ trương “để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình”, từ cuối năm 2015, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã phối hợp với các địa phương trong cả nước huy động theo hình thức luân phiên đồng bào các dân tộc về tham gia hoạt động, đến nay đã có hàng nghìn lượt đồng bào của 16 dân tộc luân phiên về hoạt động thường xuyên tại Làng.
Đồng bào về sinh sống tại Làng đã góp phần tạo sự sinh động, sức sống, màu sắc và nét riêng có cho từng ngôi làng, cùng với các hoạt động, sự kiện hàng ngày, hàng tháng, thường niên, tổ chức tái hiện nhiều lễ hội, phong tục tập quán, ẩm thực dân gian, dân ca dân vũ…Thông qua đó, lan tỏa ý thức bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống, tính gắn kết cộng đồng và tinh thần đại đoàn kết giữa các dân tộc.
Đến với ngôi Làng đặc biệt này chúng ta không thể không nhắc tới người phụ nữ dân tộc Xơ-đăng. Đó là Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Y Sinh, sinh ra và lớn lên ở làng Đắk Giá, xã Đắk Ang, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
Với dáng người nhỏ bé nhưng tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết trong việc bảo tồn, giữ gìn, quảng bá nét văn hóa truyền thống. Từ tình yêu đặc biệt với cây đàn Klông pút, lo sợ nguy cơ “biến mất” của đàn Klông pút, NNƯT Y Sinh đã đứng ra truyền dạy cho thế hệ trẻ để bảo tồn nét văn hóa của dân tộc mình.
Hơn 6 năm gắn bó với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, NNƯT Y Sinh đã hàng ngày biểu diễn, giới thiệu nét văn hóa bản địa, hướng đẫn cho du khách cách đánh đàn với mong muốn những giai điệu của đại ngàn Tây Nguyên sẽ mãi lưu truyền trong đời sống để quảng bá nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Xơ Đăng. NNƯT Y Sinh dành thời gian tự học và chơi đàn T’rưng, đàn Klông pút… sử dụng thành thạo các nhạc cụ tre nứa, thuộc rất nhiều điệu múa, khúc ca của người Xơ Đăng.
Ngoài việc hằng ngày trình diễn, giới thiệu, quảng bá văn hóa của người Xơ-đăng NNƯT Y Sinh còn làm Trường Ban Đoàn kết Cộng đồng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Với lòng nhiệt huyết trong việc bảo tồn và quảng bá nét văn hóa truyền thống NNƯT Y Sinh đã cùng 16 nhóm nghệ nhân đồng bào dân tộcbao gồm: Tày, Nùng (Thái Nguyên), Dao (Tp. Hà Nội), Mông (Hà Giang), Mường (Hòa Bình), Thái, Lào, Khơ Mú (Sơn La), Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế), Ba Na, Gia Rai (Gia Lai), Xơ Đăng (Kon Tum), Raglai (Ninh Thuận), Ê Đê (Đắk Lắk), Khmer (Sóc Trăng). Hằng ngày hằng giờ không ngừng học hỏi đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc, cùng nhau giới thiệu, trình diễn phát huy giá trị của văn hóa dân tộc mình, phục vụ hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, học tập và khám phá tại “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc Việt Nam. Tôn vinh truyền thống đại đoàn kết các dân tộc thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.