Bình Phước:

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

NGỌC KHANH - MINH TUỆ

VHO - Thực hiện thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, thời gian vừa qua tỉnh Bình Phước đã triển khai nhiều chương trình hiệu quả.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch - ảnh 1

Phục dựng Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào S’Tiêng tại huyện Bù Đăng

Hiện trên địa bàn tỉnh có 40 dân tộc thiểu số, chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh. Các thôn, ấp đều có câu lạc bộ, đội, nhóm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian duy trì thường xuyên, có chất lượng, ước đạt trên 90%. Giai đoạn 2021-2023, trên địa bàn tỉnh rà soát lập hồ sơ đối với 119 lễ hội truyền thống và 25 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào S’tiêng, M’nông, Khmer để bảo tồn, phát huy. Trong đó, 5/7 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục di sản quốc gia. Đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, trước cơ chế của nền kinh tế thị trường, văn hóa truyền thống của đồng bào S’tiêng, M’nông và Khmer bị suy giảm, một số hoạt động văn hóa trong cộng đồng dần bị mai một.

Nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tích hợp, lồng ghép các nguồn lực thực hiện hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành Kế hoạch số 147/KH-UBND về thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch - ảnh 2
Bình Phước chú trọng bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch cũng chú trọng công tác bảo tồn văn hoá gắn với phát triển du lịch. Theo đó, trong năm 2024 sẽ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; xây dựng các mô hình văn hóa truyền thống; các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại thôn, ấp vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ đội văn nghệ được thành lập tại nhà văn hóa - khu thể thao các thôn, ấp; hỗ trợ trang thiết bị cho nhà văn hóa - khu thể thao tại các thôn, ấp; hỗ trợ chống xuống cấp di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn, ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phục dựng lễ hội tiêu biểu thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thực hiện đầu tư bảo tồn thôn, ấp truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch…

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch - ảnh 3

Một tiết mục múa của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước

Đồng thời, hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở; hỗ trợ, tạo điều kiện cho người có uy tín trong cộng đồng làm hạt nhân chính trị, nòng cốt ở cơ sở trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Là cơ quan chủ trì thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, Sở VHTTDL tỉnh Bình Phước đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương, địa phương thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học về bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số như: Tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể của người S’Tiêng; thực hiện dự án “Ứng xử đối với môi trường tự nhiên của người S’Tiêng”; dự án “Tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể của người Khmer”; sưu tầm phục vụ trưng bày nhà dài truyền thống tại di tích Bom Bo (huyện Bù Đăng); sưu tầm hiện vật về văn hóa truyền thống của người M’nông Bình Phước; dự án “Phục dựng lễ hội lập làng mới của người S’Tiêng Bình Phước”; dự án “Phục dựng lễ hội Phá Bàu của người Khmer Bình Phước”; dự án “Phục dựng lễ hội Xuống đồng của người Khmer Bình Phước”; dự án “Nghiên cứu, khảo sát và định dạng âm nhạc của người S’Tiêng Bình Phước”; dự án "Phục dựng Lễ hội kết bạn của cộng đồng người M’nông"...

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch - ảnh 4

Câu lạc bộ hát then, đàn tính

Các hoạt động lễ hội của đồng bào các dân tộc được tỉnh quan tâm, tổ chức thường xuyên như: Mừng lúa mới của đồng bào S’tiêng, Lễ Sen Đônta, Tết Chol Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, Tết Ramwan của đồng bào Chăm.

Hoạt động nghiên cứu, sưu tầm những câu chuyện kể dân gian, bài hát ru, hát sắc bùa, kèn lá, kèn ống, múa lân, cồng chiêng, làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo sưu tầm, tổng kết thực tiễn để đề xuất chính sách bảo tồn và phát triển. Hàng năm, tỉnh tổ chức các hoạt động: Liên hoan Cồng chiêng, thi hát dân ca và các trò chơi dân gian... Các câu lạc bộ đàn tính, hát then thường xuyên tổ chức giao lưu, biểu diễn, truyền dạy cho thế hệ trẻ. Các lễ hội dân gian như lễ hội biểu diễn cồng chiêng, lễ hội té nước cầu mưa, cầu phước, hát múa lâm thôn, lễ hội Phá Bàu của dân tộc Khmer được duy trì.

Song song với công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số và gắn với phát triển du lịch, Sở còn xây dựng mô hình Du lịch nghỉ dưỡng theo phương pháp thảo dược của người dân tộc M’nông và S’tiêng tại vùng đệm Vườn Quốc gia Bù Gia Mập; tặng hai bộ đàn đá (phiên bản bộ Đàn đá Lộc Hòa - Bảo vật Quốc gia) phục vụ phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới tại hai điểm du lịch Phú Gia và Thanh Tùng (huyện Hớn Quản).

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch - ảnh 5

Bình Phước là tỉnh đầu tiên tại miền Nam tổ chức Hội nghị văn hóa cấp tỉnh (ngày 11.8.2023)

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 45 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia, 28 di tích cấp tỉnh và 6 di sản văn hóa đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tính đến nay, đã có 4 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, tỉnh cũng đã phục dựng được 8 lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số…

Phát huy kết quả đạt được, Bình Phước tiếp tục khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh tổ chức bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; đồng thời, xây dựng chính sách và hỗ trợ Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận.

Tỉnh còn hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tổ chức giao lưu, liên hoan về các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.