Hơn 56 tỉ đồng trùng tu các tháp Chăm gắn với phát triển du lịch

KHÁNH CHI

VHO - Quảng Nam dành kinh phí hơn 56 tỉ đồng để tập trung triển khai năm dự án trùng tu, tu bổ các tháp Chăm trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần ngăn chặn sự đổ vỡ của các di tích thành phần. Đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch.

 Hơn 56 tỉ đồng trùng tu các tháp Chăm gắn với phát triển du lịch - ảnh 1
Tháp Bắc, tháp Giữa thuộc tháp Chăm Khương Mỹ

 Hiện nay, trên địa bàn Quảng Nam có năm nhóm tháp và tháp Chăm, gồm: Nhóm tháp thuộc Khu Đền tháp Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên) với khoảng 71 di tích và phế tích. Các nhóm tháp Chăm Chiên Đàn (huyện Phú Ninh), nhóm tháp Chăm Khương Mỹ (huyện Núi Thành) có ba tháp (tháp Bắc, tháp Giữa và tháp Nam); Tháp Chăm Bằng An (thị xã Điện Bàn) có một tháp; Phật viện Đồng Dương (huyện Thăng Bình) hiện còn có phế tích tháp Sáng.

Đối với di sản văn hóa thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn, thời gian qua đã thực hiện các dự án trùng tu, tu bổ trọng điểm như: Dự án đầu tư bảo tồn, tu bổ cấp thiết một số hạng mục thuộc khu tháp E, F Mỹ Sơn trong chương trình mục tiêu quốc gia; Dự án hợp tác với tổ chức America Express tài trợ thông qua Quỹ Di sản thế giới cùng với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật hai đợt khơi thông dòng suối khe Thẻ đoạn chảy qua giữa khu A và khu B, C, D, nhằm chống sạt lở nhóm tháp A; Dự án hợp tác ba bên UNESCO - Việt Nam - Italia về “Thuyết trình và đào tạo các tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn nhóm tháp G Mỹ Sơn” đã trải qua ba giai đoạn trùng tu, tôn tạo (2003-2013); Dự án trùng tu tháp E7; Dự án hợp tác với Chính phủ Ấn Độ thực hiện tu bổ khu tháp K, H, A (2016-2022).

Bên cạnh đó, dự án bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị tháp Nam thuộc khu di tích tháp Chăm Chiên Đàn có tổng mức đầu tư 5,48 tỉ đồng đã hoàn thành vào cuối năm 2023. Các nội dung triển khai như: Thay thế các viên gạch đã bị mục, vỡ các phần hư hại nhẹ trên bề mặt đế và tường tháp; gia cố, tái định vị các khối xây gạch phần đế và tường tháp; tái định vị các thanh đá trụ, ngưỡng và bậc cửa; phục hồi nền trong lát gạch Chăm phục chế và các hạng mục phụ trợ có liên quan,… Dự án bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị tháp Bắc, tháp Giữa thuộc di tích tháp Chăm Khương Mỹ có tổng mức đầu tư 12,596 tỉ đồng, đã hoàn thành vào cuối năm 2022.

 Hơn 56 tỉ đồng trùng tu các tháp Chăm gắn với phát triển du lịch - ảnh 2
Tháp Nam thuộc tháp Chiên Đàn

Các hạng mục đã triển khai như: Hạ giải các khối xây mất liên kết và xử lý, phân loại, đánh dấu, tập kết, bảo quản các cấu kiện theo quy trình tu bổ di tích; tu bổ, phục hồi khối xây mặt ngoài tường tháp bằng gạch Chăm phục chế sử dụng phương pháp mài chập; tu bổ các khối xây lõi tường tháp và phục hồi nền lòng tháp bằng gạch Chăm phục chế; chống mối và các hạng mục có liên quan,…

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam, việc trùng tu, tu bổ các nhóm tháp Chăm trên địa bàn Quảng Nam thời gian qua đảm bảo tuân thủ theo quy định của Luật Di sản văn hóa, các quy định của UNESCO và các văn bản quy định liên quan. Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản, di tích hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục đầu tư triển khai trùng tu, tu bổ các tháp Chăm. Theo đó, có ba dự án được giao Sở VHTTDL Quảng Nam làm chủ đầu tư, hiện đang trình Bộ VHTTDL thẩm định theo quy định, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ VHTTDL sẽ triển khai các bước tiếp theo theo quy định.

Cụ thể, dự án bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di tích tháp Chăm Bằng An tổng mức đầu tư 8,837 tỉ đồng; Dự án bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị tháp Bắc, tháp Giữa thuộc di tích tháp Chăm Chiên Đàn tổng mức đầu tư 16,778 tỉ đồng. Các nội dung, hạng mục triển khai ở các dự án như: Phát lộ mặt bằng, thu gom hiện vật quanh chân tháp; thám sát một số vị trí trong khu vực bảo vệ di tích; gia cố phần chân tháp từ nền lên cao 2m bằng gạch Chăm phục chế; hạ giải khối xây bằng gạch chỉ vữa xi măng khu vực sảnh chính, phục hồi bằng gạch Chăm phục chế; xử lý gia cố các vết nứt trên thân tháp;… Phân loại bảo quản, xử lý bảo quản sơ bộ cấu kiện đá sa thạch; thay thế các viên gạch đã bị mục, vỡ các phần hư hại nhẹ trên bề mặt đế và tường tháp; xây phục hồi bổ sung các phần bị đổ, mất hoặc mất ổn định trên đế và thân tường; xử lý bảo quản toàn bộ bề mặt gạch; chống mối công trình; xử lý diệt cây xanh xâm thực thân, mái tháp và các hạng mục phụ trợ có liên quan.

Dự án bảo tồn, tu bổ, gia cố và phát huy giá trị tháp Sáng thuộc di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương với tổng mức đầu tư 12 tỉ đồng, quy mô gồm: Phát lộ mặt bằng; khai quật, nghiên cứu khảo cổ khu vực quanh chân tháp với diện tích khoảng 500m2; thực hiện các can thiệp bảo tồn khu vực quanh chân tháp với diện tích khoảng 225m2; tu bổ chống sạt đổ khối xây thân tháp cổng hiện trạng; tu bổ phục hồi phần móng quanh tháp, phục hồi bậc cấp cửa chính; tu bổ phục hồi hai cửa bên, phục hồi bậc cấp bên; chống mối công trình; bảo quản gia cố bề mặt gạch; xử lý cây dại xâm thực trên tường gạch gốc và các hạng mục phụ trợ có liên quan.

Ngoài ra còn có dự án bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị tháp Nam thuộc di tích tháp Chăm Khương Mỹ được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 5,971 tỉ đồng. Hiện nay, dự án đang triển khai. “Việc đầu tư các dự án trùng tu, tu bổ các di tích tháp Chăm trên địa bàn Quảng Nam thời gian qua đã ngăn chặn kịp thời sự đổ vỡ các di tích thành phần, thời gian đến, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục đầu tư công tác trùng tu, tu bổ các tháp Chăm, góp phần tăng cường sự ổn định lâu dài của các cấu trúc di tích của các tháp Chăm còn lại trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của di tích, đồng thời, tạo điểm đến tham quan, nghiên cứu góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Hồng chia sẻ. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc