Độc đáo di sản văn hoá Bình Phước

VHO - Trong khuôn khổ Hội nghị Văn hóa tỉnh Bình Phước năm 2023 vừa qua, Ban tổ chức hội nghị, Bảo tàng tỉnh Bình Phước đã tổ chức trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa Bình Phước”.

Độc đáo di sản văn hoá Bình Phước - Anh 1

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tham quan khu trưng bày

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tham quan khu trưng bày các di tích lịch sử văn hóa.

Hơn 170 hình ảnh, hiện vật, tư liệu về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được Bảo tàng tỉnh trưng bày. Với thiết kế 15 pano hình ảnh được cố định trên đai trưng bày lưu động đã giới thiệu khái quát về loại hình di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh gắn với hoạt động lễ hội truyền thống, làng nghề, phong tục tập quán như Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và sáu di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VHTTDL công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Độc đáo di sản văn hoá Bình Phước - Anh 2

Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tặng hoa chúc mừng Hội nghị Văn hóa tỉnh Bình Phước năm 2023

Một trong những di sản văn hóa quý và nổi bật được trưng bày giới thiệu đó là Bảo vật quốc gia đàn đá Lộc Hòa (bộ phiên bản). Nhạc cụ đàn đá này được làm từ chất liệu đá sừng, có niên đại khoảng 3.000 năm. Việc trưng bày các hiện vật, hình ảnh, tư liệu không chỉ để phục vụ các đại biểu, khách tham quan tại hội nghị mà còn giới thiệu, quảng bá đến công chúng về các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh.

Độc đáo di sản văn hoá Bình Phước - Anh 3

Độc đáo di sản văn hoá Bình Phước - Anh 4

Bảo vật quốc gia đàn đá Lộc Hòa và trống đồng Thọ Sơn

Bên cạnh đó là các hiện vật, tư liệu có giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử gắn với đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt của người dân được trưng bày trực tiếp trên kệ, tủ một cách trang trọng, sinh động như hiện vật khảo cổ (hiện vật lao động thời tiền sử đồ đá), Bộ đàn đá Lộc Hòa, Trống đồng Thọ Sơn, hiện vật nhạc cụ về Đờn ca tài tử Nam Bộ, sản phẩm dệt thổ cẩm của người M’nông, cồng, chiêng, rượu cần và trang sức truyền thống của người S’tiêng… Trong đó, Đàn đá Lộc Hòa (trưng bày bản phục chế) là bảo vật quốc gia, di sản văn hóa quý báu và nổi bật được trưng bày giới thiệu, trình diễn, đây là loại nhạc cụ đàn đá được làm từ chất liệu đá sừng, chế tác bởi kỹ thuật ghè tu chỉnh hướng tâm, hai rìa vát mỏng, thắt eo ở giữa như hình bán nguyệt, có niên đại cách ngày nay khoảng 3.000 năm. Trống đồng Thọ Sơn (trưng bày bản phục chế) được phát hiện năm 1998 tại ấp Sơn Thành, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, thuộc nhóm trống đồng Đông Sơn loại I theo cách phân loại Heger, có niên đại cách ngày nay khoảng 2.300 – 1.900 năm.

Độc đáo di sản văn hoá Bình Phước - Anh 5

Một số sản phẩm truyền thống của nghề đan gùi của đồng bào S' tiêng

Ngoài ra, điểm mới trong đợt trưng bày lần này là Bảo tàng tỉnh sử dụng sáu gian hàng tra cứu thông tin điện tử để các đại biểu tham quan các Di sản văn hóa Bình Phước bằng hình thức ứng dụng công nghệ thông tin một cách sinh động nhất. Nội dung được tích hợp giới thiệu trên các gian hàng tập trung vào các di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể tiêu biểu trên địa bàn tỉnh đã được biên tập thành các hình ảnh và video thể hiện tổng quát về các giá trị di sản, đặc biệt là giới thiệu về các di tích lịch sử – văn hóa, danh làm thắng cảnh.

Độc đáo di sản văn hoá Bình Phước - Anh 6

Bình Phước, quê hương của truyền thống cách mạng, cũng là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, với 41 thành phần dân tộc. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, trong cùng một dân tộc nhưng mỗi nhóm, ngành mang đặc điểm, sắc thái riêng với nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội rất phong phú. Hiện trên địa bàn tỉnh có 76 lễ hội, trong đó 12 lễ hội cấp tỉnh, 19 lễ hội cấp huyện, 42 lễ hội cấp xã quản lý; với 40 lễ hội dân gian, 11 lễ hội lịch sử cách mạng, một lễ hội ngành nghề, 15 lễ hội tôn giáo, sáu lễ hội văn hóa, du lịch. Một số lễ hội gắn với các di tích tiêu biểu như: Di tích đình thần Hưng Long (huyện Chơn Thành), Chốt chặn Tàu Ô, đình thần Tân Khai, đình thần Thanh An (huyện Hớn Quản), đình thần Tân Lập Phú (TX. Bình Long), chùa Sóc Lớn (huyện Lộc Ninh), miếu Bà Rá (TX. Phước Long) và các lễ hội truyền thống được tổ chức đảm bảo trang trọng, ý nghĩa, lành mạnh, thu hút đông khách tham quan.

Độc đáo di sản văn hoá Bình Phước - Anh 7

Độc đáo di sản văn hoá Bình Phước - Anh 8

Trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có sáu di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội truyền thống Lễ hội Miếu Bà Rá thị xã Phước Long, Tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’Tiêng tỉnh Bình Phước, Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ hội Dua Tpeng (Phá Bàu) của người Khmer xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, Lễ hội truyền thống Lễ hội Cầu bông của người Kinh (huyện Hớn Quản, huyện Chơn Thành, huyện Bù Đăng, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước), Nghề thủ công truyền thống Nghề dệt thổ cẩm của người M’nông Nghề thủ công truyền thống Nghề Đan gùi của S’tiêng huyện Bù Đăng, huyện Bù Gia Mập, huyện Hớn Quản, huyện Lộc Ninh.

Độc đáo di sản văn hoá Bình Phước - Anh 9

Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh được quan tâm, nhất là việc huy động nguồn lực tham gia của xã hội, nhiều di tích lịch sử, văn hóa được bảo quản, tu bổ, phục hồi. Đến năm 2022, Bình Phước có 17 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 43 di tích được xếp hạng (năm di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, 12 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 26 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh). Các di tích văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được chú trọng giữ gìn, phát huy. Các lễ hội dân gian như lễ hội biểu diễn cồng chiêng, lễ hội té nước cầu mưa, cầu phước, hát múa lâm thôn, lễ hội Phá Bàu của dân tộc Khmer được duy trì, góp phần bảo tồn nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh hiện đang có nguy cơ mai một. Các làng nghề, dịch vụ văn hóa, sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch đã bước đầu được quan tâm đầu tư. Đặc biệt, tỉnh đang mời gọi, thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm về du lịch để hình thành các khu, điểm du lịch của địa phương. Tỉnh đã tổ chức khánh thành giai đoạn I và đưa vào khai thác Khu bảo tồn văn hóa, dân tộc S'tiêng Sóc Bom Bo, Khu di tích Mộ 3.000 người, Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Tà Thiết), Khu quần thể văn hóa - cứu sinh núi Bà Rá...

Độc đáo di sản văn hoá Bình Phước - Anh 10

Trưng bày thu hút đông đảo khách tham quan

Đặc biệt, Hội nghị văn hoá tỉnh Bình Phước được tổ chức ngày 11.8 vừa qua là động lực để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá. Sau các tỉnh Hà Tĩnh và Bắc Ninh, Bình Phước là địa phương thứ ba tổ chức Hội nghị Văn hóa trên quy mô toàn tỉnh. Điều đó cho thấy, kể từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì năm 2021, các cấp, ngành và địa phương  đang có sự thay đổi trong nhận thức; văn hóa đang thấm đẫm trong đời sống xã hội, là nguồn lực, động lực và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

THANH BA; ảnh: ĐINH NHO DƯƠNG

Ý kiến bạn đọc