Quảng Ngãi:
Người nghệ nhân tâm huyết với văn hóa Hrê
VHO - Nhờ sự nỗ lực, tâm huyết của các nghệ nhân dân gian và người có uy tín, đã giúp bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của người Hrê ở Quảng Ngãi, từ nhạc cụ, làn điệu dân ca, những hiện vật...
Nghệ nhân Đinh Văn Dôn (66 tuổi) ở thôn Tà Ba, xã Sơn Thượng, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) là một trong những nghệ nhân ưu tú tiêu biểu của địa phương, không chỉ biết hát mà còn biết sáng tác các làn điệu Ca choi và Ta lêu đặc trưng của đồng bào mình.
Các ca khúc của ông với những ca từ mộc mạc, chân thật nói về sự phát triển cơ sở hạ tầng tại địa phương, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tinh thần đoàn kết dân tộc, thanh niên hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc. “Các giá trị về văn hóa có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của người Hrê. Tôi hy vọng với sự nỗ lực của bản thân sẽ góp phần giúp thế hệ trẻ người Hrê huyện Sơn Hà hiểu, yêu quý và giữ gìn được văn hóa truyền thống của dân tộc mình, không để bị mai một”, ông Dôn chia sẻ.
Theo ông Dôn Ta lêu là điệu hát kể, Ca choi là một làn điệu hát đối đáp. Khi hát, đồng bào sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ và trang phục truyền thống, điều này không chỉ tạo được nét văn hóa đặc trưng, mà còn góp phần truyền bá ngôn ngữ, khuyến khích mọi người tìm hiểu cái hay, cái đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc mình. Để sáng tác các bài hát, ông đã đi đến từng bản làng tìm hiểu thực tế, đọc sách báo tìm hiểu những chủ trương chính sách mới. Thường xuyên tiếp xúc, trò chuyện với người dân để có những câu hát gần gũi với đời sống.
Ngay từ nhỏ, nghệ nhân Đinh Văn Dôn đã được nghe bà và mẹ hát các làn điệu Ca choi, Ta lêu ngọt ngào. Lâu ngày, các làn điệu ngấm dần vào trí nhớ của ông. Khi lớn lên, ông không chỉ hát mà còn sáng tác các bài hát theo các nhạc điệu của đồng bào mình. Đến nay, các bài hát do ông sáng tác được rất nhiều người Hrê yêu thích và hát.
Dân ca là một hình thức sinh hoạt văn hóa có tính cộng đồng của đồng bào Hrê. Người Hrê thường rủ nhau hát các làn điệu Ca choi, Ta lêu để giao lưu, tâm tình; chia sẻ tâm tư, tình cảm của mình hoặc để thể hiện khả năng ca hát.
Ông Đinh Văn Phin, xã Sơn Thượng cho hay, hát dân ca, đánh cồng chiêng là nét đẹp truyền thống lâu đời của đồng bào Hrê mình. Những lúc sinh hoạt xóm làng, nhà ai có tiệc vui, thậm chí cả lúc buồn người ta cũng hát dân ca. Vì hát không chỉ thể hiện niềm vui mà còn để thể hiện sự nhớ nhung, mất mát. Đặc biệt là những bài hát do ông Đinh Văn Dôn sáng tác nó rất gần gũi sát với thực tế đời sống của người dân nơi đây.
Không chỉ biết hát, sáng tác các bài hát dân ca truyền thống mà ông Đinh Văn Dôn còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống bằng cách thường xuyên hát các bài hát bằng tiếng mẹ đẻ của đồng bào. Thường xuyên tham gia trình diễn tại các lễ hội, liên hoan.
Ông Dôn cho biết, trải qua biết bao thăng trầm, những làn điệu dân ca của người Hre trở thành xa lạ đối với lớp người trẻ. Một số người còn giữ vốn quý của dân tộc mình thì tuổi đã cao, sức đã yếu. Do đó, điều ông trăn trở và mong muốn nhất hiện nay là được phối hợp với chính quyền địa phương để truyền dạy các làn điệu dân ca Ta lêu, Ca choi cho các cháu học sinh người Hrê nhằm lưu giữ nét bản sắc văn hóa của đồng bào.
Những năm qua, ông Dôn đã truyền dạy cho hàng trăm người Hrê (chủ yếu thế hệ trẻ) trong việc giữ gìn làn điệu Ta lêu, Ca choi truyền thống của dân tộc. “Thông qua các buổi truyền dạy của ông Dôn đã giúp tôi và các bạn trẻ Hrê Sơn Hà khơi dậy niềm đam mê các làn điệu dân ca của dân tộc. Hiện tôi đã được huyện Sơn Hà và một số huyện khác trong và ngoài tỉnh mời đi biểu diễn các làn điệu dân ca của người Hrê”, anh Đinh Krỏ, ở xã Sơn Cao, huyện Sơn Hà chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Sơn Thượng Đinh Văn Viên cho biết: “Nghệ nhân Đinh Văn Dôn là người giữ gìn, sáng tác các bài hát truyền thống của đồng bào Hrê và “truyền lửa” cho bà con lao động sản xuất, thực hiện nếp sống văn minh thông qua câu hát. Ông còn là một người có uy tín tại địa phương, do đó, những lúc có chính sách, chủ trương mới thì chính quyền địa phương đều nhờ ông truyền đạt, vận động để người dân đồng lòng thực hiện”.