Những “sứ giả” văn hóa vùng cao
VHO - Không chỉ là sân chơi phát huy năng khiếu, CLB Nghệ thuật Dân tộc trong trường học còn là nhịp cầu kết nối giữa thế hệ trẻ với kho tàng văn hóa truyền thống.
Tại đây, học sinh dân tộc thiểu số được tiếp thêm niềm tự hào về cội nguồn, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước và từng bước trưởng thành trong môi trường giáo dục toàn diện - nơi tri thức và bản sắc cùng hòa quyện.

Hành trình gìn giữ hồn cốt văn hóa trong trường học
Mỗi sáng thứ Hai đầu tuần hay trong những dịp lễ hội lớn như Tết Nguyên đán, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11..., sân Trường PTDT Nội trú tỉnh Nghệ An lại rực rỡ như một bức tranh đa sắc màu của văn hóa dân tộc.
Các em học sinh Thái, Mông, Khơ Mú, Thổ, Ơ Đu... khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống được thêu tay tỉ mỉ, biến sân trường thành một “sàn diễn văn hóa” đầy sống động, nơi mỗi em là một “đại sứ” lan tỏa vẻ đẹp văn hóa quê hương.
Trong nhịp chảy gấp gáp của hội nhập, việc gìn giữ bản sắc trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhận thức rõ điều đó, từ năm 2021, Trường PTDT Nội trú Nghệ An đã tiên phong thành lập CLB Nghệ thuật Dân tộc - một mô hình giáo dục nhân văn và sáng tạo nhằm bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời khơi dậy niềm tự hào cội nguồn trong mỗi học sinh vùng cao.
Với gần 650 học sinh đến từ nhiều dân tộc thiểu số, trường đã biến sự đa dạng ấy thành lợi thế, tạo dựng một môi trường học tập giàu tính bản sắc.
Những buổi sinh hoạt CLB trở thành không gian sống động để học sinh cùng nhau học múa Khắp luống của người Thái, thổi khèn Mông, hát dân ca Khơ Mú... Không chỉ học, các em còn cảm và thấu hiểu sâu sắc giá trị văn hóa của dân tộc mình.
“Chúng tôi không chỉ muốn dạy kiến thức trong sách vở, mà còn mong nuôi dưỡng trong các em lòng tự hào về nguồn cội - thứ sẽ theo các em suốt đời”, cô Nguyễn Thị Kiều Hoa, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Từ những ngày đầu, CLB đã quy tụ 45 học sinh tiêu biểu và con số ấy đã vượt mốc 100 chỉ sau vài năm. Dựa trên năng khiếu và sở trường, các em được phân chia vào 6 tiểu ban: Đàn - hát, múa, kịch, dẫn chương trình, truyền thông và hội họa. Từng buổi sinh hoạt là một hành trình phát triển kỹ năng, nuôi dưỡng đam mê, gắn kết cộng đồng và bồi đắp tình yêu văn hóa.
Điểm đặc biệt của CLB là sự tham gia của các nghệ nhân dân gian - những “người giữ hồn” truyền thống, trực tiếp truyền dạy điệu múa, tiếng khèn, nhịp chiêng, tiếng hát bản làng. Qua đó, học sinh không chỉ được rèn luyện kỹ thuật mà còn được trao truyền cảm hứng, nâng niu từng giá trị di sản mà cha ông để lại.
Nhiều học sinh đã tỏa sáng từ chính “mái nhà” này, như em Xồng Bá Cha - thành viên CLB - thổi khèn điêu luyện và luôn tự hào: “Khèn là tiếng nói tâm hồn của người Mông. Nhờ CLB, em học được cách kết nối với bạn bè các dân tộc khác và lan tỏa bản sắc của dân tộc mình”.
Hay như hai nữ sinh người Mông: Lầu Nguyễn Hương Mơ và Lầu Nguyễn Hương Giang, không chỉ là những MC duyên dáng tại các sự kiện văn hóa mà còn là những người mang trong mình khát vọng gìn giữ di sản.
Giang từng giành giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh với đề tài Bảo tồn làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Với em: “Thổ cẩm còn là linh hồn, là sinh kế của phụ nữ vùng cao. Nhờ CLB Nghệ thuật Dân tộc, em có cơ hội nói lên tiếng nói của bản thân, của cộng đồng mình”.
Từ một mô hình nhỏ, CLB Nghệ thuật Dân tộc đã trở thành điểm tựa tinh thần, nơi kết nối truyền thống với hiện đại, quá khứ với tương lai. Và hơn cả một CLB, đó là nơi những mầm non văn hóa đang từng ngày lớn lên trong niềm tự hào, trong khát vọng được giữ gìn và tiếp bước di sản của cha ông.

Cầu nối yêu thương giữa thế hệ trẻ và di sản
Không chỉ là nơi gìn giữ văn hóa, CLB Nghệ thuật Dân tộc tại Trường PTDT Nội trú Nghệ An còn là “cái nôi” ươm mầm những tài năng trẻ và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống ra cộng đồng.
Kể từ khi thành lập, CLB đã liên tục gặt hái nhiều thành tích ấn tượng: Giải nhất Liên hoan Tiếng hát học sinh, sinh viên thành phố Vinh năm 2021; giải nhì Liên hoan các CLB nghệ thuật thành phố Vinh; giải ba Hội thi Tìm kiếm tài năng tỉnh Nghệ An…
Những kết quả ấy là minh chứng sống động cho sự nỗ lực và đam mê của cả thầy lẫn trò nơi đây.
Tuy nhiên, điều làm nên giá trị cốt lõi của CLB không nằm ở các tấm huy chương, mà ở triết lý giáo dục nhân văn: Mỗi học sinh đều có cơ hội tiếp cận và gìn giữ văn hóa truyền thống, bất kể năng khiếu ra sao.
“Chúng tôi chỉ cần các em có tình yêu với văn hóa dân tộc. Từ đó, Ban chủ nhiệm sẽ đồng hành, định hướng để các em tự tin thể hiện bản sắc của mình”, anh Trần Đình Huy, Phó Bí thư Đoàn trường, Chủ nhiệm CLB chia sẻ.
Theo cô Nguyễn Thị Kiều Hoa, Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú Nghệ An, việc lồng ghép hoạt động văn hóa vào giáo dục không chỉ bổ trợ, mà còn là chiến lược mang tính nền tảng.
“Trường học dân tộc nội trú cần là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp lòng tự tôn dân tộc và kết nối học sinh với cội nguồn văn hóa trong một môi trường đa dạng. CLB văn hóa chính là nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại, giúp học sinh vừa học hỏi tri thức, vừa biết yêu, hiểu và gìn giữ những giá trị phi vật thể của dân tộc mình”.
Trong hành trình giáo dục toàn diện, Trường PTDT Nội trú Nghệ An đang từng bước khẳng định vai trò là “ngôi trường của di sản”, nơi văn hóa không chỉ được trưng bày, mà được sống cùng học sinh mỗi ngày - qua câu hát, điệu múa, sắc áo và cả trong những ước mơ lặng lẽ nhưng đầy tự hào về một ngày mai rạng rỡ từ chính quê hương mình.