Bình Phước:
Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững vùng đồng bào DTTS
VHO - Ngày 23.4.2024, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 147/KH-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTSMN) trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tích hợp, lồng ghép các nguồn lực thực hiện hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTSMN.
Trong đó, kế hoạch cũng đã đề cập cụ thể việc thực hiện Dự án 6 về bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cụ thể, phấn đấu trong năm 2024 tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; xây dựng các mô hình văn hóa truyền thống; các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại thôn, ấp vùng DTTSMN; hỗ trợ đội văn nghệ được thành lập tại Nhà văn hóa - Khu thể thao các thôn, ấp; hỗ trợ trang thiết bị cho Nhà văn hóa - Khu thể thao tại các thôn, ấp; hỗ trợ chống xuống cấp di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu vùng đồng bào DTTSMN; xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn, ấp vùng đồng bào DTTSMN; hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu thuộc vùng đồng bào DTTSMN, phục dựng lễ hội tiêu biểu thuộc vùng đồng bào DTTSMN; thực hiện đầu tư bảo tồn thôn, ấp truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch…
Đồng thời, hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở; hỗ trợ, tạo điều kiện cho người có uy tín trong cộng đồng làm hạt nhân chính trị, nòng cốt ở cơ sở trong vùng đồng bào DTTSMN.
Liên quan đến nội dung này, trước đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 164/KH-UBND về thực hiện Chương trình Bảo tồn và Phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bình Phước, giai đoạn 2021-2025.
Kế hoạch đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm cho các sở, ban, ngành, địa phương. Đó là, gắn phát triển kinh tế với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển văn hóa - du lịch trong thời kỳ hội nhập nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay.
Phát triển các mô hình du lịch cộng đồng; khai thác hợp lý, có hiệu quả tài nguyên tự nhiên trong các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ phát triển du lịch, đảm bảo không làm tổn hại đến cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Phát triển các loại hình du lịch gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch xanh...
Cùng với đó, là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh về di sản văn hóa đồng bộ với quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, đảm bảo đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi. Triển khai đồng bộ các hoạt động gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa trước những tác động của đời sống xã hội hiện đại; từng bước khôi phục các giá trị văn hóa trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 2023-2025, nhiệm vụ cụ thể là đầu tư tu bổ, tôn tạo, tu sửa cấp thiết, chống xuống cấp di tích; chỉnh trang trưng bày, nâng cấp hệ thống trưng bày bảo tàng; bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể; tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành di sản văn hóa; xã hội hóa nguồn lực thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; số hóa di sản văn hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Cũng tại Kế hoạch này, UBND tỉnh yêu cầu cần phải xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành, địa phương trong quá trình triển khai các nội dung của kế hoạch. Rà soát và lựa chọn các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu; các di tích cách mạng - kháng chiến quan trọng, tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; các di tích khảo cổ, di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh có giá trị bị xuống cấp đề xuất Bộ VHTTDL xem xét, lựa chọn đầu tư tu bổ, tôn tạo.
Đồng thời, đầu tư thực hiện chống xuống cấp đối với các di tích cấp tỉnh có giá trị đang xuống cấp hoặc có nguy cơ xuống cấp; bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể có giá trị trên địa bàn tỉnh có nguy cơ mai một. Chỉnh trang nội dung trưng bày, nâng cấp trang thiết bị và hệ thống trưng bày tại bảo tàng để đáp ứng nhu cầu về bảo quản, lưu giữ hiện vật; phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan của nhân dân.