Đắk Lắk:
Triển khai dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện Ea Kar
VHO - Từ ngày 13 – 28.8.2024, tại Buôn Ea Rớt, xã Cư Elang, huyện Ea Kar, Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk đã mở lớp hướng dẫn biên tập, dàn dựng, tổ chức biểu diễn chương trình văn nghệ cho câu lạc bộ, đội văn nghệ truyền thống của buôn Ea Rớt, xã Cư Elang.
Đây là chương trình trong Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” (Dự án 6) thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tham dự lớp học có 30 học viên là những thành viên nòng cốt trong đội văn nghệ truyền thống của buôn Ea Rớt, là những anh, chị người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, yêu thích và tập luyện các làn điêu dân vũ và đánh Cồng chiêng, múa xoan, nhằm gìn giữ bản sắc của dân tộc bản địa.
Tại lớp học, các học viên được Nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân cùng các cán bộ thuộc Phòng nghiệp vụ của Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk hướng dẫn về phương pháp xây dựng hoàn thiện một chương trình văn nghệ để phục vụ, biểu diễn tại những ngày Lễ của địa phương tổ chức; tập truyền dạy đánh chiêng; múa xoan và tấu sáo…
Thông qua lớp học, những thành viên của đội văn nghệ buôn Ea Rớt sẽ là những lực lượng nòng cốt đảm nhận việc tập luyện và biểu diễn những tiết mục văn nghệ đặc sắc, những làn điệu Chiêng cổ được phát huy và lưu truyền.
Nằm về phía Đông - Nam của tỉnh Đắk Lắk, huyện Ea Kar là nơi hội tụ của 28 dân tộc, 16 đơn vị hành chính với gần 170 ngàn nhân khẩu, cùng sinh sống lập nghiệp ở 220 thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó có 30 buôn đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 31,1% tổng số dân toàn huyện, mỗi dân tộc có bản sắc riêng, gắn với hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc.
Bên cạnh đó, Ea Kar còn là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, những năm chiến tranh, nơi đây có những căn cứ kháng chiến, điển hình là Buôn Trưng, xã Cư Bông là một căn cứ cách mạng nổi tiếng thời chống Mỹ, đang được giữ gìn và xây dựng thành khu văn hoá lịch sử, những yếu tố đó cấu thành tiềm năng cho phát triển du lịch văn hóa.
Ông Cao Việt Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ea Kar cho biết, cùng với việc đầu tư nguồn lực xây dựng thiết chế văn hóa cho các thôn, buôn, tổ chức các lớp dạy cồng chiêng, dệt thổ cẩm, phục dựng các nghi lễ truyền thống, huyện Ea Kar đã đặc biệt quan tâm tổ chức các ngày hội, liên hoan văn hóa cồng chiêng, hội thi trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số, giải đua thuyền… Qua đó, vừa làm tốt công tác bảo tồn, vừa phát huy hiệu quả “sức mạnh mềm” trong quảng bá, thu hút du khách đến Ea Kar.
Các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc đồng thời nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn huyện đến với người dân và du khách trong và ngoài huyện, góp phần tăng cường giao lưu, phát triển du lịch trên nền tảng của văn hóa đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, thể thao của quần chúng nhân dân; thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó, giao lưu, học hỏi của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn huyện; xây dựng đời sống văn hóa cơ sở lành mạnh, tiến bộ. Qua đó, từng bước thực hiện các mục tiêu, cụ thể hóa Chương trình số 59 của Huyện ủy Ea Kar về thực hiện Nghị quyết số 33 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về “Xây dựng và phát triển Văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Nghị quyết 98 của HĐND huyện về phát triển du lịch huyện Ea Kar đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 06 của Ban thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình số 11 của Huyện ủy Ea Kar về việc phấn đấu xây dựng huyện Ea Kar trở thành thị xã trước năm 2025.