Đắk Lắk:

Phát huy di sản văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch

THANH SÁNG

VHO - Chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2.9.1945-2.9.2024), hướng tới kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22.11.1904-22.11.2024), trong hai ngày 31.8 và 1.9 tại thành phố Buôn Ma Thuột, Sở VHTTDL tổ chức khai mạc Liên hoan văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 3 năm 2024.

Phát huy di sản văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch  - ảnh 1
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung và Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh trao cờ lưu niệm cho các đoàn tham gia Liên hoan

Liên hoan cũng là dịp để nghệ nhân, diễn viên quần chúng trên địa bàn tỉnh gặp gỡ, giao lưu văn hóa cồng chiêng, học tập kinh nghiệm, tăng cường tinh thần đại đoàn kết giữa 49 dân tộc anh em, cùng chung tay, góp sức trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Diễn ra trong hai ngày tại Khu du lịch sinh thái cộng đồng KoTam và Buôn du lịch cộng đồng Ako Dhông (thành phố Buôn Ma Thuột), Liên hoan có sự tham gia của gần 600 nghệ nhân, diễn viên quần chúng đến từ 13 đoàn thuộc 13 huyện, thị xã, thành phố.

Phát huy di sản văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch  - ảnh 2
Trao tặng quà cho các nghệ nhân tiêu biểu

Các đoàn trình diễn cồng chiêng, phục dựng nghi lễ, lễ hội, kết hợp dân vũ, diễn tấu chiêng và các nhạc cụ dân tộc, hát dân ca, hát đối đáp... Liên hoan tạo nên bữa tiệc âm nhạc cồng chiêng đặc sắc, độc đáo nhằm phục vụ đông đảo người dân, du khách yêu văn hóa dân tộc truyền thống đến với tỉnh Đắk Lắk trong dịp Quốc khánh 2.9 năm nay.

Các đoàn trình diễn những bài chiêng truyền thống trong các nghi lễ, lễ hội của các dân tộc Tây Nguyên, khuyến khích kết hợp với múa xoang; trình diễn các loại nhạc cụ dân tộc (độc tấu hoặc hòa tấu); trình diễn dân ca, dân vũ, trong đó khuyến khích phần đệm sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc như: Đing Năm, Đinh Tút, Đàn T’Rưng, Goong, Brố... nguyên bản hoặc cải tiến; trình diễn giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống có giá trị đặc sắc tiêu biểu gắn với văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Phát huy di sản văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch  - ảnh 3
Các đoàn trình diễn tại Liên hoan

Thông qua liên hoan, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ, đội cồng chiêng tiêu biểu, nòng cốt ở khắp các địa phương, góp phần bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Các tiết mục có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ và tình yêu quê hương đất nước, truyền thống đoàn kết đấu tranh kiên cường, bất khuất của các dân tộc trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, trong lao động sản xuất, xây đựng đời sống kinh tế, văn hóa xã hội hiện nay…

Phát huy di sản văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch  - ảnh 4

Liên hoan Văn hóa cồng chiêng là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND, ngày 1.12.2021 của HĐND tỉnh về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng  gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp theo.

Từ khi Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh là Kiệt tác truyền khẩu và ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (ngày 25.11.2005) đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chủ trương, giải pháp và tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, gắn với phát triển du lịch.

Phát huy di sản văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch  - ảnh 5

Theo đó, 19 năm qua, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành 5 nghị quyết về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh. Trong đó, hiện tại đang thực hiện Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND, ngày 17.12.2021 của HĐND tỉnh về "Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2022-2025”, qua đó góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, tích cực thực hiện nội dung cam kết trong Hồ sơ đệ trình với Tổ chức UNESCO về bảo tồn và phát huy Di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên gắn với phát triển du lịch.

Phát huy di sản văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch  - ảnh 6

UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo, giao các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan phối hợp thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về việc triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh và nội dung cam kết trong Hồ sơ đệ trình với Tổ chức UNESCO, nhằm hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết của HĐND tỉnh đã đề ra; giữ gìn, bảo tồn, khai thác và phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; từng bước khôi phục không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.

Thực hiện Quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk năm 2020, định hướng đến năm 2030, ngày 13.8.2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND về “Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021-2025".

Phát huy di sản văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch  - ảnh 7
Biểu diễn cồng chiêng phục vụ du khách

Trong đó tỉnh Đắk Lắk xác định triển khai xây buôn du lịch cộng đồng mẫu tại buôn Akô Dhông để nhân rộng ra 15 buôn trong tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn triển khai dự án “Hỗ trợ phát triển khu vực biên giới” từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 10 tỉ 630 triệu đồng để đầu tư phát triển du lịch cộng đồng.

Đồng thời, từ năm 2022 đến nay, Đắk Lắk thí điểm phát triển du lịch nông thôn tại 3 buôn: Buôn Ja, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông; buôn Tring, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ; buôn Yang Lành, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn với tổng kinh phí thực hiện là 3,34 tỉ.

Để bảo tồn văn hóa cồng chiêng, gắn với phát triển du lịch, tỉnh Đắk Lắk đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% buôn đồng bào dân tộc thiểu số có đội chiêng và đội văn nghệ; 100% huyện, thị xã, thành phố tổ chức phục dựng được các nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với hoạt động bảo tồn văn hóa cồng chiêng; 100% các trường phổ thông dân tộc nội trú tổ chức hoặc tham gia hoạt động ngoại khóa về văn hóa cồng chiêng”, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.