Lưu giữ nét đẹp văn hóa người Tày

XUÂN LAM

VHO - Đến tham quan Điểm du lịch nhà sàn cổ 9 gian tại xóm Tục Ngã, xã Đức Xuân, huyện Thạch An (Cao Bằng), chúng tôi không chỉ ngạc nhiên với kiến trúc độc đáo phản ánh tri thức, kinh nghiệm dân gian của người dân tộc Tày trong việc chọn vị trí, vật liệu làm nhà hòa hợp với thiên nhiên, ẩn chứa chiều sâu văn hóa, mà còn ấn tượng mạnh với những giá trị của “nếp nhà” (gia phong) đã được 6 thế hệ gia tộc họ Nông gìn giữ, phát huy…

 Lưu giữ nét đẹp văn hóa người Tày - ảnh 1
Ngôi nhà sàn cổ 9 gian tại xóm Tục Ngã, xã Đức Xuân, huyện Thạch An (Cao Bằng)

Ngôi nhà không vách ngăn

Vừa bước lên những bậc thang đầu tiên để lên nhà sàn, cháu trai mới hơn 4 tuổi của ông Nông Hải Dương, chủ sở hữu và là đời thứ 4 trong gia tộc họ Nông của ngôi nhà sàn cổ 9 gian, đã cất tiếng líu lo chào chúng tôi rồi gọi “ông nội ơi, nhà có khách ạ”. Ông Dương hồ hởi ra mời khách vào nhà. Chúng tôi xin phép được tham quan toàn bộ ngôi nhà sàn cổ có kiến trúc độc đáo, ông vui vẻ đi trước hướng dẫn. Qua 3 gian nhà chính (nhà tổ), chúng tôi cũng nhận được sự đón tiếp của 2 gia đình cháu trai ông Dương đang sống ở 6 gian liền kề, khiến ai cũng cảm nhận được sự ấm áp, thân tình. Những gian nhà không ngăn cách bởi các bức vách mà được nối dài, tạo cảm giác rộng lớn bao trùm.

Trở lại phòng khách để tiếp tục câu chuyện, trên bàn đã có sẵn bình trà mới pha của con dâu thứ của ông Dương - chị Nông Thị Thơ, chị rót nước mời chúng tôi rồi nhẹ nhàng lui xuống gian bếp phía sau. Nâng chén chè xanh thanh nhẹ, ông Dương không giấu được niềm tự hào khi kể về ngôi nhà sàn cổ của gia đình và cách các thế hệ trao truyền, gìn giữ nếp nhà truyền thống.

Theo ông Dương, cụ tổ gia tộc là Nông Văn Sồm sinh được 3 người con trai: Nông Văn Nhạy, Nông Văn Ngậy và Nông Văn Hè. Đến đời con của ông Nông Văn Nhạy là ông Nông Văn Lẹ (bố đẻ ông Dương), khi lập gia đình có xin phép ông nội và bố xây dựng ngôi nhà sàn mới. Khởi công từ năm 1898 đến năm 1903, ngôi nhà sàn gỗ quý mới được dựng xong. Đến những năm 1930 của thế kỷ XX, thực dân Pháp áp dụng chính sách “chia để trị” nhằm dễ bề đàn áp và bóc lột nhân dân ta. Trước cảnh loạn lạc, ông Lẹ ngỏ lời với gia đình 2 người anh em họ là con trai của ông Nông Văn Ngậy và Nông Văn Hè về dựng nhà sống gần nhau để cùng lao động sản xuất, cũng là bảo vệ nhau an toàn hơn. Vì muốn con cháu quây quần trong một nhà nên ba anh em thống nhất sẽ không dựng vách ngăn cách mà để các gian thông nhau. Ròng rã suốt 4 năm trời, mấy anh em vào rừng sâu kiếm cây gỗ to, dùng cưa tay xẻ rồi đục, đẽo để có được những cột nhà chắc chắn; mời công thợ rồi nhờ họ hàng, làng xóm… Từ3 gian ban đầu, sau bao vất vả, mồ hôi, nước mắt, 6 gian nhà sàn đã được nối dài tạo nên ngôi nhà sàn 9 gian kiên cố.

 Lưu giữ nét đẹp văn hóa người Tày - ảnh 2
Ông Nông Hải Dương luôn gìn giữ, nghiên cứu và hoàn thiện gia phả của gia tộc

Mạch nguồn chảy mãi

Trải qua hơn 100 năm và 6 thế hệ gia tộc, đến nay, ngôi nhà sàn đang có 4 thế hệ/17 nhân khẩu của 3 hộ cùng sinh sống. Ông Nông Hải Dương là đời thứ4, cả cuộc đời ông gắn với căn nhà sàn đến nay đã 81 năm, cũng là từng ấy thời gian ông được nhìn lớp con cháu sinh ra, trưởng thành trong nếp nhà sàn thân thuộc. Những chuẩn mực quy tắc đạo đức truyền thống được đại gia đình coi trọng, thể hiện qua cung cách đi đứng, ăn nói, đối nhân - xử thế, hòa thuận, thủy chung, nghĩa tình, yêu thương, tôn trọng. Dù trải qua bao thế hệ cùng chung sống, các con cháu luôn tâm niệm “Ké cón ón lăng” (tạm dịch: Già trước trẻ sau); “Lục tỉnh pỏ mẻ đảy kin/ Cần tỉnh bân tỉnh đin đảy dú” (tạm dịch: Con nghe lời bố mẹ được ăn/ Người nghe lời trời nghe đất được ở)…

Vào mỗi dịp lễ, Tết, các gia đình tại nhà sàn cổ 9 gian lại chung tay chuẩn bị, lo toan cho một dịp đoàn viên đầm ấm, đủ đầy, vừa là để dạy bảo và truyền lại cho lớp trẻ những phong tục của người Tày. Chị La Thị Hội, con dâu ông Nông Văn Táy (bác họ ông Dương), hiện đang sinh sống tại 3 gian phía trái cho biết: “Có1 ngày lễ chung của nội tộc Nông duy trì bao đời nay vào ngày tảo mộ mùng 3 tháng 3 âm lịch. Để chuẩn bị cho phần cúng tại mộ và cúng gia tiên tại nhà, cả 3 gia đình cùng nhau chuẩn bị xôi, gà, thịt lợn, cá, bánh kẹo, hoa quả… Đến ngày lễ, từ sáng sớm các con cháu dù đi làm ăn xa cũng trở về, lên mộ thắp hương, xin phép thần thổ địa phát cỏ cây, dọn dẹp khu mộ sạch sẽ, bày cỗ, dâng hương, dâng rượu khấn mời tổ tiên, sau đó hạ lễ mang về chung vui tại nhà sàn. Mỗi dịp như vậy, đại gia đình lại nhộn nhịp, rộn ràng bởi có đến hơn 100 người quây quần bên 10- 12 mâm cơm trong nhà, ngoài sân. Đây chính là ngày giỗ tổ để con cháu có dịp tri ân, đền đáp ơn sinh thành và giáo dục thế hệ sau biết gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống gia đình và dân tộc Tày.

Một thoáng, ấm chè xanh đã cạn, nhưng câu chuyện về ngôi nhà sàn cổ vẫn chưa vơi bởi đặt trong bối cảnh sự phát triển của xã hội đương đại, những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình cũng đang có những thay đổi và tác động đến cuộc sống của các thế hệ gia tộc họ Nông trong ngôi nhà sàn cổ. Để duy trì nếp nhà truyền thống, cần có sự cân bằng giữa việc tôn trọng và giữ gìn những giá trị truyền thống cùng với việc hiểu và chấp nhận những thay đổi trong xã hội hiện đại.

Rời ngôi nhà sàn cổ 9 gian khi hoàng hôn bắt đầu buông, tuy diện mạo ngôi nhà, xóm làng nơi đây đã có nhiều đổi khác, nhưng xóm Tục Ngã không mất đi những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày từ lâu đời. Có được điều đó là nhờ vào một phần mạch nguồn chảy mãi của gia đình họ Nông tại nhà sàn cổ 9 gian - chứng nhân đã và đang lưu giữ được nếp nhà xưa, để thế hệ hôm nay và mai sau tìm về cội nguồn văn hóa, nhắc nhở đời sau giữ lấy đạo lý ngàn đời, sống lương thiện và không quên gia phong, truyền thống.