Chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Bình Phước

VHO- Nhằm đề ra các nhiệm vụ và giải pháp mang tính đột phá, tạo chuyển biến tích cực trong công cuộc chấn hưng, phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ mới, lần đầu tiên Bình Phước tổ chức Hội nghị văn hóa với quy mô lớn.

Chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Bình Phước - Anh 1

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu tham quan di sản văn hóa Bình Phước

 Tại hội nghị, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết, hiến kế cho công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước. GS.TS Cao Việt Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương cho rằng, phát triển văn hóa các cộng đồng tộc người ở Bình Phước trước hết phải phát triển con người về nhân cách và đạo đức nhằm giúp cho mỗi gia đình, mỗi con người phát triển hoàn thiện hơn cả về trí, thể và mỹ. Khi con người có trí tuệ, đạo đức và nhân cách thì nhận thức về vị trí và vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội sẽ được nâng cao; ý thức bảo tồn văn hóa, sáng tạo và phát triển văn hóa của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng sẽ phát triển và nâng cao.

Ở chiều ngược lại, văn hóa phát triển sẽ góp phần vun bồi nhân cách đạo đức, trí tuệ và sức sáng tạo của mỗi cá nhân, cộng đồng. Với 41 dân tộc anh em đang sinh sống, phát triển văn hóa gắn với phát triển con người sẽ giúp Bình Phước có nguồn lực văn hóa to lớn để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Để di sản văn hóa, văn hóa cộng đồng phát triển, trở thành ngành kinh tế đóng góp cho địa phương thì trước hết phải có chính sách tài chính phù hợp. Nhiều di sản văn hóa của Bình Phước hiện đang ở dạng tiềm năng, do đó cần dành nguồn ngân sách nhất định cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa, đưa văn hóa tham gia phát triển kinh tế của địa phương. Bên cạnh đó, Bình Phước cần xây dựng các biểu trưng để nhắc nhớ, vun đắp lòng tự hào về quê hương xứ sở, nhắc nhớ giá trị văn hóa cộng đồng, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức, văn hóa và con người Bình Phước.

Theo GS.TS Phan Thị Thu Hiền, Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia TP.HCM), Bình Phước xứng danh là một tiểu không gian tộc người, có vị trí và vị thế văn hóa hài hòa giữa “kín và mở” giữa “ngưng tụ và phát triển”, xứng đáng trở thành một bảo tàng văn hóa tộc người bản địa Đông Nam Bộ. Theo đó, Bình Phước có thể cân nhắc lựa chọn hệ thống triết lý văn hóa “Đa dạng - Nhân nghĩa - Hiện đại”, tích cực xây dựng và hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu văn hóa cho địa phương, cùng với đó là chiến lược quảng bá thương hiệu văn hóa của tỉnh nhà. Ngoài ra, nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng khẳng định, muốn phát triển văn hóa, không thể thiếu sự đầu tư. Vì vậy, Bình Phước cần tập trung đầu tư, đồng bộ hóa hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, khuyến khích và tạo thuận lợi cho các thiết chế văn hóa ngoài công lập phát triển. Đồng thời hoàn thiện cơ chế và chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới…

Phát biểu tại Hội nghị, nhấn mạnh đến sự đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho tương lai, đầu tư cho sự phát triển, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đề nghị Bình Phước tăng mức chi cho sự nghiệp phát triển văn hóa của tỉnh, đầu tư thỏa đáng cho văn hóa cả về cơ sở vật chất và con người. Cố gắng trước mắt là hoàn thiện cho được thiết chế văn hóa, đồng thời có cơ chế vận hành, sử dụng hiệu quả hết công năng, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của nhân dân. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng lưu ý Bình Phước cần tập trung xây dựng, đưa cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” đi vào thực chất, làm tốt việc xây dựng môi trường văn hóa để tạo ra được sức đề kháng đẩy lùi những cái phi văn hóa.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Bình Phước đầu tư thích đáng cho việc tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với phát triển kinh tế, du lịch bền vững. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa và xây dựng Bình Phước thành một địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế. Đồng thời tập trung nghiên cứu và xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Bình Phước trong thời kỳ mới, có nền văn hóa phong phú, đa dạng, mang đậm cốt cách, bản sắc con người Bình Phước. 

HOÀNG HẢI

Ý kiến bạn đọc