Bắc Kạn:

Phát triển du lịch trên nền các giá trị văn hóa

MINH THU - MẠNH CƯỜNG

VHO - Hơn ba năm qua, nguồn lực từ Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” đã và đang tạo động lực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn.

Phát triển du lịch trên nền các giá trị văn hóa - ảnh 1
Thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm là nơi sinh sống của 36 hộ đồng bào Sán Chỉ với không gian đậm bản sắc văn hóa

Từ năm 2023, với nguồn lực của Dự án 6, chính quyền huyện Pác Nặm đã triển khai xây dựng Làng du lịch cộng đồng tại thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố - nơi sinh sống của 36 hộ đồng bào Sán Chỉ với không gian đậm bản sắc văn hóa. Để triển khai nội dung này, huyện Pác Nặm đã dành nguồn lực đầu tư đường giao thông, điện lưới, các công trình phúc lợi xã hội; hỗ trợ và hướng dẫn 5 hộ dân kinh doanh dịch vụ homestay; thực hiện trồng rau sạch, chăn nuôi để phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Pác Nặm, thông qua hình thức xã hội hóa, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ kinh doanh theo mô hình homestay chăn, màn, đệm… Với quan điểm chung tay thúc đẩy du lịch phát triển gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho người dân địa phương.

Trong thời gian qua, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh Bắc Kạn đặc biệt chú trọng phát huy giá trị các di sản văn hóa trong phát triển du lịch; quan tâm, xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với các di sản văn hóa với việc phát triển các tour du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch cộng đồng tại các bản làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này đã góp phần mang lại giá trị kinh tế, đồng thời bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh Bắc Kạn.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn văn hóa để phát triển du lịch, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ cho các địa phương bảo tồn, lưu giữ kiến trúc nhà ở truyền thống; tạo điều kiện cho việc xây dựng các cơ sở lưu trú du lịch mang đậm bản sắc. Tại các thôn bản văn hóa du lịch, chính quyền và đồng bào dân tộc thiểu số đã đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng; các hợp tác xã du lịch cộng đồng được khuyến khích phát triển, với mô hình kinh doanh gắn kết giữa du lịch trải nghiệm văn hóa và nông nghiệp...

Đơn cử như, khách du lịch có thể tham gia trải nghiệm trồng và thu hoạch bí xanh thơm, khám phá những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Dao tại xã Yến Dương, huyện Ba Bể; khám phá vườn dâu tây và thưởng thức những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số xung quanh vùng Hồ Ba Bể tại thôn Cọn Poỏng, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn…

Theo báo cáo của Sở VHTTDL tỉnh Bắc Kạn, để triển khai hiệu quả Dự án 6, từ đầu năm đến nay đơn vị đã phối hợp với các cơ quan, các địa phương tổ chức 1 cuộc Liên hoan dân vũ và nhảy flashmob; tổ chức 1 chương trình biểu diễn di sản văn hóa phi vật thể; xây dựng 6 đội văn nghệ tuyên truyền cổ động cơ sở; thực hiện 845 buổi chiếu phim phục vụ Nhân dân; tổ chức 80 buổi tuyên truyền đưa thông tin vềcơ sở, cung cấp 371 cuốn sách đến các Thư viện Trường tiểu học trên địa bàn các huyện…

Có thể khẳng định, trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, tỉnh Bắc Kạn đã và đang từng bước thể hiện rõ vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam. Đặc biệt, với nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719, tỉnh Bắc Kạn đang có nhiều cơ hội để hiện thực hóa điều này, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số và tạo động lực quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.