Lào Cai xây dựng điểm đến du lịch từ văn hoá truyền thống

THANH LƯƠNG - THÙY LINH

VHO - Một trong những thế mạnh của tỉnh Lào Cai là có nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, là sự hội tụ của văn hóa truyền thống của 25 dân tộc anh em. Do đó, công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch bền vững luôn được tỉnh quan tâm và xác định là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Lào Cai xây dựng điểm đến du lịch từ văn hoá truyền thống - ảnh 1
Công tác phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch bền vững luôn được Lào Cai quan tâm

Chủ trương phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa được tỉnh Lào Cai cụ thể hóa bằng Đề án Phát triển Du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020 và Đề án Phát triển Văn hoá - Du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 – 2025.

Đặc biệt trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh uỷ Lào Cai ban hành riêng Nghị quyết chuyên đề số 11-NQ/TU. Theo đó, Lào Cai xác định “tầm nhìn” và “Khát vọng phát triển” xây dựng Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt Nam và khu vực gắn với bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vùng núi, nơi du khách sẽ có được những trải nghiệm khác biệt và đích thực vượt cả sự mong đợi với những cảm xúc đặc biệt trên mỗi hành trình”.

Đến nay, toàn tỉnh Lào Cai đã có hơn 54 di tích, di sản văn hoá được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh, trong đó có 22 di tích, danh thắng cấp quốc gia, 32 di tích, danh thắng cấp tỉnh tạo nên những sắc màu văn hoá đa dạng, phong phú, độc đáo và hấp dẫn; trở thành điểm đến lý tưởng, thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước, quốc tế đến khám phá, trải nghiệm.

Cùng với đó, Lào Cai có 39 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của các dân tộc: Mông, Dao, Tày, Nùng, Giáy, Xá Phó, Hà Nhì, Bố Y, Pa Dí, Thu Lao...  Trong đó, di sản “Kéo co nghi lễ dân tộc Tày, Giáy” nằm trong hồ sơ liên quốc gia “Nghi lễ và trò chơi kéo co” (gồm 4 nước: Việt Nam, Campuchia, Philippines và Hàn Quốc) và hồ sơ “Nghi lễ Then dân tộc Tày” nằm trong Hồ sơ “Thực hành nghi lễ then Tày - Nùng - Thái” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lào Cai xây dựng điểm đến du lịch từ văn hoá truyền thống - ảnh 2
Sản phẩm du lịch độc đáo từ nghề dệt vải thổ cẩm - nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số ở huyện Si Ma Cai

Các giá trị văn hóa phi vật thể được tỉnh Lào Cai quan tâm bảo tồn và phát triển. Qua đó đã sưu tầm hàng nghìn hiện vật chủ yếu là trang phục, các công cụ, dụng cụ của 25 nhóm ngành dân tộc để tổ chức trưng bày tại Bảo tàng tỉnh; bảo tồn, duy trì hơn 40 lễ hội dân gian như: Lễ hội Gầu tào người Mông, Lễ hội xuống đồng của người Tày, Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy, Lễ hội tạ ơn trâu (Sử dề pà) của người Bố Y, Lễ cấp sắc của người Dao, Lễ hội "Gặt Tu Tu", lễ hội “Khô già già” của người Hà Nhì đen ở Ý Tý, (Bát Xát). Các Lễ hội được tái hiện từ địa điểm, thời gian, nghi thức đến đối tượng tham gia góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn cho loại hình du lịch khám phá.

Các Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Pha Long hàng năm đã thu hút hàng ngàn người dân và du khách tham dự. Đặc biệt, các nghi lễ cấp sắc của người Dao Lào Cai, Lễ hội Gầu tào của người Mông và nghi lễ then của người Tày ở Lào Cai đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã và đang được khai thác phát triển thành sản phẩm du lịch, tỉnh Lào Cai đã nghiên cứu và phát huy bảo tồn các giá trị văn hoá thành các chương trình nghệ thuật (show) diễn thực cảnh như: “The Mông Show, Vũ điệu dưới trăng, Điểm  hẹn, Tái hiện Chợ tình Sa Pa, Lễ hội Đua ngựa truyền thống, Lễ hội nhảy lửa dân tộc Dao”.

Triển khai việc bảo tồn văn hoá gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong năm 2024, tỉnh quan tâm triển khai các hoạt động bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống, các môn thể thao truyền thống, đầu tư xây dựng điểm du lịch và tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số.

Lào Cai xây dựng điểm đến du lịch từ văn hoá truyền thống - ảnh 3
Lễ rước kiệu tại Lễ hội đền Bảo Hà, huyện Bảo Yên. Ảnh: Hà Phương

Trong đó sẽ tổ chức bảo tồn, phát huy 13 lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số tại các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên, Bát Xát, thị xã Sa Pa và thành phố Lào Cai. Hỗ trợ một chương trình nghiên cứu khoa học về di sản văn hóa phi vật thể người HMông tại Bản Tổng Kim, xã Vĩnh Yên huyện Bảo Yên. Xây dựng 37 Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân tộc Nùng, Nùng Dín; dân tộc Giáy; dân tộc Bố Y; dân tộc Thu Lao; 57 đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ 3 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận;

Cũng trong năm 2024, hoạt động đầu tư xây dựng các điểm du lịch được quan tâm với việc hỗ trợ đầu tư xây dựng 3 điểm du lịch tại huyện Bát Xát, Bảo Yên, Văn Bàn; hỗ trợ đầu tư bảo tồn 4 làng, bản văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số tại thị xã Sa Pa, huyện Bảo Yên, huyện Bắc Hà, huyện Bát Xát; hỗ trợ tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích quốc gia Dinh Hoàng A Tưởng, trang thiết bị cho 93 nhà văn hóa tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ xây dựng 17 tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Lào Cai xây dựng điểm đến du lịch từ văn hoá truyền thống - ảnh 4
Nhà sàn được phục dựng tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên

Hiện Lào Cai đã có trên 460 nhà nghỉ lưu trú tại gia (homestay) chủ yếu tập trung tại khu du lịch Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Yên. Đồng bào tham gia kinh doanh du lịch cộng đồng đã có mức thu nhập bình quân 100 - 150 triệu đồng/hộ/năm thông qua thu tiền lưu trú, ẩm thực và bán các mặt hàng thủ công truyền thống, tham gia hướng dẫn du lịch. Việc khám phá các bản làng văn hóa dân tộc trên các tour du lịch cộng đồng của du khách bằng đi bộ (Trekking), đi xe đạp là những tour du lịch đầy hấp dẫn.

Lào Cai là một trong những tỉnh đầu tiên của Việt Nam xây dựng, áp dụng mô hình phát triển du lịch cộng gắn với xoá đói, giảm nghèo cho cộng đồng các dân tộc thiểu số với sự hỗ trợ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng gắn với xoá đói giảm nghèo tại Sa Pa -1998). Tổ chức Bánh mì thế giới đã hỗ trợ xây dựng 2 mô hình du lịch cộng đồng thí điểm tại 2 xã Bản Hồ và San Sả Hồ (Sa Pa). Sau 2 năm đi vào vận hành mô hình du lịch cộng đồng do Tổ chức Bánh mì thế giới hỗ trợ triển khai đã được chứng minh là hiệu quả trong việc nâng cao sinh kế và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.

Với việc quan tâm phát triển từ rất sớm, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 điểm du lịch cộng đồng được công nhận, cùng với đó là hệ thống các làng, thôn, bản có thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch, bao gồm: Điểm du lịch cộng đồng thôn Lao Chải; Điểm du lịch cộng đồng thôn Dền Sáng; Điểm du lịch trung tâm xã Bản Xèo; Điểm Du lịch cộng đồng thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai; Điểm Du lịch Cát Cát; Điểm du lịch thôn Má Tra – xã Sa Pả; Điểm du lịch cộng đồng xã Tả Phìn; Điểm du lịch cộng đồng thôn Sín Chải; Điểm du lịch thôn Choản Thèn; Điểm du lịch xã Nghĩa Đô.