Quảng Ngãi: Nỗ lực dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số Cor

VHO- Với sự kiên trì, nhẫn nại của các thầy cô giáo, vốn hiểu biết và sử dụng tiếng Việt của học sinh người đồng bào Cor ở huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) theo đó đã được nâng lên.

Quảng Ngãi: Nỗ lực dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số Cor - Anh 1

Dạy tiếng Việt kết hợp xem hình ảnh trên màn hình ti vi

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về việc ưu tiên nguồn lực phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, huyện Trà Bồng đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn, trong đó phải kể đến việc triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số năm học 2023-2024” trên địa bàn huyện. Đây là chương trình có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với trẻ em dân tộc thiểu số, là hành trang cho các em vào lớp 1.
Tại điểm Trường Tiểu học thôn Nguyên thuộc trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Hiệp, trong năm học 2023-2024 có 1 lớp Một với 12 em học sinh. Ngay từ đầu tháng 8, cô giáo phụ trách lớp đã tổ chức dạy tăng cường Tiếng Việt cho các em. Cô giáo triển khai bài dạy theo chương trình dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số. Bài học trực quan, chuẩn bị các loại trái cây thực tế giúp học sinh nhận biết, phát âm chuẩn rõ, chơi trò chơi để các em tự tin, vui tươi, thỏa mái. 
Cô giáo Nguyễn Thị Sanh chia sẻ, các em học sinh nói tiếng phổ thông chưa thạo, khả năng giao tiếp khá khiêm tốn. Nhiều em nhút nhát, rụt rè, ngại giao tiếp, dẫn đến chưa mạnh dạn trao đổi bài trên lớp. Trước thực tế đó, nhà trường tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc.
 “Các em nhỏ ở đồng bào ở đây ít tiếp xúc tiếng Việt, nhiều em chưa nói được tiếng Kinh, các cô giúp các em phát âm đúng, nói được tiếng Kinh thông qua các đồ vật, sự vật thực tế, tranh ảnh. Tổ chức chơi trò chơi để các em dạn dĩ hơn, gần gũi với cô hơn. So với ngày đầu mới học thì đến nay các em đã có sự thay đổi rõ rệt”, cô Sanh nói.

Quảng Ngãi: Nỗ lực dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số Cor - Anh 2

Các em học sinh đồng bào Cor mạnh dạn, tự tin học lớp 1

Thực hiện nhiệm vụ giáo dục trên xã xa trung tâm huyện, nhà trường gặp phải không ít khó khăn, trong đó có việc các em học sinh nói tiếng phổ thông chưa thạo, khả năng giao tiếp khá khiêm tốn. Nhiều em nhút nhát, rụt rè, ngại giao tiếp, dẫn đến chưa mạnh dạn trao đổi bài trên lớp. Trước thực tế đó, các trường tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc.
Tại điểm trường chính Trường PTDT bán trú Tiểu học Trà Thanh, các em cũng được cô giáo dạy kết hợp trực quan, tập tranh học Tiếng Việt, kết hợp xem hình ảnh trên màn hình ti vi. Đối với học sinh mầm non người dân tộc thiểu số, việc tăng cường Tiếng Việt là vô cùng quan trọng, là nền tảng để các em mạnh dạn, tự tin học lớp 1.
“Việc dạy học này rất tốt, rất bổ ích đối với các em, cho các em làm quen với việc học ở Tiểu học, tiếp xúc với bạn bè, nói hoàn toàn bằng tiếng phổ thông khi vào lớp cho các em quen dần, để trong năm học mới sẽ tiếp thu bài tốt hơn và theo kịp chương trình”, cô Lê Thị Thuận phụ trách lớp bày tỏ .

Quảng Ngãi: Nỗ lực dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số Cor - Anh 3

Cô giáo tận tình dạy Tiếng Việt trong các tiết: tập đọc, tập viết, chính tả, luyện từ và câu, tập làm văn

Bà Đinh Thị Sơn, Phó Phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Sở Giáo GD&ĐT Quảng Ngãi, UBND huyện về thực hiện Đề án Tăng cường tiếng Việt cho học sinh Mầm non và Tiểu học vùng dân tộc thiểu số năm học 2023-2024, Phòng đã khẩn trương xây dựng kế hoạch, chỉ đạo 17 trường dạy tăng cường Tiếng Việt cho học sinh giúp các con có nền tảng tiếng Việt khi vào lớp Một. Toàn huyện có 59 lớp với 850 em học sinh tham gia học.
Để các em có thể nói tốt tiếng Việt, thầy cô giáo tăng cường dạy trong các tiết: tập đọc, tập viết, chính tả, luyện từ và câu, tập làm văn. Dạy trên lớp chưa đủ, khi sinh hoạt hay gặp gỡ các em ở ngoài cô giáo cũng sử dụng tiếng Việt. 
Theo ông Đỗ Đình Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, việc phát triển giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương. Học sinh mầm non, tiểu học là gốc rễ, là tương lai của dân tộc, đất nước. Xác định tầm quan trọng đó, huyện Trà Bồng luôn ưu tiên nguồn lực, tích cực triển khai các chương trình, đề án phát triển giáo dục, trong đó có dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số vào lớp Một.

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc