Bắc Kạn: Thực hiện nhiều giải pháp cho phát triển du lịch cộng đồng
VHO - Ngày 6.6, Tỉnh đoàn Bắc Kạn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực phát triển du lịch nông thôn bền vững gắn với bảo tồn văn hóa, tham gia xây dựng nông thôn mới.
Dự Hội nghị tập huấn có ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Phát triển du lịch châu Á, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, lãnh đạo Tỉnh đoàn cùng 50 đoàn viên, thanh niên là chủ hợp tác xã, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Trần Công Luân cho biết, xác định nhiệm vụ đồng hành với doanh nghiệp trẻ, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh thanh niên trong khởi nghiệp, ổn định sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh niên, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, tổ chức nhiều hoạt động đồng hành và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp như hỗ trợ vay vốn từ nguồn vốn giải quyết việc làm, hỗ trợ thành lập hợp tác xã, tham gia Chương trình OCOP, tổ chức Cuộc thi dự án khởi nghiệp và các lớp tập huấn…
Tại Hội nghị tập huấn lần này, đoàn viên thanh niên được trang bị các kiến thức, kỹ năng về xu hướng du lịch và lưu trú mới, kỹ năng tổ chức hoạt động trải nghiệm du lịch, vận hành quản lý mô hình du lịch nông thôn, đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng, địa phương…
Sau khi kết thúc nội dung tập huấn, các học viên được đi thực tế, học tập kinh nghiệm tại Khu bảo tồn Làng Nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên để được trải nghiệm, học hỏi thêm các kiến thức thực tế.
Qua những nội dung, kiến thức được truyền tải tại chương trình tập huấn sẽ giúp hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, các dịch vụ du lịch thanh niên học tập được nhiều kinh nghiệm, kiến thức thực tế phát triển du lịch, từ đó, vận dụng xây dựng những mô hình du lịch đẹp, thú vị, chuyên nghiệp, đồng thời phát huy thế mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đem lại doanh thu, lợi nhuận, giải quyết được nhiều việc làm cho địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Trước đó, Sở VHTTDL tỉnh Bắc Kạn đã có kế hoạch tiênr khai thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” và Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc và miền núi giai đoạn 2021-2025, trong đó có nội dung hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc và miền núi.
Để phát triển du lịch một các chuyên nghiệp, tỉnh sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng phục vụ khách du lịch (cho đối tượng cộng đồng dân tộc tại các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh). Nội dung tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch, giúp bà con hiểu về du lịch cộng đồng; các kỹ năng cơ bản về tiếp đón, phục vụ khách du lịch, văn hóa giao tiếp ứng xử; các kỹ năng phục vụ buồng, bàn, bếp và chế biến các món ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ khách lưu trú
Bà con cũng được hướng dẫn cách xử lý tình huống trong quá trình hoạt động phục vụ khách du lịch; kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào quảng bá hình ảnh cơ sở mình và du lịch địa phương; thực hành thực tế tại mô hình điểm du lịch cộng đồng ngoài tỉnh. Bồi dưỡng tiếng Anh cơ bản trong giao tiếp cơ bản với khách nước ngoài; hướng dẫn đón tiếp và hướng dẫn khách nước ngoài khi đến thăm quan thôn bản…
Ông Trần Đình Thất, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Kạn cho biết, Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND ngày 23.10.2023 của HĐND tỉnh thí điểm hỗ trợ phát triển điểm du lịch cộng đồng gồm: thôn Khuân Bang (xã Như cố, Chợ Mới); thôn Cọn Poỏng (xã Nam Cường, Chợ Đồn) và thôn Bản Chiêng (xã Đôn Phong, Bạch Thông) với 5 nội dung chính sách.
Trong đó, hỗ trợ không quá 3 tỷ đồng/điểm du lịch với nội dung đầu tư cơ sở vật chất và phát triển điểm du lịch; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch, trong thời gian tối đa 6 tháng, 1,5 triệu đồng/người/tháng và không quá 15 người/điểm du lịch; trong 3 năm, hỗ trợ không quá 150 triệu đồng/điểm du lịch/năm đối với nội dung công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; hỗ trợ kinh phí phát triển sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc tạo sản phẩm lưu niệm, quà tặng đặc trưng phục vụ khách du lịch…
Theo Phó Giám đốc Sở VHTTDL, đến nay, các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn đang xây dựng kế hoạch thực hiện nội dung hỗ trợ của Nghị quyết theo quy định. UBND huyện Chợ Mới đang liên hệ đơn vị tư vấn về không gian cảnh quan để từ đó xây dựng kế hoạch quy hoạch chi tiết điểm du lịch thôn Khuân Bang.
Huyện chỉ đạo UBND xã thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, định hướng các hộ dân làm du lịch, thành lập Ban Quản lý điểm du lịch cộng đồng tại thôn Khuân Bang. Đồng thời, chỉ đạo các phòng chuyên môn hướng dẫn xã quản lý đất đai, vệ sinh môi trường phục vụ phát triển du lịch, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Hỗ trợ xây dựng đội văn nghệ truyền thống phục vụ phát triển du lịch tại thôn Khuân Bang và tổ chức đưa các hộ dân đi tham quan học tập mô hình phát triển du lịch tại điểm du lịch Mỏ Gà (xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên)...
Với tài nguyên phong phú, đa dạng, Bắc Kạn xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Với sự quan tâm, đầu tư cụ thể, Bắc Kạn sẽ thúc đẩy hoạt động du lịch tại các địa phương có tiềm năng phát triển, từng bước tạo sinh kế bền vững cho người dân, góp phần hình thành đa dạng sản phẩm du lịch của tỉnh.