Còn rừng là còn làng

NGỌC HÀ

VHO - Giữa đại ngàn xanh thẳm, người Cơ Tu gọi rừng là Mẹ, đấng sinh thành chở che bao thế hệ. Lễ Tạ ơn rừng không chỉ là nghi lễ linh thiêng gửi lời tri ân tới đất trời, mà còn là dịp để cộng đồng quây quần bên nhau, gắn kết thế hệ, giữ gìn cội rễ và bồi đắp lòng biết ơn.

Còn rừng là còn làng - ảnh 1
Đồng bào Cơ Tu tổ chức múa hát trong Lễ Tạ ơn rừng

 Khi nghi thức ấy được tái hiện giữa lòng Đà Nẵng hiện đại, đó là tiếng vọng của văn hóa bản địa, là lời nhắn nhủ về một lối sống hài hòa, nơi con người gìn giữ rừng như giữ lấy chính mái nhà của mình.

Rừng là mẹ, là cội nguồn của sự sống

Người Cơ Tu bao đời nay vẫn truyền nhau thông điệp thiêng liêng: “Còn rừng là còn làng. Còn rừng là còn sự sống”. Lễ Tạ ơn rừng, Bhuôih Ca Coong, chính là lời tri ân sâu sắc gửi tới mẹ thiên nhiên, nơi khởi nguồn của no ấm, sức sống và tình thân.

Đây là dịp để cộng đồng Cơ Tu sum họp, cùng nhau ôn lại truyền thống, gắn kết thế hệ và truyền dạy con cháu đạo lý biết ơn với đất trời, với rừng thiêng. Trước bàn lễ với cây nêu rực rỡ, mâm cúng dâng Mẹ rừng gồm gà luộc, bánh sừng trâu, ché rượu cần, bà con lặng lẽ cầu nguyện: Tạ ơn năm cũ mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; cầu mong năm mới sức khỏe, yên lành, vạn sự đủ đầy!

Già làng Bríu Pố, người gìn giữ hồn cốt của nghi lễ, không quản đường xa, từ thôn Arớh (huyện Tây Giang, Quảng Nam) về Làng du lịch Toom Sara (Đà Nẵng) để cùng bà con tái hiện Lễ Tạ ơn rừng. Trước ánh mắt trang nghiêm của người lớn, ánh nhìn tò mò của trẻ nhỏ và sự xúc động của du khách, nghi thức diễn ra như một nhịp cầu nối liền quá khứ - hiện tại - tương lai.

Không chỉ là lời tri ân thần linh, Lễ Tạ ơn rừng còn là khúc hát của tình làng nghĩa xóm, là sợi dây liên kết bền chặt giữa con người với nhau và với thiên nhiên.

Trong buổi lễ ấy, người ta dạy nhau cách giữ rừng, giữ lòng biết ơn những đấng thiêng liêng cao cả, những bậc tiền nhân đã mở đất dựng làng. Và thế là, trong nhịp sống hiện đại hôm nay, vẫn vang vọng lời thì thầm của rừng, nhắc nhở mỗi người hãy sống hài hòa, biết yêu thương, như cách người Cơ Tu gọi rừng là Mẹ.

Còn rừng là còn làng - ảnh 2
Bà con quây quần gói bánh sừng trâu để dâng lên Mẹ rừng

Hơi thở đại ngàn trong lòng người Cơ Tu

Ngày nay, trong hành trình đi tìm lại cội nguồn văn hóa và sống hài hòa với tự nhiên, Lễ Tạ ơn rừng của người Cơ Tu không chỉ là một nghi lễ linh thiêng, mà còn là biểu tượng sống động cho tinh thần bảo tồn bản sắc dân tộc, bảo vệ môi trường và tái kết nối cộng đồng.

Khi nghi lễ thiêng liêng ấy được tái hiện giữa không gian Làng du lịch Toom Sara, người dân địa phương và bạn bè, du khách có dịp được chạm vào tầng sâu văn hóa của người Cơ Tu, lắng nghe tiếng gọi thiêng liêng từ rừng, từ đất mẹ.

Theo bà Hồ Thanh Nhàn, đại diện của Làng: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai lũ lụt ngày càng khốc liệt, việc gìn giữ và tái sinh rừng là hành động cấp thiết. Đây chính là thông điệp mạnh mẽ về mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa cộng đồng và hệ sinh thái”.

Già làng Bríu Pố bày tỏ tâm tư: “Dân tộc Cơ Tu luôn tôn thờ rừng như mẹ hiền. Mỗi gốc cây, mỗi dòng suối đều mang linh hồn tổ tiên. Rừng mất đi là mất bản làng, mất chính mình. Ngày nay, khi du lịch phát triển, chúng tôi càng mong muốn đưa văn hóa Cơ Tu ra thế giới, để ai cũng biết đến những giá trị tốt đẹp mà dân tộc này đang gìn giữ”.

Thực tế, sự mất cân bằng sinh thái đã và đang gióng lên hồi chuông cảnh báo. Việc phát triển diện tích trồng keo trên diện rộng tại Đà Nẵng, cùng thói quen đốt thực bì sau khai thác, đã tàn phá nghiêm trọng hệ sinh thái đất rừng, giết chết các vi sinh vật, làm suy yếu kết cấu đất, gia tăng nguy cơ xói mòn, lũ quét và mất đa dạng sinh học.

Trước thực trạng ấy, hoạt động tái hiện lễ Tạ ơn rừng đã được lồng ghép trong sáng kiến cộng đồng “Rừng ơi, thở đi!”, một lời kêu gọi khẩn thiết nhằm phục hồi hệ sinh thái rừng bản địa tại thôn Phú Túc.

Mục tiêu của dự án là phủ xanh 70.000m² đất rừng bằng các giống cây như gỗ chò chỉ, rau má, dược liệu… đồng thời thúc đẩy mô hình du lịch sinh thái gắn kết cộng đồng người Cơ Tu, đặc biệt thông qua các hoạt động trồng rừng tình nguyện và du lịch trải nghiệm thiên nhiên có trách nhiệm.

Từ những lễ cúng rừng mang tính biểu trưng đến các mô hình cộng đồng thực tiễn, người Cơ Tu tại Hòa Vang đang chứng minh rằng: Bảo vệ rừng không chỉ là bảo vệ môi trường sống, mà còn là hành trình gìn giữ hồn cốt văn hóa, dựng xây kinh tế xanh và vun đắp một tương lai bền vững. Giữ rừng hôm nay là giữ cho mai sau một gia đình lớn mang tên cộng đồng, sống trong hòa hợp với đất trời, trong yêu thương với nhau.